Ảnh: dangcongsan.vn

 
Phùng Mỹ Thứ Tư | 29/09/2021 09:59

Người Việt bốn phương (số 746)

Tổng lãnh sự Vũ Bình cũng gửi lời cảm ơn kiều bào và khẳng định sẽ tiếp tục các hoạt động vận động trong thời gian tới.

Kiều bào Nhật ủng hộ 1,6 tỉ đồng chống COVID-19

Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nhật phối hợp cùng các kiều bào quyên góp ủng hộ Quỹ Vacccine phòng chống COVID-19 của Việt Nam với tổng số tiền gần 1,6 tỉ đồng. Số tiền sẽ được gửi đến tài khoản ngân hàng của Hội người Việt Nam tại Fukuoka do Tổng Lãnh sự quán ủy quyền.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Ngô Hướng Nam đánh giá cao vai trò của Tổng Lãnh sự quán và sự hưởng ứng tham gia của kiều bào trong hoạt động chung tay hướng về quê hương. Tổng lãnh sự Vũ Bình cũng gửi lời cảm ơn kiều bào và khẳng định sẽ tiếp tục các hoạt động vận động trong thời gian tới.

Cộng đồng người Việt tại Mỹ, Anh, Nhật và Ukraine trước đó quyên góp thêm hơn 1 tỉ đồng để ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19 trong nước. Nhiều doanh nhân, trí thức kiều bào đã tham gia đề xuất sáng kiến, giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế, xã hội trong tình hình mới.

Người Việt tại Hàn Quốc học cách sống chung an toàn với COVID-19

Người Việt tại Hàn Quốc đang thích nghi với cuộc sống vừa chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế nhờ các biện pháp linh động của Chính phủ. Thay vì phong tỏa triệt để, Chính phủ nước này đang áp dụng các biện pháp phong tỏa linh hoạt để vừa vận hành nền kinh tế vừa đối phó với các làn sóng dịch bệnh mới.

Tiến sĩ Lê Xuân Lực, Giáo sư nghiên cứu tại khoa Nano IT Fusion Engineering, Đại học Quốc Gia Seoul, cho biết quy mô tiêm chủng hiện nay tại Hàn Quốc khá lớn, địa điểm tiêm được đặt tại các quận của thành phố. Mọi người được quản lý các mũi tiêm phòng tự động bằng phần mềm quản lý tiêm chủng quốc gia có mã QR nên rất thuận tiện.

“Việc chính quyền ứng phó nhanh, xét nghiệm diện rộng, tiêm phủ vaccine, trang bị thiết bị và nâng cao năng lực ứng phó của các cơ sở y tế, cung cấp thông tin minh bạch và có sự hỗ trợ lớn về công nghệ đã giúp Chính phủ kiểm soát khá tốt tình hình dịch bệnh cũng như có cách tiếp cận linh hoạt với làn sóng dịch mới”, ông Lực chia sẻ.

Chị Phạm Ái, nhân viên Công ty APPDR sống tại thành phố Suwon, tỉnh Gyeonggi, cho biết khu vực Suwon vẫn áp dụng giãn cách xã hội ở mức cao nhất vì có nhiều ca nhiễm mới. Tuy nhiên, các công ty vẫn cho nhân viên đi lại làm việc trực tiếp ở công ty hoặc làm việc tại nhà.

“Mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường và có khuyến cáo bảo vệ sức khỏe, tránh tụ tập nơi đông người. Việc đi lại và mua bán ở nơi tôi sống hiện diễn ra bình thường và rất thuận tiện. Các công ty cũng mở cửa một phần để vừa sản xuất và vừa phòng tránh các làn sóng dịch mới”, chị Ái chia sẻ.

Trường Sa kết nối những trái tim xa xứ

Là thành viên của đoàn kiều bào thăm Trường Sa năm 2018, chị Hiệu Constant, một nhà văn người Việt đang sinh sống và làm việc tại Pháp đã gửi gắm nhiều cảm xúc trong cuốn Truyện ký “Kiều bào với Trường Sa” phát hành tháng 5/2021.

