Người Việt bốn phương tuần qua
Ấn tượng Những ngày văn hóa Việt Nam tại Thái Lan
Kỷ niệm 40 năm Việt Nam, Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao (1976-2016), Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa Thái Lan đã tổ chức Những ngày văn hóa Việt Nam tại Thái Lan. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phó Thủ tướng Thái Lan Thanasak Patimaprakorn đã dự lễ khai mạc chiều ngày 10.8. Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, tiết mục nghệ thuật Hương sắc Việt Nam do các nghệ sĩ Việt Nam trình diễn là cơ hội để khán giả Thái Lan và bạn bè quốc tế đang sinh sống, làm việc tại Thái Lan hiểu sâu hơn về đất nước, con người Việt Nam. Cùng với đó, Triển lãm văn hóa Sắc màu Việt Nam mang đến những hình ảnh phong phú về đất nước và con người Việt Nam, giúp người xem thêm hiểu và yêu nét đẹp của con người và đời sống trên mọi miền đất nước Việt Nam với tình yêu lao động, ý chí vươn lên, tinh thần lạc quan.
Những ngày văn hóa Việt Nam tại Thái Lan không chỉ tạo cơ hội tăng cường giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa hai nước mà còn đánh dấu bước tiến mới trong hợp tác giữa hai nước với nhiều dự án, kế hoạch chung của Cộng đồng ASEAN được triển khai. Trong thời gian diễn ra sự kiện này, Bộ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam cũng phối hợp với Bộ Văn hóa Thái Lan, tỉnh Nakhon Phanom, nơi có cộng đồng lớn người Việt đang sinh sống và làm việc, tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và rất gần gũi với người dân nơi đây.
Người Việt ở Ukraine ủng hộ xây Khu tưởng niệm Gạc Ma
Ngày 15.8, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Quỹ Tấm lòng vàng đã tiếp nhận số tiền 200 triệu đồng của cộng đồng người Việt tại Ukraine ủng hộ Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma. Đại sứ Việt Nam tại Ukraine, ông Nguyễn Minh Trí cho biết, trong bối cảnh đất nước Ukraine có nhiều bất ổn nhưng với tấm lòng hướng về quê hương, tri ân những người con đã ngã xuống bảo vệ chủ quyền thiêng liêng biển đảo của Tổ quốc, cộng đồng người Việt tại Ukraine đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Đại sứ quán quyên góp ủng hộ xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại Cam Ranh, Khánh Hòa. Về giá trị vật chất, số tiền là không nhiều, song chứa đựng tình nghĩa tình của những người con dù sống xa quê hương nhưng vẫn luôn hướng về Tổ quốc.
Để tri ân những liệt sĩ đã ngã xuống vì Trường Sa và những người con đất Việt đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát động Chương trình Nghĩa tình Trường Sa, Hoàng Sa từ ngày 13.3.2014, giao cho Quỹ Tấm lòng vàng tổ chức triển khai. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại Cam Ranh, Khánh Hòa và Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa tại Đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma tới nay đã hoàn thành 80% khối lượng công việc, dự kiến tháng 12.2016 sẽ khánh thành giai đoạn 1. Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết, sau 2 năm chương trình đã nhận được sự ủng hộ tích cực của đồng bào trong và ngoài nước, số tiền ủng hộ hiện đã đạt 210 tỉ đồng. “Hy vọng Quỹ Tấm lòng vàng sẽ tiếp tục đón nhận sự quan tâm, chia sẻ của các đơn vị và cá nhân trong và ngoài nước để hoàn thiện Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma (Khánh Hòa); khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa (Quảng Ngãi) và tiếp tục chăm sóc thân nhân những anh hùng đã anh dũng hy sinh, bảo vệ biển trời Tổ quốc”, ông Hải nói.
Tập huấn dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt ở nước ngoài
Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2016 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức từ ngày 8 đến 20.8, thu hút gần 60 học viên đến từ 13 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới như Campuchia, Lào, Thái Lan, Đài Loan, Thụy Sĩ, Pháp, Đức, Cộng hòa Séc, Ý và Tây Ban Nha…
Ông Trần Đức Mậu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết chương trình này được tổ chức từ năm 2013, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và phổ biến giáo trình dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt ở nước ngoài. Năm nay, số lượng học viên tham gia đông hơn, cho thấy mức độ quan tâm đến việc dạy và học tiếng Việt của bà con ở nước ngoài rất lớn.
Ảnh: vietnamnews.vn |
Đề án “Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài” đã được giới thiệu tới các học viên. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nam, Chủ nhiệm khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho biết nếu được thực hiện sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho công tác dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài, bởi các công cụ tìm kiếm giáo trình, tự kiểm tra trình độ tiếng Việt qua các bài thi... trên mạng.
Hiện nay, tiếng Việt đang được chính quyền Đài Loan quan tâm, bởi theo chiến lược phát triển giáo dục của Đài Loan, đến năm 2018, chương trình dạy tiếng Việt sẽ được phổ cập trong các trường học trên toàn lãnh thổ, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Mai, giáo viên tiếng Việt Trường Tiểu học Đông Hồ, Đài Loan cho biết. Dự tập huấn lần này, cô giáo Ngọc Mai muốn học được “những kỹ năng mới” để giảng dạy tốt hơn tiếng Việt cho học sinh người Việt tại Đài Loan cũng như học sinh Đài Loan có nhu cầu học tiếng Việt.
Học thêm các kỹ năng sư phạm là mong muốn chung của hầu hết các giáo viên trẻ mới tham gia giảng dạy. Chị Nguyễn Ngọc Tuyết, giáo viên mới tham gia dạy tiếng Việt cho trẻ em người Việt tại Tây Ban Nha, cho rằng, đã nắm bắt được phương pháp giảng dạy từ kinh nghiệm của các chuyên gia đào tạo trong nước, cũng như các giáo viên người Việt đến từ các quốc gia khác trên thế giới. Chị dự định truyền tải hình ảnh quê hương đất nước, đặc biệt là những câu chuyện cảm động về Chủ tịch Hồ Chí Minh vào các bài giảng của mình. Theo chị, những câu chuyện về quê hương, về Bác Hồ không chỉ giúp bài giảng không đơn điệu, mà còn khơi gợi cho học sinh tình cảm gắn bó cội nguồn, đất nước.
Khóa tập huấn có chương trình học chuyên môn cao cùng với các buổi học ngoại khóa, tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam tại các di tích lịch sử như Nhà thờ Đá Phát Diệm, Khu sinh thái Tràng An, Cố đô Hoa Lư tại Ninh Bình và tham quan Vịnh Hạ Long. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nam nhận xét qua khóa tập huấn này, kỹ năng giảng dạy của các học viên được nâng cao, đồng thời mở rộng hơn sự hiểu biết về tiếng Việt. Điều này, giúp việc truyền tải ngôn ngữ tiếng Việc dễ dàng hơn tới trẻ em người Việt tại nước ngoài.
Hải Vân