Nguyễn Hữu Thiên Nga: Người bắc cầu cho âm nhạc dân tộc
Dáng đẹp và ngón tay uyển chuyển lướt trên đàn tranh thánh thót. Đó là ấn tượng đầu tiên của cố Giáo sư Trần Văn Khê khi ông tình cờ gặp Nguyễn Hữu Thiên Nga tại nhà một người bạn ở thành phố Morian, Canada 20 năm về trước. Từ dạo ấy, cô Việt kiều trẻ này đã được ông truyền lửa để trở thành cầu nối quảng bá nhạc dân tộc ở xứ người. Suốt 20 năm xa Việt Nam, Thiên Nga theo học ngành Lý thuyết Âm nhạc ở trường Đại học McGill. Học nhạc Tây, nhưng cô là người khởi xướng hàng trăm buổi trình diễn nhạc Việt truyền thống ở khắp Canada và Mỹ. Tại Canada, cô thành lập Hiệp hội Nghệ thuật Lạc Việt, quy tụ hơn 50 thành viên vừa học vừa diễn nhạc cụ Việt Nam. Sau này khi sang Mỹ làm việc, Thiên Nga vẫn dành thời gian thành lập nhóm Musika Era với mô hình tương tự. Cả 2 nhóm do cô thành lập luôn là lực lượng nòng cốt đem đến tiếng đàn ca quê nhà, làm dịu bớt nỗi nhớ quê của đồng bào xa xứ, đồng thời hấp dẫn người bản xứ.
Cách đây 4 năm, Nguyễn Hữu Thiên Nga đã hồi hương và bắt đầu xây dựng khách sạn Faifoo Boutique ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Giữa náo nhiệt phố phường, bước vào Faifoo, khách như lạc vào không gian tĩnh lặng của phố cổ Hội An. Mỗi tối, hàng chục vị khách Tây quây quần nghe bà chủ dạo đàn tranh, đàn bầu hát điệu lý câu hò. Khi nhạc dứt, khách vãn, chúng tôi mới có dịp trò chuyện. Thiên Nga đặt tay lên ngực như lần lại phím đàn: “Nhạc dân tộc luôn ở trong tôi.”
Đàn tranh nơi xứ người
18 năm tuổi thơ ở Việt Nam, Thiên Nga được học cả đàn Tây (piano) và nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Dù tập piano từ mẫu giáo, nhưng cô đã bị hút hồn ngay lần đầu nghe tiếng đàn tranh vào năm 12 tuổi. “Mỗi phím piano là một nốt nhạc cụ thể rời rạc. Còn đàn Việt, dẫu chỉ có ngũ cung Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, nhưng nhờ nhấn nhá dây đàn, lại có thêm nhiều cung bậc luyến láy”, Thiên Nga nói.
Theo cô, cái hay của đàn nằm ở đôi tay người đánh. “Tay phải gảy đàn là kỹ thuật. Ai có học nhạc đều có thể làm tốt. Nhưng chính tay trái mới tạo ra hồn nhạc khi nó điều chỉnh độ chùng hay căng của dây đàn tạo độ ngân”, Thiên Nga say sưa chia sẻ về mối duyên lần đầu của mình với nhạc cụ truyền thống.
Thiên Nga là người Việt đầu tiên đậu vào khoa Lý thuyết Âm nhạc của Đại học McGill - Ảnh: Tuyển Phan |
Song, năm 1990, vừa đậu khoa nhạc dân tộc ở Học viện Âm nhạc TP.HCM, cô đã phải gác lại đam mê để cùng gia đình di cư sang Canada. Cuộc sống vất vả lại nảy ra trong cô sáng kiến: dạy đàn dân tộc tại đây. Chỉ từ một mẫu quảng cáo nhỏ xíu trên báo, Thiên Nga lại không ngờ học sinh lại đến đông đảo. “Từ chỉ 1-2 em đến học trong tuần đầu, số lượng tăng lên đến 30 người vào mỗi cuối tuần. Họ thuộc đủ mọi lứa tuổi từ 7 tuổi đến 70 tuổi, đến từ khắp các bang ở Canada, bao gồm cả Tây lẫn Việt kiều”, cô kể. Dựa vào lượng học viên này, Thiên Nga đã lập ra Hiệp hội Nghệ thuật Lạc Việt. Vừa dạy, cô vừa đưa họ đi biểu diễn nhạc truyền thống ở khắp Canada.
Ngoài ra, nhờ kiến thức âm nhạc vững vàng, Thiên Nga cũng là người Việt đầu tiên đậu vào khoa Lý thuyết Âm nhạc của Đại học McGill. Tại đây, nhạc Việt không hề xuất hiện trong giáo trình, nhưng chính Thiên Nga là người tạo dấu ấn đó.
Trong giờ giảng môn Âm nhạc Điện tử, giáo viên giới thiệu đến sinh viên nhạc cụ mỗi nước qua phần mềm bản đồ các quốc gia trên thế giới. “Tôi tìm mãi mà không thấy nước Việt Nam đâu cả. Trung Quốc án ngữ trong đầu sinh viên nước ngoài với hàng trăm nhạc cụ của họ”, Thiên Nga nhớ lại. Kể từ ngày hôm ấy, cô đã bỏ ra 2 tuần tìm cách đưa Việt Nam vào phần mềm trên. Nhấp vào vị trí của Việt Nam, Thiên Nga đưa thông tin và hình ảnh của hơn 20 loại nhạc cụ Việt đến sinh viên cùng lớp. Nhấp vào nhạc cụ là tiếng đàn kèm lời giải thích. Việc này đã khiến không ít giáo viên và bạn bè nước ngoài phải thán phục tinh thần dân tộc của cô gái trẻ gốc Việt.
