Trong suốt 19 năm qua, chị Tâm Tình đã liên tục thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện cho người nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc. Ảnh: Ảnh: vietnam.ajunews.com.

 
Tuệ Anh Thứ Hai | 21/11/2022 08:49

Người Việt bốn phương (Số 804)

Nhà văn Kiều Bích Hương cùng các cộng sự đặt tên cho dự án của Kênh Việt Happiness Station, có nghĩa là “Trạm hạnh phúc”.

Một phụ nữ gốc Việt được Hàn Quốc trao giải thưởng Daesang 

Chính quyền thành phố Seoul, Hàn Quốc đã chọn chị Nguyễn Thị Tâm Tình để trao giải thưởng Daesang danh giá ghi nhận sự cống hiến trong các hoạt động thiện nguyện năm 2022.

Chị Tâm Tình, 45 tuổi, sang Hàn Quốc với tư cách sinh viên đại học. Chị bắt đầu công việc thiện nguyện với mong muốn đền đáp lại những yêu thương và sự giúp đỡ mà bản thân đã nhận được.

Trong suốt 19 năm qua, chị Tâm Tình đã liên tục thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện cho người nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc, như phiên dịch tiếng Việt cho lao động Việt Nam, hỗ trợ phẫu thuật miễn phí cho các bệnh nhi bị bệnh tim tại Việt Nam hay tham gia giảng dạy tiếng Hàn Quốc, hỗ trợ các bệnh nhân trong đợt dịch COVID-19...Chị chia sẻ sẽ tiếp tục tham gia nhiều công tác tình nguyện hơn nữa trong những năm tới.

Đây là lần đầu tiên một người nước ngoài nhập quốc tịch Hàn Quốc được nhận giải thưởng này. Ngoài giải thưởng cao nhất Daesang, lễ trao giải năm 2022 sẽ bao gồm các hạng mục giải Xuất sắc nhất dành cho các cá nhân và tập thể.

Ông Jeong Sang-hoon, Trưởng Ban hành chính của thành phố Seoul, cho biết lễ trao giải thưởng được tổ chức vào chiều 15/11 tại Tòa thị chính Seoul. Việc bầu chọn cá nhân và tổ chức được một hội đồng các chuyên gia thực hiện hết sức nghiêm túc và được công bố công khai.

Đại sứ quán Việt Nam gặp gỡ trí thức người Việt tại Hà Lan

 

Ngày 5/11, Đại sứ Phạm Việt Anh đã gặp mặt một số trí thức người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hà Lan. Trí thức người Việt tại Hà Lan hình thành từ những năm 2000, khi nhiều du học sinh sang nghiên cứu, học tập và được nhận vào làm việc tại các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy hoặc doanh nghiệp, rồi tiếp tục học lên cao nay đã an cư, lạc nghiệp.

Số cựu lưu học sinh ở lại làm việc và sinh sống cũng có tới trên 1.000 người. Nhiều người thành đạt, có vị trí trong các cơ sở khoa học, kinh tế quan trọng của Hà Lan, cũng có nhiều người đã và đang tham gia làm việc với các cơ quan, tổ chức trong nước.

Nhìn chung, lớp trí thức này đang ở giai đoạn sung sức, tiếp thu được nhiều kiến thức hiện đại, làm việc trong môi trường thuận lợi và đang đứng trước tương lai nhiều hứa hẹn. Các nhóm, hội đoàn lâu nay hoạt động rất sôi nổi và kết nối được nhiều người tham gia nhưng mới là tự phát.

Tại cuộc gặp, các trí thức người Việt đã thể hiện mong muốn được kết nối rộng rãi để học hỏi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với nhau, sau đó là để hiến kế, đề xuất ý tưởng, góp phần xây dựng và phát triển Việt Nam ngày càng tươi đẹp.

