Kuala Lumpur nhìn từ trên cao.
Nhiều cơ hội đầu tư tại Malaysia cho người Việt
"Đại hạ giá" vì cú sốc COVID
Trên cầu thang dẫn lên lầu một xem căn hộ mẫu ông Grant Kok, Giám đốc bán hàng và Tiếp thị của công ty Linbaq luôn nhắc đi nhắc lại với chúng tôi rằng đây là cơ hội rất tốt khi đầu tư vào bất động sản ở Jorhor Bahru (nằm tại phần phía nam của bán đảo Malaysia) trong thời điểm hiện tại.
Căn hộ Linbag đang giới thiệu có giá tầm 5 tỉ đồng Việt Nam căn hộ 3 phòng ngủ có diện tích 100m2, nằm ngay khu phố thương mại sầm uất lâu đời của Jorhor Bahru và bàn giao vào năm 2026. Và để tăng thêm sức hấp dẫn của dự án bằng định lượng, ông Kok nói với chúng tôi rằng số tiền bỏ ra để sở hữu một căn hộ ở Jorhor Bahru thấp hơn vị trí tương tự ở TP.HCM tầm 45%. “Ví dụ giá một căn hộ ba phòng ngủ ở đây là 1.800 USD/m2, còn ở Việt Nam là 2.600 USD/m2”, ông Kok nói.
Ông Grant Kok, Giám đốc bán hàng và Tiếp thị của công ty Linbaq giới thiệu dự án cho khách tham quan. |
Theo ông Kok, Jorhor Bahru có một vị trí đặc biệt khi giáp với Indonesia và đặc biệt là Singapore khi chỉ mất 10 phút bắt xe từ trung tâm Jorhor Bahru đến cửa khẩu Singapore – Malaysia. Từ năm 2015 -2019, số lượng du khách viếng thăm Jorhor Bahru đã tăng từ 3,9 triệu người lên 5,1 triệu người.
Nguồn thu từ khách du lịch cũng vì thế mà tăng lên trong 5 năm qua, từ mức 78,6 triệu Ringgit (hơn 400 tỉ đồng) năm 2015 lên 91 triệu Ringgite năm 2019 (461 tỉ đồng).
Thật ra không phải đến bây giờ, các nhà đầu tư từ lâu đã xem Malaysia là điểm đến yêu thích bởi nền kinh tế tại đây luôn duy trì mức tăng trưởng ổn định, với tỉ lệ 4,5 - 5,5%/năm. Hiện nay, cũng giống như Hồng Kông, môi trường kinh doanh tại Malaysia, đặc biệt là xung quanh khu vực thủ đô Kuala Lumpur, phát triển khá tốt, cùng với đó là giá nhà tương đối thấp, đang là hai yếu tố biến vùng đất này trở thành “nam châm” thu hút hàng loạt nhà đầu tư quốc tế.
Nhiều năm qua, giá nhà đất tại Kuala Lumpur lại rẻ hơn rất nhiều so với ở các đô thị lớn trong cùng khu vực. Từ sân bay KUL về đến thủ đô Kuala Lumpur (chừng 50km), dọc hai bên đường cao tốc, rất nhiều khu nhà ở dân cư mới mọc lên có giá rất hấp dẫn nếu so sánh với thị trường Việt Nam. Đơn cử, một biệt thự độc lập giá 9,5 tỉ đồng, còn nhà liền kề giá 2,3 tỉ đồng.
Từ năm 2002, Bộ Nội vụ Malaysia đã đưa ra chương trình Malaysia My Second Home (MM2H) tạm dịch là căn nhà thứ hai để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mua tài sản và cư trú dài hạn lên đến 10 năm tại quốc gia này.
Các nhà đầu tư từ lâu đã xem Malaysia là điểm đến yêu thích bởi nền kinh tế tại đây luôn duy trì mức tăng trưởng ổn định, với tỉ lệ 4,5 - 5,5%/năm. |
Năm 2017, dự án Star Residences Two toạ lạc ở thủ đô Kuala Lumpur do Anpha Holdings (Việt Nam) và PropNex International (Singapore) cũng được giới thiệu cho các nhà đầu tư Việt Nam theo chương trình MM2H.
Các ước tính của chính phủ nước này từ năm 2017 cho thấy hàng ngàn người Trung Quốc sang Malaysia mua nhà đất, kéo theo làn sóng đầu tư vào Jorhor bởi vị thế rất gần Singapore, trong đó có Forest City. Dự án phức hợp khổng lồ bao gồm căn hộ gần biển, sân goft chuẩn quốc tế… có diện tích lớn trải rộng trên 1.740 ha, dự kiến thu hút 700.000 người sinh sống.
Tuy nhiên Covid đã làm chặn đứng dòng chảy đầu tư vào bất động sản ở Malaysia. Khi dịch bệnh diễn ra, các nhà đầu tư này bị “khoá” bên trong Trung Quốc cùng với virus Covid đã làm bất động sản Malaysia điêu đứng theo.
Mặc dù được cảnh báo trước về “một thành phố ma” nhưng du khách vẫn choáng ngợp trước quy mô khổng lồ cũng như sự hoang vắng của dự án Forest City, mất 6 năm và hơn hàng chục ngàn tỉ đồng xây dựng.
Thời điểm này, các khu vực trọng điểm của Forest City như sân goft chuẩn quốc tế Golf Resort, khu vực café và nhà ăn thưa thớt người qua lại. Cách đó 5 phút đi xe ô tô là khu căn hộ cao cấp gần biển cũng chẳng khá hơn khi chỉ lác đác vài bóng người qua lại ở khu giải trí ngoài trời, dù khu vực này có tầm nhìn phóng sang Singapore khá đẹp.
