Người Việt hồi hương: Câu chuyện từ New Delhi
Ở Việt Nam, Huyền Tâm là một ni sư tu tập ở chùa, còn ở Ấn Độ cô là một ni sinh học về Phật giáo. Sau 3 tháng chống chọi với COVID-19, Huyền Tâm quyết định về Việt Nam, nơi cô đã phải gom góp và tiết kiệm rất nhiều để được sang học tập. Ni sư Huyền Tâm hồi hương theo chương trình được Chính phủ Việt Nam tài trợ. Nhờ chương trình này, hàng ngàn người Việt Nam đã và đang thực hiện chuyến đi trở về nước kể từ 2 tháng qua, trong bối cảnh nhiều quốc gia đóng cửa biên giới và áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.
“In vé máy bay, cầm sẵn hộ chiếu và kiểm tra visa nhé”, ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, dặn dò như vậy, vì nếu visa hết hạn mà chưa khai online sẽ bị phạt 300USD, thậm chí từ chối cho phép lên máy bay, còn nếu mất giấy tờ Đại sứ quán sẽ không đủ thời gian để cấp giấy thông hành. Dịch COVID-19 tiếp tục khiến hàng chục ngàn người Việt Nam ở nước ngoài mong muốn trở về nước nhưng không có chuyến bay nào khi hầu hết các chính phủ ra quyết định phong tỏa. Chính phủ Việt Nam đang cố gắng cho họ lối thoát khỏi COVID-19: Trở về quê hương trên cơ sở đăng ký, xem xét và lựa chọn.
Nhiều người hồi hương là các tăng, ni sinh đến Ấn Độ từ các chùa và viện Phật giáo trên khắp Việt Nam. Một số người mua vé máy bay bằng tiền công đức nhưng lại không có nhiều tiền. Một người trong túi chỉ vỏn vẹn 1,5 triệu đồng Việt Nam.
Một người khác được chủ nhà thương tình hỗ trợ 50USD tiền lộ phí. Trong khi đó, chi phí cho 3 chặng về Việt Nam lên đến 1.000USD. Họ đắn đo, suy tính từng đồng, quyết định về nước rồi lại rút. Giá vé của các chuyến bay nội địa do Đại sứ quán thuê lại vẫn tiếp tục trồi sụt tùy thuộc số lượng khách sẽ bay. Về nước rồi, bà con cũng cần tiền để di chuyển tiếp về quê hoặc chùa từng tu tập. Họ bế tắc và tuyệt vọng.
“COVID-19 gây ra những điều tồi tệ nhất nhưng vẫn có một điểm tích cực. Nó giúp tôi nắm bắt rõ hơn bức tranh người Việt Nam sống tại Ấn Độ hay chính xác hơn là đang bị cơ nhỡ tại Ấn Độ”, Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ. Bức tranh người Việt ở Ấn Độ rất khác với cộng đồng Việt kiều ở Pháp, ở Bỉ, nơi ông Châu từng công tác. Nó cũng rất khác với cộng đồng người Việt Nam ở Đông Âu, nơi ông từng biết vì có chị và cháu ông đang sống. Nó cũng khác với hoàn cảnh của kiều bào ở Thái Lan, Campuchia, mà cuộc sống của họ được đề cập trong các buổi giao ban làm việc ở Bộ Ngoại giao.
“Thế giới người Việt Nam của tôi là thế giới của cả nỗ lực mưu sinh vì cuộc sống, của một thời kỳ quá độ do lịch sử để lại và đặc biệt là thế giới của tâm linh”, ông Châu nhận xét sau hơn 1 tháng trở thành “chuyên gia tâm lý” thông qua điện thoại động viên những con người cần hơn bao giờ hết lời hỏi thăm của ông.
“Chúng tôi chứng kiến sự giằng xé, trăn trở của những người có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Nếu ở lại Ấn Độ, họ sẽ ở đâu, lấy gì ăn và sống thế nào khi Ấn Độ vừa kết thúc đợt giãn cách thứ 3 và bước vào đợt thứ 4, với 5.000 người nhiễm bệnh mỗi ngày”, ông Châu cho biết. Trong sự nghiệp hoạt động đối ngoại trên 37 năm của mình, có lẽ chưa bao giờ ông Phạm Sanh Châu, một nhà ngoại giao kỳ cựu, lại gắn sâu với công tác lãnh sự và bảo hộ công dân như thế, chưa bao giờ gắn bó với từng số phận của từng đấy con người như thế.