Dự án Kênh Việt Happiness station: “Trạm hạnh phúc” của tiếng Việt

Nhà văn Kiều Bích Hương cùng các cộng sự đặt tên cho dự án của Kênh Việt Happiness Station, có nghĩa là “Trạm hạnh phúc”. 2 năm qua, kênh phát thanh tiếng Việt có trụ sở tại Bỉ đã truyền đi những niềm vui, thông điệp về giá trị của sự tử tế, cảm hứng sống đẹp cũng như tinh thần cống hiến của người Việt ở nước ngoài.

Ý tưởng làm những podcast trò chuyện với người gốc Việt, người Việt ở nước ngoài rồi đọc cho nhau nghe được chị Hương nhen nhóm vào mùa xuân năm COVID-19 thứ 2. Đó cũng là thời điểm chị Hương vừa học xong khóa học nghề thư viện ở Bỉ nên có thêm kỹ năng tìm kiếm, sàng lọc và khai mở thông tin bổ trợ cùng kinh nghiệm làm phóng viên ở Việt Nam trước đây.

Với sự quyết tâm của các thành viên, dự án chính thức lên sóng từ ngày 1/5/2022 gửi gắm tình yêu và mong muốn giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Để phát sóng Kênh Việt không phải chuyện dễ, đặc biệt là thuyết phục người Việt ở nước ngoài dành thời gian chia sẻ trải nghiệm sống của họ. Tuy nhiên, kênh đã nhận được sự giúp đỡ công tâm và vô tư của nhiều cộng tác viên.

Chị Hương cho biết: “Họ là bác sĩ thú y ở Bỉ, nhân viên bán hàng ở Scotland, người kinh doanh ở Anh và Ba Lan, giáo viên tại Thái Lan, học sinh trung học từ Cộng hòa Czech, cô chủ tiệm móng ở Đức, một dịch giả tại Pháp, bà nội trợ ở Ý...

Sự đa giọng điệu này khiến các podcast có nhiều cảm xúc hơn, khoảng cách địa lý ngắn lại khi người nghe dễ dàng tiếp cận trên nền tảng Facebook, Spotify, YouTube... 

Một phụ nữ gốc Việt giữ vị trí cao trong Cơ quan Cải huấn bang Washington

Cơ quan Cải huấn bang Washington (DOC, Mỹ) Cheryl Strange vừa bổ nhiệm cô Yen Huynh làm Giám đốc Văn phòng Công bằng, Đa dạng, Hòa nhập và Tôn trọng (EDIR) của cơ quan này, theo thông báo được đăng trên trang web của DOC ngày 2.11.

Kể từ tháng 3/2021, cô Yen Huynh đảm nhận vai trò tư vấn viên về công bằng xã hội của DOC. Trong vai trò đó, cô dẫn đầu các Hội đồng Cố vấn đa dạng trên toàn bang của DOC và tham gia nhóm chống phân biệt chủng tộc, ủng hộ công bằng. Cô còn đại diện cho DOC trong Hội đồng Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập toàn tiểu bang và cung cấp kiến thức chuyên môn cho tất cả nhân viên DOC về những vấn đề công bằng, đa dạng, hòa nhập và tôn trọng (EDIR).

Cô Yen Huynh đảm nhận vai trò tư vấn viên về công bằng xã hội của DOC. Ảnh: thanhnien.vn.
Cô Yen Huynh đảm nhận vai trò tư vấn viên về công bằng xã hội của DOC. Ảnh: thanhnien.vn.

“Việc chuyển sang làm giám đốc sẽ cho phép tôi thực hiện công việc EDIR quan trọng này trên quy mô rộng hơn với tác động lớn hơn”, cô Yen Huynh cho hay. Cô bắt đầu sự nghiệp của mình khi làm việc với những thanh niên từng ngồi tù, với tư cách là người vận động giáo dục, hướng dẫn họ lấy chứng chỉ GED (tương đương với bằng tốt nghiệp trung học ở Mỹ) và tìm việc làm.

Nguồn Tổng hợp