Tiến sĩ Lương Minh Thắng. Ảnh: TL.
Người Việt bốn phương (Số 794)
Tiến sĩ Việt tại Google dùng A.I chuyển văn bản thành ảnh
Tiến sĩ Lương Minh Thắng (34 tuổi) là người Việt duy nhất trong nhóm nghiên cứu chủ chốt về mô hình Parti - dạy cho trí tuệ nhân tạo (A.I) có thể vẽ tranh dựa trên từ ngữ mô tả tại Google Brain.
Mô hình Parti cho phép tạo hình ảnh đúng như mô tả và mong muốn của người dùng. Công nghệ này có thể hỗ trợ nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà thiết kế thời trang, đồ họa... Khi họ có ý tưởng về một bức ảnh, chỉ cần viết các chi tiết mong muốn, A.I sẽ phân tích và cho ra bức ảnh gợi ý. Chỉ cần thay đổi một câu, từ, hay chi tiết trong văn bản có thể cho ra bức ảnh khác nhau.
Để tạo ra mô hình Parti, Tiến sĩ Thắng và các chuyên gia Google sử dụng hàng trăm triệu cặp dữ liệu văn bản - hình ảnh tương ứng, huấn luyện cho mô hình A.I. Dữ liệu được sử dụng từ các website, xử lý bằng mạng nơ-ron nhân tạo có dung lượng khoảng 20 tỉ nơ-ron. Dựa trên những dữ liệu văn bản và hình ảnh, A.I sẽ kết hợp lại để tạo ra một bức ảnh mới, giúp con người có những ý tưởng mới, Tiến sĩ Thắng chia sẻ.
Các chủ đề được mô hình Parti thể hiện nhiều nhất về thiên nhiên, động vật, đồ vật... Trên website của Google Reseach giới thiệu nhiều hình ảnh được tạo từ A.I như ảnh thật.
Tọa đàm về các chính sách pháp luật
Trong khuôn khổ Kế hoạch giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài” của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, ngày 9/9/2022, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Khóa XV và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đồng tổ chức tọa đàm về chính sách pháp luật với cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu, đại diện là các nước Anh, Pháp, Đức, Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech, Nga.
Tọa đàm đã trao đổi về các chính sách pháp luật như quốc tịch, xuất nhập cảnh, nhà ở, đất đai, đầu tư, làm việc... Đây là cuộc tọa đàm thứ 2 trong chuỗi các tọa đàm được tổ chức để lấy ý kiến kiều bào về chính sách pháp luật. Trước đó, ngày 12/7/2022, tọa đàm với cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Czech về chính sách pháp luật quốc tịch đã được tổ chức thành công.
Chủ trì tọa đàm là ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao.
Tọa đàm được tổ chức tại các điểm cầu ở Hà Nội gồm đại diện Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Ban Dân vận Trung ương, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, đại diện kiều bào và các cơ quan báo chí trong nước.
Tại các điểm cầu ở châu Âu, có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam tại các địa bàn, Liên hiệp hội người Việt Nam tại châu Âu, đại diện các hội đoàn người Việt Nam tại châu Âu.
Phát động Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Chiều 8/9 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ phát động Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là dấu mốc quan trọng trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và công tác tiếng Việt đối với người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng.
Ngày 8/9 hằng năm được lựa chọn làm Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhằm gìn giữ và phát huy tiếng Việt trước nguy cơ bị mai một vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết: “Việc dạy tiếng Việt cho con em chúng ta bằng phương pháp cổ truyền rất hạn chế nên cần phải dùng công nghệ. Trong đó, chúng ta biết rằng dạy qua mạng, dạy online là một phương thức rất thích hợp”.
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao dự kiến tổ chức nhiều hoạt động như tìm kiếm và phong tặng danh hiệu “Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023”, Chương trình biểu diễn nghệ thuật trực tiếp kết hợp trực tuyến “Tiếng Việt thân thương”... nhằm khuyến khích và lan tỏa phong trào dạy và học tiếng Việt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội trong việc tôn vinh, giữ gìn và phát huy sự trong sáng, giá trị ngôn ngữ của dân tộc.
Tạp chí khoa học Science Advances vừa đăng tải nghiên cứu của Huỳnh Thị Mai Lâm, người đang theo học tiến sĩ ngành khoa học phát triển bền vững và sáng kiến lãnh đạo toàn cầu tại Đại học Tokyo (Nhật). Ảnh: TL. |
Thạc sĩ người Việt gây chú ý với công trình nghiên cứu về phát triển bền vững
Tạp chí khoa học Science Advances vừa đăng tải nghiên cứu của Huỳnh Thị Mai Lâm, người đang theo học tiến sĩ ngành khoa học phát triển bền vững và sáng kiến lãnh đạo toàn cầu tại Đại học Tokyo (Nhật). Báo cáo có tựa đề “Liên kết các khía cạnh phi vật chất của những mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và hạnh phúc mà con người thụ hưởng thông qua các dịch vụ hệ sinh thái văn hóa”.
Với phương pháp nghiên cứu sáng tạo và hướng tiếp cận mới lạ, cô gái 29 tuổi này đưa ra một mô tả cơ bản mang tính định lượng, dễ hiểu hơn về mối liên kết giữa con người và tự nhiên.
Theo chia sẻ của Mai Lâm, trong quá trình công tác và học tập, cô được tham gia nhiều dự án liên quan đến nghiên cứu và phát triển đô thị, quản lý hệ sinh thái và biến đổi khí hậu. Thông qua đó, cô càng nhận thức rõ tầm quan trọng của thiên nhiên đối với con người. Trong bối cảnh đó, Mai Lâm phát hiện một trong những lỗ hổng kiến thức lớn nhất liên quan đến nghiên cứu về chủ đề này là khó làm sáng tỏ cơ chế các lợi ích phi vật chất mà thiên nhiên mang lại.
Theo cô, việc hệ thống hóa khối lượng kiến thức liên quan chủ đề này rất cần thiết nếu muốn phát triển khoa học và tối ưu hóa chính sách quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đây là hướng đi rất khó thực hiện, cần một phương pháp nghiên cứu sáng tạo và hướng tiếp cận mới lạ. Mai Lâm và giáo sư hướng dẫn đã cùng nhau thiết kế phương pháp định lượng hóa các giá trị định tính và chuẩn hóa giá trị, để tạo ra quy chuẩn phân tích các dữ liệu từ các nguồn tài liệu khác nhau.
Theo Lâm, điểm mới của nghiên cứu này là đội ngũ của cô đã sử dụng một phương pháp sáng tạo để trích xuất, tổng hợp và phân tích dữ liệu từ 301 nghiên cứu về mối liên kết giữa con người và tự nhiên
Nguồn Tổng hợp