Đoàn công tác đã gặp gỡ chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào và một số hội đoàn để thúc đẩy hơn nữa công tác đại đoàn kết dân tộc. Ảnh: vov.vn
Người Việt bốn phương (Số 800)
Đoàn Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài công tác tại Mỹ
Tuần qua, Đoàn công tác của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài do Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu dẫn đầu đã có chuyến công tác tại Mỹ.
Chuyến công tác nhằm động viên, thăm hỏi tình hình bà con người Việt tại Mỹ sau đại dịch COVID-19, cảm ơn kiều bào về những đóng góp cho công tác phòng, chống dịch và ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trong nước.
Đoàn công tác đã gặp gỡ chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào và một số hội đoàn để thúc đẩy hơn nữa công tác đại đoàn kết dân tộc, phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn đã làm việc tại 2 khu vực có đông cộng đồng người Việt làm ăn, sinh sống là New York và San Francisco. Tại New York, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu và Đoàn đã có buổi làm việc với đại diện Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam tại New York và gặp gỡ nhóm nhân viên người Việt Nam đang làm việc tại Bộ phận gìn giữ hòa bình tại Liên Hiệp Quốc.
Tại San Francisco, Đoàn đã làm việc với ông Mark Chandler, Giám đốc Phòng Thương mại quốc tế, Văn phòng Thị trưởng thành phố San Francisco; thăm hỏi, gặp gỡ một số kiều bào tại San Francisco và khu vực lân cận.
Tác phẩm của nhạc sĩ gốc Việt tỏa sáng tại Cuộc thi Guitar quốc tế Berlin 2022
Cuộc thi Guitar quốc tế Berlin, khởi đầu từ năm 2006, là sân chơi dành cho các nghệ sĩ guitar cổ điển trên toàn thế giới, diễn ra 2 năm 1 lần. Sự kiện được Bộ Ngoại giao Đức, Viện Goethe, Hội Nhạc sĩ Cộng hòa Liên bang Đức, nhà sản xuất đàn Roge Yang và một số hiệp hội văn hóa tại Đức đồng bảo trợ.
Sự kiện năm nay có 15 thí sinh đến từ 11 nước. Thí sinh đều là học sinh, sinh viên các trường âm nhạc chuyên nghiệp và không quá 32 tuổi.
Giáo sư, nhạc sĩ Đặng Ngọc Long chia sẻ, sau 9 lần đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Cuộc thi Guitar Quốc tế Berlin, ông muốn đưa cuộc thi về Việt Nam nhân kỷ niệm 20 năm sự kiện này ra đời.
Ngoài mong muốn để thí sinh trong nước làm quen với cuộc thi, việc những tác phẩm dân ca Việt Nam do ông sáng tác hoặc chuyển soạn được các nghệ sĩ nước ngoài đạt giải trình diễn trên quê hương mình chính là niềm hạnh phúc và tự hào đối với bạn bè quốc tế.
Trong khi đó, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, nhà báo Jürgen Buch cho rằng, không chỉ độc đáo, cuộc thi còn rất đặc biệt, bởi nó được kết hợp giữa dòng nhạc truyền thống của châu Âu và châu Á. Đây cũng là thử thách lớn cho thí sinh vì họ bắt buộc phải suy nghĩ theo cả 2 trường phái và giải nghĩa chúng bằng cách nào đó để vẫn có tính thuyết phục.
Tại cuộc thi năm nay, ngoài tiết mục của thí sinh dự thi, phần biểu diễn của nghệ sĩ khách mời, như Giáo sư Đặng Ngọc Long, cùng 2 thí sinh đạt giải của năm 2014 và 2020 (đến từ Đan Mạch và Belarus), đã đưa những bài dân ca Việt Nam như Núi Rừng Tây Nguyên, Người Ở Đừng Về, Đi Cấy... đến gần hơn với công chúng Đức nói riêng và châu Âu nói chung.
Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu tổ chức thành công
Đại hội lần thứ II
Tại thủ đô Prague, Cộng hòa Czech, Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu đã tổ chức Đại hội lần thứ II với sự tham gia của gần 300 đại biểu và khách mời đến từ 23 quốc gia châu Âu. Dự Đại hội còn có đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Đại sứ quán Việt Nam tại 15 nước châu Âu.
Về phía Czech, bà Jana Kotalikova, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Czech; ông Jan Zahradil, Nghị sĩ, Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu (EP), Phó Chủ tịch Liên minh dân chủ quốc tế cùng nhiều quan khách sở tại tham dự.
Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Liên hiệp hội Hoàng Đình Thắng đánh giá, Đại hội lần này có ý nghĩa và tầm quan trọng đối với Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu.
Đây là dịp để Liên hiệp Hội nhìn lại thành tựu, dấu ấn và cả những điều Liên hiệp Hội chưa làm được trong nhiệm kỳ thứ I, từ đó rút kinh nghiệm và đề ra chương trình hoạt động cho nhiệm kỳ II, thảo luận bổ sung, sửa đổi điều lệ cho phù hợp với tình hình thực tế trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, Đại hội còn có nhiệm vụ quan trọng là lựa chọn những ứng viên nhiệt thành, có năng lực, có uy tín, có trách nhiệm để bầu vào Ban Chấp hành, Ban kiểm tra của Liên hiệp Hội khóa II.
JICA sẽ tăng cường kết nối việc làm cho thực tập sinh Việt Nam
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật (JICA) sẽ triển khai hợp tác kỹ thuật nhằm tăng cường kết nối việc làm cho thực tập sinh Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA, cho biết dự án này nhằm tạo môi trường làm việc tốt hơn cho lao động Việt Nam tại Nhật, đồng thời xóa bỏ môi giới việc làm bất hợp pháp, vốn là vấn đề tồn tại trong những năm gần đây.
Hiện tại, 2 bên đang chuẩn bị các công việc cần thiết để triển khai dự án. Trước mắt, JICA sẽ cử chuyên gia sang công tác tại Việt Nam, nghiên cứu nội dung và ứng dụng trang thông tin điện tử để người lao động Việt Nam nộp đơn đăng ký tham gia chương trình thực tập sinh ở Nhật.
Theo ông Shimizu Akira, trong 4 năm trở lại đây, các khoản vay của Việt Nam từ các tổ chức quốc tế, trong đó có JICA giảm 16-20% so với trước. Đó là dấu hiệu đáng mừng cho thấy kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và có ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA. Ảnh: thoibaonganhang.vn |
Ông cũng cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng khoản vay ODA cho phép hoàn trả trong dài hạn với lãi suất thấp và cố định, làm công cụ huy động vốn trong phát triển cơ sở hạ tầng.
Trong năm tài chính 2021 của Nhật (từ tháng 4/2021 đến hết tháng 3/2022), JICA Việt Nam đã có hơn 100 dự án lớn nhỏ, bao gồm khoản vay cam kết trong dự án vốn vay ODA là 10,8 tỉ yen (75 triệu USD); dự án hợp tác kỹ thuật là 4,9 tỉ yen (34 triệu USD); viện trợ không hoàn lại là 700 triệu yen (5 triệu USD).
(Tổng hợp)