Người Việt bốn phương (số 762)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ kiều bào Campuchia
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ bà con kiều bào và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia.
Tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch nước hỏi thăm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con người Việt. Ông Sim Chy, Chủ tịch Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia, cho biết vấn đề địa vị pháp lý, trình độ dân trí và điều kiện sống của người gốc Việt ở Campuchia còn khó khăn, không chỉ do tác động của dịch COVID-19 mà còn do một số chính sách từ phía nước bạn. Trong đó, đáng chú ý là chủ trương đưa người dân đang sinh sống trên các nhà bè lên đất liền tại tỉnh Kampong Chhnang, việc thống kê, kiểm tra, đăng ký ngoại kiều và đóng phí thẻ thường trú với người nước ngoài thuộc diện nhập cư.
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con cũng như doanh nghiệp, Chủ tịch nước cho biết tới đây sẽ thảo luận những giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch nước cho biết đã đề nghị Thủ tướng Campuchia Hun Sen giải quyết nhanh chóng những kiến nghị của Việt Nam như việc thu phí 5G, các thủ tục qua biên giới, quan tâm tạo điều kiện cho hợp tác và doanh nghiệp Việt Nam...
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các bộ ngành liên quan cần tập trung tháo gỡ những khó khăn về lãi suất ngân hàng, hỗ trợ vốn vay, sớm có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đầu tư của Việt Nam vào Campuchia, đầu tư ở khu vực biên giới.
Giáo sư gốc Việt được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ
Vì những đóng góp trong công tác chống dịch COVID-19, mới đây, Giáo sư gốc Việt Jonathan Van Tam, Phó Giám đốc Y tế vùng England, đã được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ.
Giáo sư Jonathan Van Tam là một chuyên gia về bệnh cúm. Ông hay xuất hiện trước truyền thông trong chiếc áo thun của Câu lạc bộ bóng đá Boston United, chuyển tải những thông điệp khoa học theo cách đơn giản, dễ hiểu và gần gũi đến mọi người. Ông cũng dành nhiều thời gian trong 18 tháng qua để tiêm ngừa COVID-19 cho người dân Anh.
Giáo sư Tam sống gần thành phố Boston thuộc hạt Lincolnshire. Ông là cháu nội của ông Nguyễn Văn Tâm, Thủ tướng dưới quyền Quốc trưởng Bảo Đại từ tháng 6/1952 đến tháng 12/1953. Theo TTXVN, tại lễ kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam ở London vào tháng 9/2021, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh đã vinh danh Giáo sư Tam vì những đóng góp của ông trong việc tư vấn chính sách cho công tác phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam. Giáo sư Tam có 3 người con, gồm 1 gái và 2 trai. Mẹ của ông là người Anh và bố là người Pháp gốc Việt, cả 2 đều là giáo viên.
Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Malaysia hỗ trợ người dân vùng lũ
Từ ngày 1-3/1/2022, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Malaysia (VMBIZ) phối hợp cùng Tập đoàn Blue Ocean (BO) hỗ trợ 1.000 người dân huyện Hulu Langat, bang Selangor (Malaysia) bị ảnh hưởng nặng nề trong trận lũ lịch sử lớn nhất trong 100 năm qua tại Malaysia. Theo đó, VMBIZ đã cùng BO đóng góp và trao hàng trăm phần quà từ thiện, trị giá mỗi suất quà với tiền mặt và hiện vật từ 100-300 ringgit (từ 600.000 đồng đến 1,8 triệu đồng).
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Malaysia sau khi trở về từ vùng lũ, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó Chủ tịch VMBIZ, cho biết mặc dù hiện tại nước đã rút gần hết nhưng tài sản của bà con bị tàn phá toàn bộ. Do vậy, VMBIZ muốn góp sức để không những bà con người Việt mà còn cả người Malaysia vơi bớt đi khó khăn trong cuộc sống, qua đó lan tỏa yêu thương, đồng thời phát huy tốt vai trò kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Malaysia.
Thành lập Hội người Việt Nam tại Kitakyushu, Nhật
Vừa qua, Hội người Việt Nam tại thành phố Kitakyushu đã tổ chức đại hội thành lập với sự tham gia của khoảng 100 đại biểu, đại diện cho gần 3.000 người Việt Nam đang sinh sống ở thành phố Tây Nam, Nhật.
Đại hội đã biểu quyết thông qua điều lệ và bầu ra Ban Chấp hành gồm 13 ủy viên do bà Tạ Minh Thu, một người Việt Nam đã sinh sống ở Kitakyushu hơn 10 năm, làm Chủ tịch. Đặc biệt, đại hội cũng bầu 2 người Nhật có nhiều đóng góp cho quan hệ hữu nghị giữa 2 nước, gồm dược sĩ Matsushita Masakazu và nhà giáo Masuda Shin, làm Ủy viên danh dự của Ban Chấp hành.
Phát biểu tại đại hội, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka Vũ Bình khẳng định sự ra đời của Hội người Việt Nam tại Kitakyushu không chỉ đáp ứng được sự mong đợi của những người Việt Nam đang sinh sống tại thành phố này và các khu vực lân cận, mà còn nhận được sự ủng hộ, đánh giá tích cực của chính quyền sở tại và Hải Phòng, thành phố kết nghĩa với Kitakyushu.
Cộng đồng người gốc Việt ở Úc thêm gắn kết với học viện bóng đá VAFA
Được thành lập vào tháng 10/2020, hơn 1 năm qua Học viện Bóng đá người Úc gốc Việt (VAFA) đã trở thành sân chơi gắn kết cộng đồng và thúc đẩy hình ảnh người gốc Việt ở Úc.
Vu Tran, người sáng lập VAFA, theo gia đình di cư tới Úc đầu những năm 1980. “Thời tôi còn trẻ, cứ mỗi lần có ai đó nỗ lực xây dựng một đội bóng Việt, họ đều thất bại vì tranh cãi nội bộ hoặc bạo lực sân cỏ”, ông nói. “Chúng tôi không gặp vấn đề đó khi thành lập đội bóng trẻ em, bởi các cháu đều như tờ giấy trắng và tràn ngập hy vọng”.
Vu Tran mong muốn câu lạc bộ bóng đá là nơi cộng đồng người Việt có thể đoàn kết, gắn bó với nhau. Ông cho rằng VAFA là minh chứng cho thấy cộng đồng người Việt ở Úc đã phát triển thế nào. Vu Tran hy vọng câu lạc bộ bóng đá phi lợi nhuận ở Yagoona, phía Tây Sydney này sẽ thách thức quan niệm lâu nay rằng “người châu Á chỉ biết học và kiếm tiền”.
Câu lạc bộ do các tình nguyện viên điều hành và không thu phí gia nhập, các trang thiết bị đều do cộng đồng địa phương tài trợ. Các phụ huynh trong câu lạc bộ cũng thích tổ chức các lễ hội truyền thống của Việt Nam như Tết Nguyên đán hay Trung thu.
Sam Darwich, người Úc gốc Lebanon, là một trong số các huấn luyện viên của VAFA. 2 con trai anh gia nhập đội ngũ 100 cầu thủ tại câu lạc bộ. Darwich rất ấn tượng với “tính kỷ luật và cống hiến” mà VAFA thể hiện trong mùa giải này. “Tôi có cái nhìn sâu sắc hơn về nền văn hóa tuyệt vời của Việt Nam, cảm thấy mình được chào đón trong một cộng đồng cởi mở và hữu nghị”, Darwich nói.