Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng. Ảnh: TL
Người Việt bốn phương (Số 759)
Ra mắt Mạng lưới kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo
Mạng lưới được điều hành bởi 21 chủ tịch là Việt kiều, thu hút các chuyên gia công nghệ, trí thức kiều bào Việt Nam xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ đã ra mắt trong khuôn khổ hội thảo “Kết nối chuyên gia kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia”.
Sự kiện do Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam tại nước ngoài, Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) tổ chức.
Tại sự kiện Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng kỳ vọng sự ra đời của Mạng lưới sẽ giúp thúc đẩy kết nối trí tuệ của lực lượng chuyên gia, trí thức người Việt tại nước ngoài, tối ưu hóa nguồn lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong nước.
Theo ông Tùng, mạng lưới có 2 định hướng chính. Một là thông tin đầy đủ, cập nhật về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đến cộng đồng trí thức người Việt ở nước ngoài. Thứ 2, thông tin về các thế mạnh của chuyên gia, trí thức kiều bào cũng được tập hợp và công bố để hướng tới các hoạt động liên kết tiềm năng.
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, mạng lưới được hình thành với sự nỗ lực của nhiều bên liên quan, trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã làm việc với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam tại nước ngoài triển khai chương trình Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu.
Chương trình thu hút hơn 50 chuyên gia đăng ký tham dự với tư cách cố vấn và 62 startup đăng ký tham gia với tư cách người được cố vấn. Từ đó hình thành mạng lưới kiều bào hỗ trợ với hình thức “Mạng lưới các Hội trí thức hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ”.
Hiện Việt Nam có 3.800 startup với 11 startup được định giá trên 100 triệu USD như MoMo, Tiki, Topica Edtech... Năm 2021 có trên 1 tỉ USD đầu tư với 208 quỹ đầu tư đang hoạt động. Để hỗ trợ các startup, một hệ sinh thái được hình thành với 108 tổ chức thúc đẩy kinh doanh/cơ sở ươm tạo và 138 trường đại học/cao đẳng tổ chức về hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát triển cầu Long Biên” được Giải thưởng Quy hoạch đô thị Quốc gia lần thứ II
Tối ngày 12/12, lễ trao Giải thưởng Quy hoạch đô thị Quốc gia lần thứ II (VUPA 2020) đã diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội. 99 đồ án, dự án, ấn phẩm cùng các danh hiệu cao quý đã được trao cho các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp có những đóng góp xuất sắc trong công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị Việt Nam.
Hội đồng Chấm giải chung khảo đã trao 4 giải Đặc biệt cho các đồ án. Cụ thể: Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Hồ Chí Minh, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An của Tập đoàn T&T; Quy hoạch chi tiết 1/500 Khu Đô thị du lịch Cái Giá tại thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex; Khu sân golf Vinacapital Đà Nẵng, phường Hải Hòa, quận Ngũ Hành Sơn của Tập đoàn BRG và Dự án Phú Quốc United Centre, xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang của Tập đoàn Vingroup.
Cùng với đó, 18 giải Vàng, 16 giải Bạc, 25 giải Đồng, 25 giải Khuyến khích, 6 Danh hiệu xuất sắc tiêu biểu và 5 Danh hiệu xuất sắc đã được trao cho các tổ chức, cá nhân khác.
Trong đó, dự án dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát triển cầu Long Biên” của Kiến trúc sư Nguyễn Nga và các cộng sự được giải Đồng. Dự án này được bảo trợ bởi Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV) và Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA).
Theo Kiến trúc sư Nguyễn Nga, dự án bao gồm 5 hạng mục: cải tạo cầu Long Biên và 131 vòm cầu dọc phố Phùng Hưng, tháp nước Hàng Đậu, cải tạo bãi giữa Sông Hồng…
Lễ hội Việt Nam tại Nhật là hoạt động thường niên do Đại sứ quán Việt Nam phối hợp với phía Nhật tổ chức từ năm 2008 nhân dịp kỷ niệm 35 năm 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Ảnh: TL. |
Kỹ sư Việt vào top 10 người có ảnh hưởng nhất về tiền điện tử
Theo CoinDesk, nhà đồng sáng lập game Axie Infinity Nguyễn Thành Trung là người “làm cho tiền điện tử trở nên thú vị hơn và thúc đẩy trào lưu play to earn - chơi để kiếm tiền”. Anh Trung nằm trong số 10 người được đánh giá là có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực tiền điện tử năm 2021.
Ở giai đoạn khởi nghiệp với Axie Infinity năm 2018, anh Trung thu hút được nhiều nhân sự giỏi, trong đó có 2 cộng sự từ nước ngoài là Zirlin và Larsen đến Việt Nam làm việc. Đến nay, đội ngũ của Sky Mavis, startup phát triển tựa game nổi tiếng Axie Infinity, có 87 người trên khắp thế giới, trong đó có 60 người làm việc tại Việt Nam.
Ngoài trò chơi, blockchain mang tên Ronin do nhóm của anh Trung phát triển cũng được đánh giá là bước ngoặt cho thị trường game NFT nói chung, cũng như sự phát triển của Axie Infinity nói riêng. Khối lượng giao dịch trên Ronin cũng cao gấp 4 lần khối lượng giao dịch của blockchain Ethereum.
Theo các chuyên gia, thành công của Axie Infinity đã thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp mới tại Việt Nam, với sự ra đời của nhiều studio game cũng như một số dự án có sức ảnh hưởng trên toàn cầu như CyBall, Sipher và Thetan Arena.
Lễ hội sôi động của Việt Nam tại Nhật
Lễ hội Việt Nam tại Nhật vừa chính thức khép lại ở thủ đô Tokyo, đông đảo người dân 2 nước đã có dịp thưởng thức các chương trình văn hóa, nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc của cả Việt Nam và Nhật, cùng với các món ăn truyền thống của Việt Nam.
Chị Mari Suzuki, một người Nhật đã nhiều lần tới Việt Nam, cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên rất lâu rồi, tôi không thể đi Việt Nam. Vì vậy, tôi cảm thấy rất vui khi tham gia lễ hội này. Tôi rất thích áo dài và các món ăn của Việt Nam”.
Ông Phan Trung Hiếu, một Việt kiều sống ở tỉnh Saitama, tâm sự: “Hôm nay, tôi rất vui được tham dự festival. Tôi đã tham dự lễ hội này rất nhiều lần nhưng lần này được tổ chức ở công viên Ueno. Số người tham dự cũng không thay đổi so với những lần tổ chức khác. Mong rằng bước qua năm 2022, Vietnam Airlines sẽ mở lại các đường bay quốc tế, trong đó có các đường bay tới Nhật. Đây là điều kiện để cho hoạt động thương mại giữa 2 quốc gia trôi chảy hơn và bà con kiều bào cũng có cơ hội về Việt Nam ăn Tết”.
Lễ hội Việt Nam tại Nhật là hoạt động thường niên do Đại sứ quán Việt Nam phối hợp với phía Nhật tổ chức từ năm 2008 nhân dịp kỷ niệm 35 năm 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là hoạt động nằm trong chiến dịch quảng bá hình ảnh Việt Nam ở Nhật, qua đó góp phần tăng cường sự hiểu biết của người dân Nhật về Việt Nam