Người Việt ở Hungary chuyển mô hình, cách thức kinh doanh
Ông Phạm Ngọc Chu, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary, cho biết, kinh doanh ở chợ thoi thóp từng ngày, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải bỏ chợ. Chợ không phải là văn hóa của các nước Đông Âu, trong đó có Hungary. Chuyện đổ xô kinh doanh trong chợ chỉ còn trong ký ức người Việt những năm 1980. Các trung tâm thương mại lớn mở ra ngày càng nhiều đã làm giảm nhanh số lượng người vào chợ mua hàng.
Phương án được nhiều doanh nghiệp người Việt chọn là thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại lớn, chẳng hạn AsiaCenter - Trung tâm thương mại bán buôn lớn nhất Hungary nằm tại Thủ đô Budapest, có tổng diện tích sử dụng lên tới 125.000 m2. Tuy nhiên, vấn đề ngôn ngữ, tìm hiểu thị trường, tập quán kinh doanh, là những điểm yếu khiến người Việt không đạt được mục tiêu kinh doanh như mong muốn, theo ông Robert Forintos, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Hungary - Việt Nam. Điều này cũng khiến chuyển đổi mô hình và cách thức kinh doanh gặp nhiều khó khăn khi nền kinh tế Hungary chịu sự cạnh tranh gay gắt ở hầu hết lĩnh vực.
Nghèo về tài nguyên thiên nhiên nên tăng trưởng kinh tế của Hungary chủ yếu dựa trên sản xuất nông nghiệp và gia công. Thị trường hàng hóa được nắm giữ bởi các doanh nghiệp lớn của người Hungary, trong khi các tập đoàn nước ngoài đến từ Tây Âu, đặc biệt là Đức và châu Á cũng giữ vai trò không kém quan trọng. Trong môi trường ấy, cách bán hàng tốt nhất với các doanh nghiệp người Việt là sử dụng hệ thống đại lý, nhà phân phối, thậm chí là mở văn phòng để tiếp thị, bán hàng trực tiếp.
Bên cạnh đó, yếu tố quyết định thành công trong kinh doanh là những sản phẩm chất lượng cao, giá cả thấp và dịch vụ tốt. Và một yếu tố không thể bỏ qua, người Hungary thích làm ăn với người mà họ tin tưởng. Nắm bắt những yếu tố này, nhiều doanh nghiệp buôn bán nhỏ người Việt có thể chuyển đổi mô hình và cách thức kinh doanh thành công. “Doanh nghiệp người Việt thường chậm đổi mới nhưng khi đã quyết tâm thì làm rất nhanh”, ông Chu nhận xét.