
Ảnh: TL.
Người Việt bốn phương (số 862)
Kiều bào mừng Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu
Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10/3 Âm lịch), ngày Quốc lễ của người Việt trên toàn thế giới, sợi dây văn hóa kết nối người Việt trên toàn thế giới hướng về cội nguồn dân tộc, kết nối đồng bào trong và ngoài nước. Năm nay, ngày Quốc lễ diễn ra vào ngày 3-4/4 (tức 6-7/3 Âm lịch) kiều bào tham gia nhiều hoạt động như dâng hương, làm lễ báo công tại Đền Hùng, thăm khu di tích lịch sử Tân Trào và trao quà từ thiện. Điểm mới của chương trình năm 2025 là đoàn kiều bào đã giao lưu với các gia đình hồi hương từ Thái Lan, New Caledonia tại Tuyên Quang, tăng cường kết nối giữa các thế hệ người Việt xa quê.
Từ năm 2015, Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu được triển khai theo sáng kiến của một số kiều bào đang sinh sống, làm việc và nghiên cứu ở nước ngoài, nhằm bảo tồn và quảng bá rộng rãi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, được tổ chức UNESCO vinh danh từ năm 2012. Theo Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, suốt 10 năm qua, dự án đã nhận được sự đồng hành và ủng hộ của các hội đoàn, cộng đồng bà con kiều bào các nước, các cơ quan, ban, ngành của Việt Nam, chính quyền nước sở tại và bạn bè trên khắp thế giới.
TP HCM: 3 nhiệm vụ trọng tâm của công tác người Việt ở nước ngoài
Bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc, TP.HCM quyết tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 169/NQ-CP của Chính phủ về ban hành chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn mới 2021-2026. Theo bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, thời gian tới Ủy ban sẽ tiếp tục kiện toàn bộ máy theo hướng “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” song hành với việc xây dựng đội ngũ cán bộ “dám tiên phong đột phá, dám đổi mới sáng tạo” đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của Thành phố.
Ủy ban sẽ tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, thu hút doanh nghiệp công nghệ của người Việt ở nước ngoài đầu tư vào TP.HCM, đặt trung tâm dữ liệu, trụ sở, nghiên cứu và sản xuất, góp phần xây dựng hạ tầng lưu trữ, tính toán đạt tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn xanh.
![]() |
Thứ 2, thúc đẩy nguồn thu ngoại tệ bằng cách cải cách thủ tục hành chính, kết nối và mời gọi cộng đồng người Việt ở nước ngoài đầu tư theo hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp, đóng góp vào các dự án phát triển hạ tầng, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế và môi trường. Ủy ban cũng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa qua kênh phân phối của người Việt ở nước ngoài theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP.HCM, phát triển thị trường mới trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, đồng thời triển khai Đề án “Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030”.
Đặc biệt, Ủy ban đang từng bước triển khai các giải pháp trọng điểm như hoàn thiện cơ chế, chính sách và hạ tầng nhằm tập trung dòng kiều hối vào 2 kênh chính thức là ngân hàng thương mại và công ty kiều hối; phối hợp với Công ty Đầu tư Tài chính Thành phố và các đơn vị liên quan thử nghiệm mô hình trái phiếu kiều hối cho một số dự án đầu tư hạ tầng cụ thể; phát hành cẩm nang đầu tư; thành lập Hiệp hội các đơn vị cung ứng dịch vụ kiều hối nhằm kết nối khoảng 40 công ty kiều hối đang hoạt động độc lập.
Thứ 3, phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài kết nối hội đoàn, tổ chức kiều bào trong các hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, đẩy mạnh việc phát huy và tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, tổ chức giao lưu văn hóa, thể thao nhằm huy động nguồn lực kiều bào, góp phần nâng cao hình ảnh và sự hiểu biết của quốc tế về Việt Nam và TP.HCM. Ủy ban cũng dự kiến xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh dành riêng cho kiều bào tại trụ sở và trên không gian mạng, giúp cộng đồng tìm hiểu về giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời tạo môi trường kết nối, giao lưu, học hỏi và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc.
Chuyến tàu Đại đoàn kết 2025
Năm 2025, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước, 80 năm Ngày Quốc khánh và 95 năm Ngày thành lập Đảng, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức “Chuyến tàu Đại đoàn kết” đưa kiều bào thăm và động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DKI vào cuối tháng 4/2025. Dự kiến, khoảng 100 kiều bào cùng đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các dân tộc, tôn giáo, nhân sĩ trong nước và kiều bào sẽ tham gia hành trình này.
![]() |
Ảnh: TL. |
Đến thăm Trường Sa, Chương trình sẽ giúp kiều bào hiểu rõ hơn về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo vệ chủ quyền. Chương trình thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc, gắn kết kiều bào với quê hương, đồng thời khẳng định vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là dịp tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, đường lối bảo vệ Tổ quốc và chính sách đối ngoại hòa bình của Việt Nam.