Tiến sĩ Đặng Trung Phước, Chủ tịch BCI. Ảnh: TTXVN

 
Tuệ Anh Thứ Hai | 26/09/2022 09:50

Người Việt bốn phương (Số 796)

Đồi cát Pinhey đã được công nhận là một trong những di sản địa chất trong vùng thủ đô của Canada.

Tiến sĩ gốc Việt Tái tạo di sản địa chất giữa lòng thủ đô Canada 

Đồi cát Pinhey đã được công nhận là một trong những di sản địa chất trong vùng thủ đô của Canada. Và dự án môi trường này được khởi nguồn bởi một Tiến sĩ gốc Việt.
Tại thủ đô Ottawa, một hệ thống đồi cát đã được tái tạo và bảo tồn, mang đậm dấu ấn thời tiền sử trong giai đoạn kết thúc của thời kỳ đóng băng. Ngày nay, khu đồi cát này có tên là Pinhey - biểu tượng của cảnh quan 7.000-8.000 năm trước, đang thu hút hàng ngàn người đến tham quan mỗi năm.

Vào thập niên 1950-1960, thành phố bắt đầu trồng cây trên đồi cát và nhà cửa cũng được phép xây cất. Hệ thống đồi cát dần dần bị xâm hại từ đấy. Đến năm 2010, trên 99% hệ thống đồi cát hoàn toàn bị che phủ bởi rừng trồng và các khu nhà biệt lập. Năm 2011, Hội bảo tồn đa dạng sinh vật thế giới (BCI) đã đề xuất lên cơ quan chức năng của Canada dự án tái tạo hệ thống đồi cát cho thủ đô Ottawa.

Chia sẻ với báo chí, Tiến sĩ Đặng Trung Phước, Chủ tịch BCI, cho biết đây là một đề án môi trường táo bạo của BCI vì nó có vẻ như đi ngược dòng với công tác bảo tồn thiên nhiên thông thường. Dưới góc nhìn của các cơ quan quản lý, nghịch lý thứ nhất của đề án là đốn rừng để tái tạo một khu đất mà họ cho là khô cằn, hoang phế, không có sự sống. Nghịch lý thứ 2 là đốn rừng, dù là rừng trồng cây bản địa nơi đồi cát khi xưa tọa lạc, là một điều kiêng kỵ vì rừng có vai trò quan trọng trong giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ những lý giải của BCI về giá trị lịch sử địa chất, sự duy biệt của môi sinh, hệ sinh thái của hệ thống đồi cát, NCC - cơ quan chịu trách nhiệm phát triển, quy hoạch đô thị và bảo tồn ở khu vực thủ đô của Canada - đã đồng thuận và cho phép triển khai dự án tái tạo hệ thống đồi cát trong địa hạt của Vành đai xanh thủ đô Canada. 

 

Nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc mang tình yêu âm nhạc cổ điển về quê hương

Nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc, sinh năm 1990, nhận học bổng toàn phần tại United World College of the Adriatic (Ý), Luther College (Mỹ) và Stony Brook University (Mỹ).

Anh từng giành nhiều giải thưởng như giải Nhất cuộc thi hòa tấu thính phòng tại Ý năm 2008, giải Nhất cuộc thi Concert Competition tại Đại học Luther năm 2012, giải Nhất cuộc thi Hòa tấu thính phòng tại New York năm 2017.

Phan Đỗ Phúc đã biểu diễn solo, hòa tấu và làm bè trưởng nhiều dàn nhạc uy tín của Mỹ và thế giới như Napa Valley Festival Orchestra, Pacific Music Festival Orchestra, New York Classical Players Orchestra...

