Ông chủ Việt sở hữu 20 tiệm nail ở Czech
Hồi năm 1984, khi Czech và Slovakia còn là một quốc gia, ông Thuyên rời khỏi Vĩnh Phúc đến khu vực này để học nghề tại nhà máy sản xuất ô tô. Khi nơi này chia tách hồi năm 1993, ông chọn ở lại Czech và chuyển sang làm kinh doanh tự do.
Đi theo trào lưu khi đó, sau khi Đông Âu tan rã, gia đình ông Thuyên tham gia kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có hàng vải may mặc. Tuy nhiên với lượng hàng nhập vào châu Âu tràn ngập trong thời gian dài, lượng tiêu dùng của người dân giảm, kéo theo doanh thu của người Việt giảm đi.
"Tôi nghĩ rằng đã đến lúc phải tìm một nghề kinh doanh khác mới mẻ hơn để duy trì công việc kinh doanh của gia đình. Và tôi nhớ đến các tiệm làm đẹp móng tay của người Việt đã thành công ở rất nhiều nơi, như ở Mỹ, Canada, Anh, Australia", ông Thuyên nói với VnExpress.
Tìm hiểu thêm qua các phương tiện truyền thông, ông Thuyên nhận thấy nghề làm nail của người Việt ở nhiều nơi thực sự có tiềm năng, đã được nâng cấp lên thành ngành công nghiệp và nộp thuế cho chính phủ nước sở tại.
Tuy nhiên phải đến tận năm 2005, ông Thuyên mới có cơ hội đến Anh để bắt đầu học nghề khi London cho phép người Việt có quốc tịch ở châu Âu tự do đi lại. Nghề làm nail đòi hỏi sự khéo léo và kiên trì nên ban đầu ông Thuyên cũng gặp không ít khó khăn, nhưng ông luôn tự nhủ "Phải làm tốt để đưa nghề này đến Czech".
Qua hơn 10 năm, công ty Euro Nails của ông Thuyên đã đào tạo hàng trăm thợ làm nail lành nghề ở thủ đô Praha. Trong số những người họ hàng của ông từ Việt Nam sang học việc, hầu hết đều có tay nghề vững và mở được tiệm riêng. Hiện Euro Nails sở hữu 20 tiệm với hơn 100 thợ, họ có mức lương khoảng 2.500 - 3.500 USD mỗi tháng, cao hơn mức thu nhập trung bình ở Cezch. Các tiệm của Euro Nails do ông Thuyên trực tiếp quản lý theo mô hình chuỗi, hiện diện trong hơn 40 trung tâm thương mại ở Đông Âu.
"Cường độ làm việc ở các trung tâm thương mại rất lớn, không có ngày nghỉ trong tháng, liên tục từ 9h sáng đến 9h tối. Chỉ có người Việt mới theo được công việc đòi hỏi sự chăm chỉ này", ông Thuyên tiết lộ bí quyết thành công.
Chia sẻ thêm về cuộc sống cá nhân, ông Thuyên cho biết công việc của mình thuận lợi cũng nhờ có sự hỗ trợ của bà xã, một người vừa dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình, vừa tham gia quản lý công ty. Ông cũng không giấu được vẻ tự hào khi nói đến hai cậu con trai của mình, một người đang làm kỹ sư tại Đan Mạch, một người đang học Đại học Kỹ thuật Praha.
Tính chung toàn Czech hiện có khoảng 300 tiệm nail khác với hàng nghìn người làm việc, đây được coi là một lợi thế của cộng đồng người Việt ở quốc gia này. Đánh giá về "tính cạnh tranh" của các tiệm nail, ông Thuyên cho rằng đó là một "cuộc cạnh tranh tích cực". Nếu như trước đây người dân phải chi đến 50 euro (hơn 55 USD) để làm đẹp cho bộ móng tay, hiện giá chỉ còn 20 euro, đi kèm với đó là chất lượng được tăng thêm.
"Có thể nói giờ đây hầu hết các phụ nữ châu Âu đều thích làm đẹp móng tay, không chỉ là những người giàu có, công chức, nghệ sĩ, mà ngay một người giúp việc cũng thích làm móng nếu như ngày mai họ đi xin việc làm", ông Thuyên nói.
Năm ngoái, ông chủ người Việt này đã đi khảo sát thị trường ở một số nước và khu vực, từ Thổ Nhĩ Kỳ, Cyprus, đến Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UEA). Sau đó ông đã mở công ty chi nhánh của Euro Nails tại Rumania.
"Nghề làm nail ở Mỹ đã phát triển 40 năm, Anh hơn 30 năm, chúng tôi mới có hơn 10 năm nhưng qua các chuyến khảo sát của cá nhân, tôi ước tính ở Nam Âu cần khoảng 5.000 thợ chuyên nghiệp, nhu cầu của người tiêu dùng sẽ cao tương đương ở Mỹ và các nước khác", ông Thuyên nói.
Nguồn VnExpress