Ảnh: vov.vn

 
Phùng Mỹ Thứ Tư | 22/09/2021 10:05

Người Việt bốn phương (số 746)

Nghiên cứu sinh Việt kể chuyện Vương quốc Bỉ “sống hòa bình” với COVID-19.

Nhiều người Việt ở Mỹ ủng hộ tiêm chủng cho trẻ em

9 tháng sau khi Mỹ bắt đầu triển khai kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho người dân, trẻ em dưới 12 tuổi, chiếm khoảng 15% dân số nước này vẫn chưa được tiêm chủng. Điều này khiến nhiều cha mẹ Việt ở Mỹ lo lắng con họ có thể bị nhiễm nCoV và truyền virus cho những người xung quanh.

“Bé đầu nhà tôi 8 tuổi và bé thứ 2 mới 1 tháng tuổi. Cả 2 đều chưa đủ tuổi tiêm chủng vaccine COVID-19 theo quy định ở Mỹ. Điều này khiến tôi thực sự lo lắng”, chị Kim Tuyền, người Việt sống ở Houston (bang Texas, Mỹ), cho biết.

Cựu ủy viên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) Scott Gottlieb cho rằng cơ quan này có thể sẽ “bật đèn xanh” tiêm chủng cho trẻ dưới 12 tuổi vào cuối mùa thu hoặc mùa đông.

Anh Phương Nguyễn, sống ở thành phố Sugar Land, bang Texas, cho biết anh cũng sẵn sàng tiêm chủng cho 2 con nếu Mỹ mở rộng kế hoạch tiêm vaccine cho nhóm dưới 12 tuổi.

“Tôi có 2 bé, 3 tuổi và một tuổi rưỡi. Nếu kế hoạch tiêm chủng được thông qua, tôi sẽ cho 2 con đi tiêm”, anh Phương nói.

Ngoài các biện pháp khuyến khích và kêu gọi tiêm chủng, Mỹ cũng bắt đầu có những biện pháp mạnh tay hơn để thúc đẩy tỉ lệ tiêm chủng nhằm kiềm chế sự lây lan của chủng Delta. 

Nghiên cứu sinh Việt kể chuyện Vương quốc Bỉ “sống hòa bình” với COVID-19

Hiện Chính phủ Bỉ đã thành công trong việc kiểm soát đại dịch nhờ tiêm vaccine. Thạc sĩ người Việt Châu Luân, nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Antwerp, Bỉ, chia sẻ về giải pháp ứng phó và “sống chung hòa bình” với đại dịch COVID-19 nơi anh đang sinh sống và học tập.

Dù thực hiện thành công kế hoạch tiêm vaccine và hướng tới miễn dịch cộng đồng, Chính phủ Bỉ vẫn đề ra một số quy định nhất định giúp cho người dân bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng. Khi không tuân thủ đeo khẩu trang đúng nơi quy định, một người có thể bị phạt đến 50 euro (khoảng 1,3 triệu đồng). 

Đối với các trường đại học, giảng viên và sinh viên đang dạy và học theo mô hình Hybrid Learning. Điều này có nghĩa là chương trình học sẽ được tổ chức 50% nội dung ở trên lớp và 50% nội dung được học trực tuyến.

Là một cư dân và là một nghiên cứu sinh hiện sinh sống ở Bỉ, anh Châu Luân tuân thủ nghiêm ngặt theo luật phòng chống dịch COVID-19 do Nhà nước và nhà trường đã quy định.

Điều cốt lõi là Chính phủ Bỉ giúp cho người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng thông qua việc đeo khẩu trang và hạn chế đi lại khi không cần thiết.

Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan khai giảng lớp tiếng Việt năm học 2021

Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan hôm 12/9 tổ chức lễ khai giảng lớp tiếng Việt năm 2021 dành cho con em kiều bào và những chàng rể Hà Lan.