Dọc quanh bãi biển các bảng cấm tắm được dựng lên vì không có nhân viên cứu hộ làm việc. Còn trên khu vực Shophouse có đến quá nửa các cửa hàng treo bảng ngừng hoạt động.
“Dự án này thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc vì một phần là quà khuyến mãi khi mua một căn hộ tại Thượng Hải. Ngoài ra, không thể không nói đến tiềm năng thực sự của khu vực này. Được biết, cũng có 300 khách hàng của dự án Forest City đến từ Việt Nam”, ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành công ty Vũ trụ Xanh, đơn vị cung cấp thương hiệu PHGLock, cho biết.
Dự án Forest City vắng người qua lại. |
Đại dự án còn chịu cảnh vắng lặng như thế thì bất động sản xung quanh khu vực này chẳng thể nào khá hơn. Nhiều quảng cáo bán căn hộ 48 m2 ở Jorhor với giá chỉ khoảng 2,1 tỉ đồng, trong khi 2 năm trước đó là hơn gần 4,7 tỉ đồng để mua một căn tương tự. Đỉnh điểm là năm 2020, Bộ Nội vụ và Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn Hoá Malaysia đã phải dừng chương trình MM2H để nghiên cứu và xem xét lại một cách toàn diện.
Đón đầu cơ hội
Tháng 8/2021, Bộ Nội vụ Malaysia đã tái khởi động lại MM2H sau một năm trì hoãn để thu hút dòng vốn trở lại. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia khi có một tài khoản 50.000 USD (hơn 1 tỉ đồng ) ở một ngân hàng địa phương tại Malaysia. Thêm một điều kiện bắt buộc nữa là theo luật mới, bắt đầu từ năm 2014, người nước ngoài sẽ được yêu cầu chỉ mua nhà tối thiểu trị giá từ 500.000 Ringgite ( hơn 2,5 tỉ đồng) đến 1 triệu Ringgite (hơn 5 tỉ đồng).
Đáp ứng hai yêu cầu trên, người nước ngoài mua nhà sẽ nhận được nhiều chính sách ưu đãi của chính phủ. Chẳng hạn, nếu không có đủ tài chính, họ có thể vay ngân hàng trong thời hạn 20 năm với lãi suất lãi suất tương đương lãi suất mua ô tô, tức khoảng 2-4%/năm. Ngoài ra, người nước ngoài còn được quyền sở hữu tài sản bất động sản, được cấp visa ưu tiên và miễn thuế mua một chiếc ô tô.
“Cơ hội rất tốt” như ông Kok của Linbaq đề cập, không đơn thuần là vị thế mà bởi vì Malaysia nói chung hay Jorhor Bahru nói riêng sau khi nếm trái đắng khi bất động sản phụ thuộc quá nhiều vào nhóm nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đang tìm kiếm các nhà đầu tư từ các quốc gia khác.
Theo ông Kok tiềm năng du lịch của Jorhor Baru vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng khi chính quyền ở đây đang có kế hoạch thúc đẩy giao thương. Nổi bất nhất là dự án xây dựng hệ thống metro trực tiếp từ Singapore sang Malaysia trong vòng 8 phút, với khoảng 10,000 lượt khách mỗi giờ, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2026.
“Năm 2021, đã có 341 triệu Ringgite (hơn 1.600 tỉ đồng) đầu tư vào Jorhor Bahru. Dự kiến con số đầu tư sẽ tăng lên 400 triệu Ringgite (hơn 2.000 tỉ đồng) vào năm 2025. Tốc độ phát triển của chúng tôi được ví như Hàng Châu 10 năm trước”, ông Kok nói.
Ông Tuấn Anh cho biết cũng bởi vì các nhà đầu tư Trung Quốc chưa hoạt động trở lại nên đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp nước khác tham gia vào các vị trí đắc địa ở đây với mức giá hấp dẫn. Bản thân ông cũng đang thử sức với dự án bất động sản hơn 6.000 m2 đối diện mặt biển và cách tuyến metro nối hai quốc gia đang xây dựng khoảng 10 phút đi bộ.
Dự án này hướng đến hình thành khu phức hợp lưu trú kết hợp nhà hàng, ăn uống đậm đà hương vị Việt Nam. Có hai lý do cho lựa chọn này, theo ông Tuấn Anh phân tích, thứ nhất Jorhor Baru là bang người Malaysia gốc Hoa sinh sống rất nhiều nên ẩm thực có nhiều nét tương đồng với người Việt Nam. Luồng khách du lịch từ Singapore sang cũng có khẩu vị tương tự.
Thứ đến đây cũng là khu vực đã có nhiều người Việt Nam làm việc, ước tính sơ bộ là hơn 60.000 người, nhưng chỉ mới có chưa đến 5 địa điểm ăn uống dành cho người Việt Nam. “Tôi nghĩ đây là cơ hội có một không hai để quảng bá thương hiệu Việt Nam ra khu vực, nên Vietnam Town là cái tên tôi rất ưng ý”, ông Tuấn Anh nói.
Bà Trần Lê Dung, Bí thứ thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho biết, Malaysia đứng thứ 10 đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có 27 doanh nghiệp đã đầu tư vào thị trường này trong các lĩnh vực dầu khí, phần mềm… Malaysia đang có nhiều chính sách thu hút đầu tư, thương mại hấp dẫn nên doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng cơ hội này để mở rộng thị trường tại đây.