Ảnh: vov.vn

 
Tuệ Anh Thứ Hai | 20/06/2022 08:14

Người Việt bốn phương (Số 782)

Ngày 14/6, Đại sứ quán phối hợp cùng Thương vụ Việt Nam tại Algeria khai trương khu gian hàng Việt Nam trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế Algiers lần thứ 53.

Kết nối doanh nhân kiều bào Lào và Thái Lan

Ngày 14/6, tại thủ đô Viêng Chăn, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng và Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành đã đồng chủ trì Diễn đàn kết nối doanh nghiệp, doanh nhân Việt tại Lào và Thái Lan. Diễn đàn do Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan phối hợp với Hội Doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào (BACI) và Hội Doanh nghiệp Việt - Thái toàn Thái tổ chức với sự tham dự của hơn 100 doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp của bà con kiều bào và doanh nghiệp Việt đầu tư tại Lào. 

Ông Hồ Văn Lâm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt - Thái toàn Thái, cho biết hiện 2 hội đang có khoảng 1.200 hội viên, chủ yếu là các doanh nghiệp do bà con kiều bào thành lập và làm chủ. Tại chương trình, đại diện BACI và Hội Doanh nhân Việt - Thái toàn Thái đã ký kết bản ghi nhớ. Đại diện các doanh nghiệp của 2 hội cũng ký với nhau 6 bản hợp tác kinh doanh tập trung nhiều vào lĩnh vực may mặc, tiêu dùng, y tế và du lịch.

Quảng bá hàng Việt tại hội chợ quốc tế lớn nhất Algeria

Ngày 14/6, Đại sứ quán phối hợp cùng Thương vụ Việt Nam tại Algeria khai trương khu gian hàng Việt Nam trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế Algiers lần thứ 53.

Hội chợ quốc tế thường niên lớn nhất quốc gia Bắc Phi năm nay được tổ chức ở Trung tâm triển lãm quốc tế Safex, thủ đô Algiers, mở cửa từ ngày 14-17/6. Tham gia sự kiện có đại diện của 698 doanh nghiệp, gồm 187 công ty nước ngoài đến từ 20 quốc gia, hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực từ năng lượng, xây dựng, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, cơ khí, dệt may, điện tử, cho đến đóng tàu, hàng không, môi trường, giáo dục...

Sự kiện này là một trong những hoạt động nhằm hướng tới kỷ niệm 60 năm Quốc khánh của Algeria. Trước đó, tối 13/6, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune đã dẫn đầu đoàn đại biểu gồm các bộ trưởng đến cắt băng khai mạc triển lãm và tham quan khu gian hàng các nước.

Tại hội chợ năm nay, ngoài việc trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng như gạo, chè, cà phê, thực phẩm khô đóng gói, trang phục truyền thống như áo dài hay nón lá..., các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Algeria đã hỗ trợ Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xuất nhập khẩu Hiền (doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động kinh doanh ở nước sở tại) tham gia gian hàng để bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và món ăn Việt.

Ngay trong ngày đầu khai mạc triển lãm, khu vực gian hàng Việt Nam đã thu hút đông đảo khách tham quan. Nhiều người đánh giá cao và muốn mua một số sản phẩm Việt Nam họ đã từng mua được ở những lần hội chợ trước.

Phó giáo sư lập ngành Việt Nam học ở đại học Mỹ

Nguyễn Thị Liên Hằng, người phụ nữ rời Việt Nam lúc mới 5 tháng tuổi, đã lập bộ môn Việt Nam học tại Đại học Columbia (New York) vì muốn tạo cầu nối giữa Việt Nam và thế giới.

 

Từ khi trở thành Phó Giáo sư lịch sử Mỹ và Đông Á tại Đại học Columbia, chị Hằng (sinh năm 1975) tìm cách thiết lập một chương trình Việt Nam học tại đây. Năm 2017, chị và John Phan, trợ lý giáo sư Khoa ngôn ngữ và văn hóa Đông Á, khởi sự với 2 chuyên ngành là khoa học xã hội - nhân văn và văn hóa Việt Nam.

Nhóm đã tạo lập một chương trình gồm 2 phần: khóa học tiếng Việt ở 4 cấp độ và chương trình chính với các môn văn minh, lịch sử, văn hóa Việt Nam, ngôn ngữ Đông Á. Hai người đảm nhận giảng dạy từ bậc đại học đến tiến sĩ. Sinh viên đại học, sau đại học và nghiên cứu sinh từ các trường luật, kinh doanh và y tế của Đại học Columbia và Cao đẳng Barnard cũng tham gia các khóa học tiếng Việt. Ngành Việt Nam học nhanh chóng thu hút hàng trăm sinh viên.

Hiện nhóm dự định tổ chức các chương trình ngoại ngữ mùa hè tại Việt Nam để học sinh có thể đến tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa của đất nước. Mùa hè này, nhóm của chị Hằng sẽ về Việt Nam để ký kết với các đối tác là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Fulbright Việt Nam tại TP.HCM và Học viện Ngoại giao Việt Nam.

Tiến sĩ Việt phân lập gen chống bệnh gỉ sắt ở lúa mạch

Tiến sĩ Hoan Dinh - người nhận học bổng Úc và tốt nghiệp tiến sĩ Đại học Sydney, hiện đang làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Nhật - đã phân lập được gen chống bệnh gỉ sắt ở lúa mạch. Phát hiện được công bố trên tạp chí Nature Communications mới đây.

Giáo sư Robert Park, người hướng dẫn Hoan Dinh, Chủ tịch Quỹ Judith & David Coffey về nông nghiệp bền vững kiêm Giám đốc Nghiên cứu bệnh gỉ sắt tại Đại học Sydney, cho biết công sức của học trò đã được đền đáp xứng đáng. Tuy nhiên, phân lập gen mới chỉ là bước đầu. Theo Giáo sư Robert Park, giới khoa học đã xác định được 28 gen kháng bệnh gỉ sắt ở lúa mạch, nhưng mới chỉ 4 gen được phân lập, trong đó 3 gen do Viện Giống cây trồng thuộc Đại học Sydney thực hiện.

Loại gen này từng được biết đến và sử dụng ở Úc để bảo vệ cây lúa mạch chống lại bệnh gỉ sắt lá, nhưng bị một mầm bệnh mới lấn át năm 2009. Mầm bệnh này được Giáo sư Park ví như khả năng kháng vaccine COVID-19 khi các biến chủng mới liên tục xuất hiện.

Ảnh: thanhnien.vn
Ảnh: thanhnien.vn

Bệnh gỉ sắt thường xuất hiện ở lúa mạch khi mùa đông sắp qua và mùa xuân đang tới. Bệnh gỉ sắt ở lúa mì và lúa mạch khiến nông dân Úc thiệt hại 250 triệu USD mỗi năm do hao hụt sản lượng và mua thuốc diệt nấm.

Giáo sư Park cho hay di truyền học là phương pháp sạch hơn, xanh hơn, giúp kiểm soát mầm bệnh và công việc của nhà khoa học có thể phát huy tác dụng nhờ liên kết với các ngành nghề.
(Tổng hợp)

Nguồn Tổng hợp