Từ đầu năm nay, anh đã về nước thực hiện các dự án âm nhạc cho cộng đồng, đặc biệt là trở thành nhạc trưởng của Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Việt Nam (VYO). Là dàn nhạc giao hưởng trẻ đa quốc tịch đầu tiên tại Việt Nam, VYO chính thức ra đời từ tháng 3/2022 với 79 thành viên. Đối với phần lớn các bạn trong VYO, đây là lần đầu tiên các bạn được tham gia dàn nhạc, được hoạt động tập luyện thường xuyên hằng tuần.

Trong tháng 9 và đầu tháng 10, chuỗi hòa nhạc của Phan Đỗ Phúc cùng với VYO sẽ được tổ chức ở các không gian công cộng sáng tạo tại thành phố Hà Nội như Không gian xanh Cảm Hội, Trung tâm văn hóa quận Bắc Từ Liêm và Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm.

Chương trình bao gồm các tác phẩm giới thiệu riêng từng bộ nhạc cụ: dây, kèn và toàn bộ dàn nhạc. Chỉ riêng trong số các tác phẩm viết cho dàn dây, mỗi tác phẩm đã có một màu sắc, tính cách riêng biệt, phô diễn những âm thanh đặc trưng mà chỉ dàn dây mới có thể tạo được.

Đại sứ Thái Xuân Dũng cho biết, Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là dấu mốc quan trọng hằng năm trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng Ảnh: vov.vn
Đại sứ Thái Xuân Dũng cho biết, Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là dấu mốc quan trọng hằng năm trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng. Ảnh: vov.vn

Giao lưu hữu nghị Việt Nam - Lào tại Thái Lan

Nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 45 năm ký kết Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào, ngày 17/9, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam và Tổng Lãnh sự quán Lào tại tỉnh Khon Kaen (Thái Lan) đã tổ chức chương trình giao lưu thể thao hữu nghị với sự tham gia của đông đảo cán bộ, nhân viên cơ quan đại diện 2 nước cùng đại diện Hội Người Thái gốc Việt tỉnh Khon Kaen.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Lãnh sự Chu Đức Dũng nhấn mạnh buổi giao lưu là dịp ôn lại kỷ niệm về tình hữu nghị quý báu giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân 2 nước Việt Nam - Lào trong suốt 60 năm qua. Tình đoàn kết, hợp tác giữa Việt Nam và Lào là tài sản vô giá, là nền tảng để 2 nước cùng phát huy trong các giai đoạn lịch sử tiếp theo. 

Tổng Lãnh sự Lào Sombath Phengphachanh cũng nhấn mạnh, trong nhiều thập kỷ qua, 2 quốc gia Lào và Việt Nam có cùng hệ tư tưởng chính trị với một tình bạn lớn, tình đoàn kết vĩ đại, phi thường và hợp tác toàn diện. 

Sau lễ khai mạc, cán bộ, nhân viên 2 Tổng Lãnh sự quán đã thi đấu giao hữu các trận đấu bóng bàn, cầu lông và cùng thưởng thức các món ăn truyền thống của 2 dân tộc Việt Nam, Lào. 

Tôn vinh ngày tiếng Việt tại Cộng hòa Czech

Hưởng ứng lễ phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Czech đã tổ chức gặp mặt tri ân các đại diện cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Czech, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, thầy cô giáo đã có nhiều đóng góp trong cộng cuộc dạy và học tiếng Việt tại Czech và trao chứng chỉ cho các giáo viên người Việt tại Czech đã tốt nghiệp Khóa tập huấn tiếng Việt 2021 trực tuyến do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Đại sứ Thái Xuân Dũng cho biết, Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là dấu mốc quan trọng hằng năm trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng với những hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh sự giàu đẹp của tiếng Việt, nâng cao nhận thức về ngôn ngữ và văn hóa dân tộc với kiều bào trên toàn thế giới và bạn bè quốc tế, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Lựa chọn ngày 8/9 hằng năm là Ngày Tôn vinh tiếng Việt thể hiện sự cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, thể hiện tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho kiều bào ở nước ngoài. 
 

Nguồn (Tổng hợp)