Tại sự kiện, Đại sứ Phạm Việt Anh cảm ơn những giáo viên tình nguyện từ Đại sứ quán và trong cộng đồng đang chung tay góp phần gìn giữ tiếng Việt. Đại sứ bày tỏ mong muốn bà con kết nối cộng đồng rộng rãi hơn, chia sẻ và học tập kinh nghiệm các lớp tiếng Việt đã hoạt động lâu năm tại Hà Lan để nhân rộng mô hình học tiếng Việt, kết hợp tham khảo các chương trình dạy tiếng Việt trên mạng để duy trì tiếng Việt cho thế hệ tương lai cũng như người thân là người Hà Lan.

Một năm qua, dù khó khăn do dịch bệnh, lớp tiếng Việt vẫn hoạt động, chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến, số lượng học viên vẫn tăng thêm. Nhiều người khi mới bước vào lớp chưa biết đọc, viết tiếng Việt, nay có thể đánh vần, phát âm đúng và hát bài hát Việt.

Nỗi đau giằng xé của thanh niên gốc Việt mất cha trong thảm kịch 11/9

20 năm sau vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ, chàng trai gốc Việt An Nguyen vẫn khắc khoải nỗi nhớ về người cha thiệt mạng trong thảm kịch kinh hoàng.

“Khi ấy tôi còn quá nhỏ và dễ bị tổn thương. Đó là khoảng thời gian thực sự khó khăn”, An nói. 

Ông Khang Nguyen, bố của An là một kỹ sư điện tử làm việc với vai trò nhà thầu của Hải quân Mỹ. Ông thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9/2001 khi mới 41 tuổi. Ký ức của An về cha rất ít ỏi. “Cha hay hát, đôi khi hát rất to. Cha hay hát nhiều bài hát truyền thống bằng tiếng Việt”, An nhớ lại.

Ảnh: dantri.vn
Ảnh: dantri.vn

Khi An lớn lên, với những ký ức ít ỏi về người cha đã mất, An phải tự mình suy nghĩ về những câu hỏi lớn trong cuộc đời.

An đã bước sang tuổi 24 vào ngày 9/9 năm nay. Cậu bé ngày nào nay đã trở thành một kỹ sư phần mềm và chuẩn bị lấy bằng thạc sĩ tại Đại học George Mason. 20 năm sau vụ khủng bố, hôm 11/9, An và mẹ đến dự lễ tưởng niệm thường niên tại Lầu Năm Góc. 

Ra mắt “ngôi nhà chung” của thanh niên, sinh viên Việt Nam tại châu Âu

Với sự hỗ trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan đại diện Việt Nam tại châu Âu, Đại hội thành lập Liên hiệp Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại châu Âu nhiệm kỳ 2021-2023 đã diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Đại hội được tổ chức tại Đại sứ quán Việt Nam ở Vương quốc Bỉ, có sự tham gia của đại diện thanh niên, sinh viên đến từ Bỉ, Pháp, Đức, Czech, Áo, Ba Lan, Hungary, Romania, Tây Ban Nha, Ý, Hà Lan và sự chứng kiến của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu.

Sau khi Liên hiệp Hội chính thức được thành lập, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu bày tỏ tin tưởng Liên hiệp Hội sẽ là cầu nối gắn kết sức mạnh của giới trẻ người Việt và gốc Việt tại châu Âu, hy vọng Liên hiệp Hội sẽ có những hoạt động thiết thực, cụ thể, đóng góp cho quê hương.

Liên hiệp Hội mong muốn có thể cùng gắn kết để xây dựng một mạng lưới giúp các bạn trẻ trong vấn đề hội nhập và hỗ trợ việc làm, đóng góp tài năng xây dựng đội ngũ trí thức trẻ Việt tại châu Âu. Đây cũng là một trong những sứ mệnh lớn lao mà toàn bộ đại biểu trong Đại hội nhất trí hướng đến.