Người Việt Bốn Phương tuần qua
Tạo nhiều chính sách thuận lợi cho cộng đồng người Việt ở Mỹ
Chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ và Tổng thống Obama đến Việt Nam vừa qua đã ảnh hưởng tích cực đến tình hình cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ. Nhận định này được chứng thực đậm nét hơn sau chuyến thăm và làm việc với cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam, từ ngày 12-18.9.
Thăm các khu vực có đông người Việt Nam sinh sống tại Mỹ như: Washington DC và vùng phụ cận, Houston (bang Texas), Quận Cam, thành phố San Jose, San Francisco (bang California), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam và đoàn công tác đã có nhiều cuộc gặp gỡ các hội đoàn, giới doanh nhân, trí thức và sinh viên cũng như đi thăm các trường dạy tiếng Việt... Tại các cuộc gặp, ông Vũ Hồng Nam đều khẳng định, Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thể hiện bằng việc ban hành các chính sách thuận lợi để bà con về nước đầu tư, kinh doanh.
Cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ với khoảng hơn 2 triệu người, chiếm gần một nửa cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Theo ông Nam, đây là nguồn lực quý báu đối với đất nước, bởi tiềm năng về kinh tế, tri thức, đồng thời là cầu nối quan trọng giữa 2 nước Việt Nam và Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao cũng nhấn mạnh tầm quan trọng và trách nhiệm của cộng đồng người Việt Nam trong việc duy trì tiếng Việt, không những bảo tồn mà còn quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè và nhân dân sở tại.
Nhiều người Việt tại Mỹ cho rằng, ngoài việc tạo các chính sách thuận lợi cho Việt kiều về nước, Nhà nước cần có thêm những diễn đàn để kiều bào trao đổi, cập nhập chính sách và tình hình trong nước, cũng như quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn và phát huy văn hóa Việt tại Mỹ. Về các vấn đề này, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ hỗ trợ và đáp ứng tối đa nguyện vọng chính đáng của cộng đồng người Việt ở Mỹ, theo ông Nam.
Phó Thủ tướng trực tiếp giải quyết khó khăn của Doanh nghiệp Việt ở Đức
Trong chuyến công tác đến Cộng hòa Liên bang Đức, từ ngày 22-24.9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dành thời gian gặp đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt đang kinh doanh tại Đức. Thời gian qua, doanh nghiệp người Việt tại Đức đã chủ động, tích cực hơn trong việc làm cầu nối thu hút đầu tư từ Đức nói riêng, từ châu Âu nói chung về Việt Nam.
Phó Thủ tướng cho biết, lãnh đạo cấp cao 2 nước đã thống nhất mục tiêu nâng kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 15-20 tỉ USD vào năm 2020 và tăng đầu tư của Đức tại Việt Nam đạt 5 tỉ USD. Để đạt được mục tiêu này, 2 bên cần ủng hộ mạnh mẽ và khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư Đức đón đầu cơ hội từ các hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU và các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam tham gia để tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Đức hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị với các doanh nhân nếu gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình xúc tiến đầu tư về nước cứ gọi điện thẳng vào số điện thoại của Phó Thủ tướng để được giải quyết.
TP.HCM thu hút gần 2,9 tỉ USD kiều hối
Theo Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP.HCM, 8 tháng đầu năm, lượng kiều hối chuyển về địa bàn TP.HCM qua các kênh chính thức ước đạt 2,85 tỉ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2015. Kiều hối tháng 8 tăng 14% so với tháng trước, chủ yếu chuyển về từ Mỹ và châu Âu. Dự báo lượng kiều hối chuyển về TP.HCM trong năm nay có thể đạt khoảng 5,7-5,8 tỉ USD.
Những năm qua, công tác vận động, thu hút người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho TP.HCM đã đạt nhiều kết quả tích cực. Lượng kiều hồi chảy vào TP.HCM đã tăng rất nhanh. Trong 5 năm qua, từ 2011-2015, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM tăng bình quân 10-12% sau mỗi năm. Dần dần, kiều hối đang đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế của TP.HCM.
Năm nay, để thu hút hơn nữa nguồn kiều hối, nhiều công ty kiều hối và ngân hàng cho biết đang tích cực mở rộng thị trường nhằm tìm kiếm thêm nguồn kiều hối. Nếu như trước đây, kiều hối chủ yếu tập trung vào kênh đầu tư bất động sản, chứng khoán và gửi tiết kiệm thì nay, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, kiều hối được đầu tư chủ yếu vào sản xuất, kinh doanh. Số lượng dự án được các kiều bào đăng ký đầu tư tại Việt Nam tính đến nay đã là 2.000, mang về nguồn lợi khoảng 20 tỉ USD mỗi năm.
Ổn định đời sống của người Việt ở Campuchia
Về việc báo chí Nhật mới đây đưa tin, một số người Việt ở Campuchia trở thành mục tiêu kỳ thị và tấn công, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình, chiều 22.9, đã cho biết, Việt Nam mong muốn các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương của Campuchia quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để bà con làm ăn và sinh sống ổn định, cũng như đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở Campuchia. Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài là luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho đồng bào làm ăn sinh sống và đồng thời hòa nhập tốt vào đời sống của nước sở tại.
Hiện tại cộng đồng người Campuchia gốc Việt có khoảng 156.000 người, chủ yếu sinh sống ở các tỉnh phía Đông giáp với Việt Nam, tại thủ đô Phnôm Pênh và tỉnh Siem Reap, theo báo cáo “Tiềm năng và phân bố của người Việt ở nước ngoài” của Học viện Ngoại giao. Người Campuchia gốc Việt tập trung ở những đô thị như Phnôm Pênh, song một số đáng kể sống dọc theo sông Mê Kông, sông Bassac và vùng Biển Hồ mưu sinh bằng nghề chài lưới. Trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng cộng đồng Việt kiều tại Campuchia vẫn luôn gắn bó và giúp đỡ lẫn nhau. Các sinh hoạt văn hóa truyền thống, như lễ, Tết và tôn giáo trong cộng đồng người Việt ở Campuchia vẫn được duy trì thường xuyên, tại đây có nhiều nhà thờ và chùa của người Việt Nam.
Hải Vân