Đây là một trong những hoạt động quan trọng hưởng ứng Đề án “Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030” . Ảnh: Dương Cảnh Tiêu/vietnamnet.vn
Người Việt bốn phương (Số 818)
Chương trình Dấu ấn Việt Nam tôn vinh Tiếng Việt
Sáng 16/5, tại Hà Nội, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức họp báo công bố chương trình Dấu ấn Việt Nam, hưởng ứng Đề án của Chính phủ về Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2023-2030.
Đây là một trong những hoạt động quan trọng hưởng ứng Đề án “Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030” của Chính phủ, được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) bảo trợ.
Tại buổi họp báo, đại diện đơn vị chủ trì, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ Nguyễn Phú Bình bày tỏ hy vọng chương trình Dấu ấn Việt Nam diễn ra trong thời gian sắp tới sẽ đáp ứng được nhu cầu của người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như trong nước, để hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam. Đại sứ nhấn mạnh, chương trình sẽ góp phần tỏa sáng giá trị của Việt Nam trong quá trình phát triển của đất nước, góp phần tôn vinh hình ảnh Việt trong nước và thế giới, khích lệ lòng tự tôn dân tộc, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, tôn vinh trí tuệ Việt qua các thời đại, nâng cao năng lực ngôn ngữ Việt, đặc biệt với thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, ông Mai Phan Dũng chia sẻ mong muốn chương trình Dấu ấn Việt Nam có thể trở thành dấu ấn tích cực trong đời sống văn hóa, góp phần để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thêm gắn bó với quê hương, đất nước; để văn hóa dân tộc trở thành niềm tự hào, hành trang văn hóa quan trọng của người Việt Nam trên hành trình hội nhập sở tại, góp phần vun đắp cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.
Chợ Việt lần lượt rút khỏi trung tâm San Jose
Mở cửa từ năm 1985, Đại - Thành là cơ sở kinh doanh của một gia đình gốc Việt. Sau 37 năm hoạt động trên đường South Second thuộc khu trung tâm thành phố, siêu thị đã đóng cửa và hồi tháng 1 khai trương cửa hàng mới tại khu Berryessa, phía Bắc thành phố.
Sự rời đi của siêu thị Đại - Thành phản ánh tình trạng chung của khu trung tâm San Jose, khi mà các cửa hàng rau quả ngày càng trở nên hiếm hoi và cách xa nhau. Dữ liệu của Cục Thống kê Dân số Mỹ ghi nhận hiện có hơn 100.000 người Việt ở thành phố San Jose.
Hiện nay, siêu thị Thiên Thanh nằm trong số vài chợ cuối cùng của người Việt ở trung tâm San Jose. Một nhân viên giấu tên tiết lộ siêu thị Thiên Thanh và những cơ sở kinh doanh khác ở trung tâm thành phố đang chật vật duy trì hoạt động. Siêu thị Việt này mở cửa từ năm 1989, và hiện chưa thể phục hồi việc kinh doanh sau thời gian dịch. Chợ cũng đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt đến từ những tên tuổi bán lẻ lớn như Walmart và Costco. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng chi tiêu ít hơn trước cho bữa ăn gia đình vì chi phí sinh hoạt quá nhiều, trong khi giá cả mọi thứ tăng vọt.
Tiếng Việt được ưa chuộng ở Đài Loan
Chương trình ngôn ngữ Đông Nam Á được Cơ quan Giáo dục Đài Loan triển khai trong 6 năm qua đã mở hơn 700 lớp và thu hút khoảng 30.000 học viên theo học. Trong số này, số học viên đăng ký học tiếng Việt vượt trội hơn hẳn những nước khác cùng khu vực.
Đó là thông tin do ông Tạ Ly Quân, Tổng Giám đốc Cơ quan Công nghệ và Giáo dục hướng nghiệp Đài Loan, cung cấp với Taiwan News. Năm 2017, năm đầu tiên mà chương trình mở được 98 lớp học, tập trung vào các ngôn ngữ Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Myanmar và tiếng Việt. Con số này đã tăng lên 143 trong năm ngoái và được mở rộng từ các lớp căn bản lên nâng cao.
Ông Tạ cho hay số học viên theo học tiếng Việt cao hơn tất cả các chương trình dạy ngôn ngữ khác gộp lại. Việc sở hữu kỹ năng tiếng Việt được cho là yếu tố quyết định giúp một người có tìm được việc làm ở Đài Loan hay không.
Ở chiều ngược lại, số người Việt Nam đến Đài Loan du học lần đầu tiên vượt qua con số 20.000 hồi tháng 3. Theo Cơ quan Giáo dục Đài Loan, số du học sinh đến từ Việt Nam tăng đáng kể sau khi Việt Nam mở cửa biên giới từ tháng 3/2022. Thống kê cho thấy số du học sinh Việt Nam đã tăng 26% trong năm 2022 so với năm 2021.
Khởi động dự án Tủ sách Việt trong nhà hàng Việt ở nước ngoài
Tại nhà hàng Phở Sure ở thành phố Ostende, Bỉ, kênh Việt Happiness Station vừa khởi động dự án Tủ sách Việt trong nhà hàng Việt ở nước ngoài. Chị Kiều Bích Hương, người phụ trách kênh Việt Happiness Station, cho biết đây là dự án mà chị và các cộng sự đã ấp ủ từ lâu, bởi nhận thấy cần có thêm cách thức giới thiệu văn hóa Việt, cũng như văn học Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và người bản xứ một cách gần gũi, dễ tiếp cận hơn.
Tại nhà hàng Phở Sure ở thành phố Ostende, Bỉ, kênh Việt Happiness Station vừa khởi động dự án Tủ sách Việt trong nhà hàng Việt ở nước ngoài. Ảnh: TTXVN |
Không chỉ thông qua các hội chợ sách, thư viện, hay sự kiện giới thiệu sách - tọa đàm - giao lưu, mà sách Việt và văn học Việt cần được đặt thêm trong các không gian dễ “chạm tay” và thoải mái “mở ra” đọc hơn trong khi chờ gọi món Việt: đó là các nhà hàng Việt ở nước ngoài.
Có một góc sách Việt hay tủ sách Việt song ngữ trong nhà hàng cũng là niềm tự hào để các chủ quán người Việt giới thiệu cho khách về đất nước - con người - lịch sử - văn hóa - du lịch - nghệ thuật - ẩm thực... của Việt Nam ngay tại nước ngoài
(Tổng hợp)