Đại sứ quán quyết định tổ chức quyên góp trong nội bộ cơ quan ngoại giao tại Ấn Độ để lấy tiền mua 15 vé máy bay nội địa, 5 vé quốc tế, hỗ trợ giảm giá cho 15 vé nội địa và quốc tế khác, nhằm xoa dịu khó khăn của con người đang mong mỏi từng ngày được trở về quê hương. Dịp này, sư thầy Thích Tường Quang chùa Đại Lộc cũng hỗ trợ 50USD tiền vé cho gần 100 Phật tử hành hương từ Bồ Đề Đạo Tràng trên lộ trình Gaya - Delhi. Đại sứ quán trân trọng cảm ơn, song buộc phải từ chối nhã ý đóng góp tiền của một số sư thầy như sư thầy Huyền Diệu và sư thầy Huệ Sơn vì suốt 2 tháng vừa qua, chùa Việt Nam Phật Quốc Tự đã lo cho ăn ở miễn phí gần 20 Phật tử.
Ông Châu kể rằng ngay trong ngày mở bán đầu tiên, Vietnam Airlines đã bán hết ngay 300 vé cho đối tượng đặc biệt cần về nước theo danh sách được Chính phủ duyệt. Đại sứ quán đã xin thêm và được Chính phủ Việt Nam cho phép bán bổ sung thêm 30 vé. Khi chỉ còn 14 vé cuối cùng, Đại sứ quán muốn dành cho đoàn người Việt từ Nepal nếu Ấn Độ đồng ý cấp visa quá cảnh vào phút cuối.
Khó khăn chưa hết. Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, trước 2 ngày bà con lên máy bay trở về quê hương, Đại sứ quán chỉ có giấy phép cất cánh của Chính phủ Việt Nam và giấy phép hạ cánh của Chính phủ Ấn Độ cho chuyến bay của Vietnam Airlines, nhưng chưa có giấy phép bay qua không phận Myanmar và Bangladesh. Trong khi đó, về chuyến bay nội địa, Đại sứ quán đã hoàn tất ký hợp đồng thuê 3 chuyến bay nội địa của hãng Indigo và đã nộp đơn nhưng chưa nhận được giấy phép đồng ý của Chính phủ Ấn Độ.
Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng nói rằng việc mở cửa 3 sân bay Bangalore, Pune và Gaya không gặp nhiều khó khăn do Đại sứ quán đã có được giấy phép của 2 sân bay, nhưng sân bay quân sự Pune, đoàn chưa nhận được giấy phép của Bộ Quốc phòng Việt Nam, dù đã có giấy phép của Bộ Ngoại giao.
Trong khi đó, do Chính phủ đã cấp phép cho chuyến bay Delhi - Hà Nội nên đoàn đã có giấy phép di chuyển trên đường bộ của 9 tiểu bang nhưng lại chưa có giấy phép di chuyển trên 6 tiểu bang ở các khu vực 3 sân bay Bangalore, Pune và Gaya vì chưa có giấy phép bay nội địa. Đối với bà con mắc kẹt tại Nepal, Đại sứ quán đã gửi Công hàm xin Chính phủ Nepal và Ấn Độ nhưng đến nay Chính phủ Ấn Độ vẫn chưa đồng ý cho phép họ quá cảnh qua sân bay Delhi để lên máy bay đặc biệt về nước.
Hồi hương từ Ấn Độ giữa đại dịch, một hành trình đặc biệt khó khăn, với sự tham gia của 340 người, di chuyển hàng chục ngàn cây số, hàng chục tiếng đồng hồ, để vượt qua 15 tiểu bang trên 66 ô tô và 3 chuyên cơ đặc biệt để tới được địa điểm cuối cùng là sân bay New Delhi vào chiều ngày 19.5. Nhưng rồi, chẳng mấy chốc đoàn người đã ra cổng lên máy bay và về đến quê nhà vào rạng sáng hôm sau, bắt đầu lại cuộc sống tại Việt Nam, nơi dịch COVID-19 đã được kiểm soát.