Chị Hiệu Constant viết: “Trường Sa, 2 tiếng thân thương, luôn vang mãi trong tâm khảm của mỗi người dân đất Việt, nhất là với những người con xa xứ. Tất cả những kiều bào mà tôi đã may mắn được phỏng vấn, ai cũng tự nguyện biến mình thành cánh én để loan tin, để làm lan tỏa những gì mình mắt thấy tai nghe về chủ quyền thiêng liêng của biển đảo. Cùng với đồng bào và chiến sĩ trong nước, kiều bào quyết tâm chung tay đóng góp để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và thềm lục địa của Tổ quốc”...

Những chuyến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 đã tạo nên sợi dây kết nối bền chặt cộng đồng người Việt với nhau và với đất nước, trở thành một sự kiện thường niên được mong chờ đối với nhiều người Việt xa quê.

Các đoàn kiều bào thăm Trường Sa không chỉ đem theo những món quà thiết thực hỗ trợ cho cuộc sống của quân và dân huyện đảo mà còn mang đến hơi ấm từ đất liền, tình cảm của đồng bào xa Tổ quốc.

Sau mỗi hành trình thăm Trường Sa, các câu lạc bộ, hội, đoàn lại được thành lập trong cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới, với mục đích và hành động gắn liền với chủ quyền biển đảo.

Cựu chiến binh giúp gắn kết cộng đồng người Việt ở Đức

Ngày 19/9, Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức đã tổ chức tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2018-2020 cũng như thảo luận phương hướng hoạt động giai đoạn tới nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động của Hội, góp phần tăng cường kết nối và gắn kết trong cộng đồng người Việt ở Đức.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Quang Anh cho biết: trong nhiệm kỳ thứ nhất, Hội đã thành công trong việc kết nối được 5 Hội Cựu chiến binh thành viên ở các địa phương tại Đức, tạo nên một sân chơi ý nghĩa trên quê hương thứ 2 cho những người lính một thời cầm súng bảo vệ quê hương đất nước. 

Là một trong số ít hội người Việt quy mô toàn liên bang, Đại sứ Nguyễn Minh Vũ mong muốn các cựu chiến binh Việt Nam tại Đức tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống anh bộ đội cụ Hồ trong cuộc sống; mong muốn Hội quan tâm hơn nữa đến các cựu chiến binh đang sinh sống và làm việc trên toàn liên bang và phát hiện các hoàn cảnh khó khăn hoặc có những vấn đề vướng mắc để động viên, hỗ trợ kịp thời. 

Hương vị phở Việt tại thành phố biển Ostende

Quán phở Việt mang tên Pho Sure của cặp vợ chồng Việt - Bỉ Đặng Phương Mai và Paul De Meulenaer vừa bổ sung vào danh sách các nhà hàng châu Á ở Ostende (Bỉ). 

Tại Pho Sure, vợ chồng Paul - Mai phục vụ 2 món phở là phở gà và phở bò. Thực phẩm tươi ngon cùng với những loại gia vị đặc trưng của Việt Nam khiến cho món phở của quán luôn được thực khách yêu thích.

Điểm nhấn của quán chính là món phở nổi tiếng của Việt Nam. Bát phở nóng hổi, bốc khói nghi ngút thơm mùi gừng nướng, quế, hồi, thảo quả đặc trưng. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm nên một góc Việt Nam ở thành phố biển nhộn nhịp của Bỉ.

Ostende có rất ít người Việt sinh sống, là một thành phố rất an toàn và là một ốc đảo hòa bình. Vì quán mới mở nên khách hàng chủ yếu là khách du lịch và cư dân Ostende, những người tò mò về ẩm thực Việt hoặc những người đã từng đến Việt Nam.