Giáo sư Quốc gia Nhữ-Tarnawska Hoa Kim Ngân chụp chung với Tổng thống Ba Lan, Andrzej Duda

 
Tuệ Anh Thứ Hai | 15/07/2024 16:33

Nhà khoa học nữ gốc Việt được phong học hàm Giáo sư quốc gia Ba Lan

Bà Nhữ-Tarnawska Hoa Kim Ngân là nhà khoa học nữ gốc Việt đầu tiên được Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trao quyết định phong học hàm Giáo sư quốc gia.

Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, bà Hoa Kim Ngân bắt đầu sự nghiệp khoa học của mình tại phòng thí nghiệm vật lý nhiệt độ thấp tại khoa Vật lý của trường. Tiếp theo đó, bà tham gia nghiên cứu tại Viện Natuurkundig Laboratorium, trường Đại học Amsterdam, Hà Lan.

Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về Vật lý và Thiên văn tại trường Đại học Amsterdam năm 1993, bà cộng tác khoa học quốc tế rộng rãi và có nhiều bài báo khoa học đăng chung.

Hợp tác quốc tế hiệu quả này được duy trì trong suốt sự nghiệp khoa học của bà Ngân. Hợp tác hiệu quả nhất trong thời gian làm nghiên cứu sinh là bà đã xây dựng được một hệ đo thực nghiệm cho phòng thí nghiệm tại Amsterdam, hệ đo được khởi động, thu thập và phân tích số liệu hoàn toàn tự động bằng máy tính. Trong các đồng nghiệp mà bà cộng tác lúc đó, có một đồng nghiệp từ Krakow (Ba Lan) là TS. Zbigniew Tarnawski, người sau này trở thành chồng của bà.

TS. Zbigniew Tarnawski làm việc tại trường AGH-Krakow và bà Ngân chuyển về làm việc ở Trường Sư phạm Krakow. Không có điều kiện tiếp tục đề tài như ở Amsterdam, bà phải chuyển sang đề tài vật lý bề mặt, đến nay là vật lý nano. Nữ Tiến sĩ người Việt xây dựng phòng thí nghiệm cấu trúc nano từ nguồn tiền tài trợ của Hội đồng châu Âu trong chương trình phát triển và đổi mới Trường Sư phạm Krakow, dành cho sinh viên và nghiên cứu sinh làm quen với chuyên ngành này.

Hiệu Trưởng PUC trao tặng bằng khen cho GS TSKH Hoa Kim Ngan Nhu-Tarnawska
Hiệu Trưởng ĐH Sư phạm Krakow trao tặng bằng khen cho GS TSKH Hoa Kim Ngan Nhu-Tarnawska

Như phần lớn các nhà khoa học Việt, khi đã đạt thành công và có vị trí nhất định, việc đầu tiên là bà tìm cách giúp đỡ thế hệ trẻ Việt Nam trong khoa học. Bước đầu, bà hợp tác khoa học với đồng nghiệp tại Việt Nam, tham gia các hội nghị hội thảo quốc tế tổ chức tại Việt Nam.

Thứ hai, để mở rộng mạng lưới cộng tác, bà mời các nhà khoa học Việt Nam tham quan các viện, trường tại Ba Lan, đặc biệt là các hoạt động trên cơ sở các hiệp định ký kết hai bên về hợp tác.

Thứ ba, cũng là bước quan trọng nhất là hợp tác trong đào tạo nghiên cứu sinh người Việt. Việc giúp đỡ có hiệu quả phải cần có vị trí vững trong khoa học để có thể tìm nguồn tài chính, tìm được nơi làm việc thích hợp cho nghiên cứu sinh tại trường, cũng như làm cầu nối đến các viện, trường khác.

Là Chủ nhiệm chương trình đào tạo nghiên cứu sinh về vật lý, sau đó là thành viên Ban điều hành đào tạo nghiên cứu sinh của trường, bà Ngân đã giúp đỡ các nghiên cứu sinh người Việt, kể cả việc tìm giáo sư hướng dẫn đề tài nghiên cứu thích hợp.

Hiện tại, bà là thành viên Ban chấp hành của Hội Khoa học công nghệ Việt Nam tại Ba Lan. Một trong mục tiêu chính của Hội là tổ chức hội thảo thường niên cho sinh viên Việt Nam tại Ba Lan.

Nguồn Báo Quốc Tế