Kỷ niệm trên chỉ là một minh họa thú vị trong vô vàn lần Thiên Nga tìm cách đưa âm nhạc Việt Nam vào Đại học McGill và xứ Canada. Bất cứ khi nào trường hay thành phố có sự kiện cần diễn âm nhạc, Thiên Nga đều đưa nhóm Lạc Việt đến đóng góp thêm các tiết mục dân tộc. Trước mỗi lần biểu diễn, cô bỏ ra hàng giờ để chuẩn bị đạo cụ. Sự thiếu thốn về kinh tế không ngăn được tình yêu nhạc của cả hội. “Chúng tôi mua hoặc xin đồ cũ cắt may áo dài và giày dép. Đi nhặt giấy carton và nấu hồ để quấn thành khăn đống”, cô nói. Nhờ ý chí yêu nhạc của Thiên Nga, 50 học trò đã được dẫn dắt qua hàng trăm đêm diễn, góp phần in đậm dấu nhạc Việt trên đất Canada.
Nhạc dân tộc cho Tây
Về lại Việt Nam sau 20 năm, Thiên Nga thoáng buồn trước thực trạng nhạc truyền thống ngày một mờ nhạt ở quê nhà. Ở xứ người, chị từng được mời đi diễn ở khắp nơi. Nhưng nơi đây, không người Việt nào ngó ngàng đến đàn dân tộc. Đó là lý do thôi thúc chị xây dựng khách sạn Faifoo Boutique theo lối kiến trúc cổ Hội An. Khách sạn chỉ gồm 15 phòng trong không gian ấm cúng yên tĩnh, cách xa náo nhiệt đô thị. Trên lầu 3 là sân khấu nhạc cụ dân tộc, nơi thường xuyên quy tụ các nghệ sĩ biểu diễn đàn tranh, cải lương, đàn bầu.
Faifoo không phải nơi hoài cổ chôn dấu nhạc truyền thống vào dĩ vãng. Suốt nhiều năm đi diễn trên đất khách, Thiên Nga biết cách quảng bá hiệu quả nhạc dân tộc. Dự một buổi ăn tối ở nhà hàng này, đầu tiên khách sẽ nghe nhạc Tây, xen lẫn vài điệu đàn tranh trên chính nền nhạc đó để họ vừa bất ngờ vừa quen dần với nhạc cụ Việt. Sau đó, độc đáo nhất là phần hát cải lương. Các nghệ sĩ cải lương Việt lại diễn theo phong cách của nhà hàng Pháp. Họ đến tận bàn từng khách và hát cải lương đối đáp, xen lẫn những đoạn giải thích tiếng Anh cặn kẽ. Theo cách này, khách Tây thấy rõ sự huyền diệu của nhạc cụ Việt Nam và cuốn hút dần với âm nhạc truyền thống.
Do đó, Faifoo trở thành điểm thu nhỏ của văn hóa âm nhạc Việt Nam trong mắt người nước ngoài. Khách sạn luôn kín khách với 80% là người ngoại quốc. Nhiều người đã đến ở hẳn vài tháng để xin Thiên Nga dạy học đàn dân tộc.
Khát vọng quảng bá nhạc truyền thống của Thiên Nga chưa dừng lại ở Faifoo. Trong tương lai gần, cô sẽ xuất bản tập sách ảnh song ngữ liệt kê kiến thức về nhạc cụ dân tộc. Đồng thời, Thiên Nga sẽ cho ra đời đĩa nhạc hát ru gồm các bài trên thế giới xen lẫn bài ru 3 miền hát bằng song ngữ Anh - Việt.
Ngắt lời Thiên Nga, người viết thắc mắc dường như cô đang Tây hóa nhạc truyền thống. Cô đáp lại: “Tại sao nhạc truyền thống không hát bằng tiếng Anh được? Tôi lại nghĩ một bài cải lương quá dài khiến chính người Việt còn khó nghe huống chi Tây. Nếu hát bằng tiếng Anh, các bạn trẻ sẽ thích thú hơn khi hát giao lưu với nước ngoài Bước đầu là làm sao để thu hút các bạn trẻ, tránh tâm lý sai lệch là nhạc dân tộc chỉ dành cho những cụ già lớn tuổi”. Ngoài ra, Thiên Nga còn rất nhiều lần đưa người nước ngoài biểu diễn nhạc cụ Việt trên đường phố, như một cách thức tỉnh giới trẻ với nhạc dân tộc.
Cuộc đời của doanh nhân kiêm nghệ sĩ Thiên Nga hệt như cầu nối thế giới với nhạc cổ truyền Việt Nam. “Cũng là một chữ duyên mà tôi may mắn được gặp thầy, được truyền lửa về tình yêu âm nhạc dân tộc. Nhưng đó cũng là lời dặn để tôi tiếp tục góp phần gìn giữ âm nhạc nước mình”, cô chia sẻ khi được hỏi về suy nghĩ lúc được cố Giáo sư Trần Văn Khê chọn là người quảng bá nhạc dân tộc 20 năm về trước.
Đoàn Hoa