Người Việt bốn phương (số 738)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao làm việc với ALOV
Ngày 20.7, tại Trụ sở Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu đã có buổi tiếp đại diện Ban Lãnh đạo Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV) do Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch ALOV, dẫn đầu.
Chủ tịch ALOV Nguyễn Phú Bình thay mặt Hội gửi lời chúc mừng tới Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu được Đảng, Nhà nước giao trọng trách trên cương vị mới là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
Đại sứ cho biết, mặc dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn nhưng Hội vẫn luôn tiếp tục nỗ lực có những hoạt động gắn kết bà con ở nước ngoài với quê hương, đất nước.
Trong năm 2020, Hội đã tổ chức đoàn bác sĩ đến thăm khám, phát thuốc, chia sẻ ủng hộ bà con một số tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt; Hội kết hợp với một số doanh nghiệp trong nước chia sẻ với bà con ở nước ngoài trong việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 bằng việc gửi tặng bà con tại một số nước như Lào, Campuchia khẩu trang y tế; Hội in ấn sách dạy học tiếng Việt tặng cho bà con kiều bào tại một số nước...
Đại sứ Nguyễn Phú Bình cũng thông tin về một số những hoạt động trong thời gian tới của Hội và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, phối hợp của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đánh giá cao những hoạt động của Hội trong việc vận động kiều bào ủng hộ đồng bào trong nước khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt, phòng chống dịch COVID-19, việc dạy và học tiếng Việt cho kiều bào, các hoạt động thiện nguyện của Hội trong thời gian qua.
Đồng thời, Thứ trưởng cảm ơn Hội đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban trong suốt thời gian qua, cùng triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Thứ trưởng cũng thông báo tới Hội một số công tác nổi bật của Ủy ban trong 6 tháng đầu năm 2021 và một số hoạt động của Ủy ban trong thời gian tới nhằm tiếp tục gắn kết bà con với quê hương.
Thứ trưởng khẳng định, Ủy ban luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi để giúp Hội thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, triển khai các hoạt động của Hội đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, Ủy ban cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của Hội trong mọi hoạt động của Ủy ban trong thời gian tới để công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đi vào chiều sâu, có hiệu quả.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cũng lắng nghe những ý kiến đóng góp xây dựng và chia sẻ của một số thành viên trong Ban lãnh đạo Hội về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, khi dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống của bà con trong nước và bà con ở nước ngoài.
Hành trình truyền cảm hứng về văn hóa đọc ở Đức
Không dừng lại ở xuất bản sách song ngữ, những hoạt động xã hội hỗ trợ tinh thần cho cộng đồng như đọc sách và phát triển ngôn ngữ tiếng Việt tại Đức đang được chị Hạnh Nguyễn Schwanke thực hiện bằng cả tâm huyết.
Ý tưởng xuất bản sách song ngữ hình thành khi chị Hạnh Nguyễn Schwanke sinh con và cảm nhận rõ mong muốn được truyền đạt kiến thức và tình cảm cho một đứa trẻ mang 2 dòng máu, lớn lên trong một môi trường có 2 nền văn hóa Đức - Việt.
Nhà xuất bản Horami của Hạnh Nguyễn Schwanke ra đời năm 2014 tại Berlin với những cuốn sách song ngữ Đức - Việt đầu tiên dành cho các cháu bé 2-3 tuổi. Các ấn phẩm đều được in trên bìa dày, đẹp với sự góp ý, tư vấn của nhiều nhà sư phạm, tâm lý học người Việt và người Đức.
Trong suốt thời kỳ dịch bệnh, nhà xuất bản Horami đã tổ chức những buổi nói chuyện về đề tài sức khỏe gia đình và giáo dục trẻ em nhằm chia sẻ và động viên mọi người để cùng nhau vượt qua thời gian khó khăn. Đặc biệt, chương trình Horami Radio phát sóng được các em bé người Việt tại Đức rất yêu thích. Hằng tuần, có nhiều em đã gửi những bài hát, bài thơ, câu chuyện đến chương trình, khơi dậy và nuôi dưỡng nguồn cảm hứng cùng đọc và cùng chơi của các em nhỏ.
Dự án Horami Academy là kế hoạch mới của chị Hạnh Nguyễn Schwanke với niềm tin có thể xây dựng một học viện trực tuyến dành cho cộng đồng người Việt và những người yêu thích ngôn ngữ, văn hóa Việt trên toàn thế giới.
Nói về những sáng kiến thú vị từ chuỗi dự án mang tên Horami, chị Hạnh Nguyễn Schwanke chia sẻ: “Với tinh thần luôn đặt con người làm giá trị trọng tâm, tôi luôn thấy biết ơn sự làm việc chăm chỉ, đầy óc sáng tạo với thái độ khiêm tốn từ những ngày đầu tiên của các thành viên để biến những điều tưởng không thể thành có thể như hiện nay. Dù đang sinh sống ở bất cứ nơi đâu, việc gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa Việt có lẽ là điều mà rất nhiều bậc phụ huynh mong muốn hỗ trợ con của mình. Vì ngôn ngữ và văn hóa chính là chiếc cầu kết nối tình cảm và thế hệ gắn bó nhất”.
Người Việt ở Nga kể chuyện điều trị COVID-19
Nhiều người Việt tại Nga đã trải qua hành trình tự cách ly và phục hồi tại nhà, trong khi một số người phải nhập viện điều trị khi mắc COVID-19.
“Do số người nhiễm rất lớn, giới chức Nga không thể truy vết rồi đưa vào khu cách ly như ở Việt Nam, mà đa số ca F0 tự cách ly ở nhà”, nghiên cứu sinh ngành khoa học Trái đất Trần Đàm Rạng, người đã sống 9 năm tại Nga, chia sẻ.
Anh Rạng vừa nhiễm bệnh và hồi phục được hơn 2 tuần trước, sau thời gian tự cách ly và điều trị trong ký túc xá. Đa số trường hợp không sống tập thể sẽ được cách ly tại nhà riêng, được theo dõi, nhắc nhở hoặc xử phạt nếu tự ý rời khỏi nhà trong thời gian tự cách ly.
Biện pháp giám sát và thông báo xử phạt vi phạm cách ly được tích hợp trong ứng dụng truy vết ca nhiễm trên điện thoại tại Nga. Người thuộc diện cách ly tại nhà cần gửi hình ảnh xác minh vị trí qua ứng dụng vào đúng thời điểm yêu cầu, chứng tỏ họ không rời khỏi nhà.
Moscow là mô hình tiêu biểu cho tầng điều trị đầu tiên của hệ thống y tế Nga đối với bệnh nhân COVID-19. Ca nhiễm không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được theo dõi qua điện thoại. Bệnh nhân trong diện tự điều trị COVID-19 tại nhà sẽ nhận toàn bộ thuốc kê đơn miễn phí.
Tu nghiệp sinh nông nghiệp mong mỏi trở về đóng góp cho quê hương
Sau 2 năm học tập và làm việc, các tu nghiệp sinh Việt Nam đã tốt nghiệp tại Trung tâm Đào tạo Quốc tế Ramat Negev của Israel. Mỗi tu nghiệp sinh từ Việt Nam sang đều mang trong mình một giấc mơ trở về quê hương lập nghiệp với các dự án riêng hoặc làm việc cho các công ty trong lĩnh vực nông nghiệp, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng kinh tế ở trong nước.
Tu nghiệp sinh Trần Kim Thảo (quê Kiên Giang) tâm sự: “Ngành học của em là ngành công nghệ sinh học. Sau này về nước, em có rất nhiều dự định, nhưng trước mắt em muốn phát triển một trang trại nông nghiệp ở quê nhà”.
Anh Nguyễn Hoàng Tuấn, Bí thư thứ 2 tại Đại sứ quán Việt Nam ở Israel, cho biết: nền nông nghiệp Israel không những đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước mà hằng năm còn thu về hàng tỉ USD kim ngạch xuất khẩu. Đây là bằng chứng cho thấy yếu tố con người, đặc biệt là tri thức có thể làm nên tất cả.