Ảnh: vov.vn.
Người Việt bốn phương (số 737)
Doanh nghiệp kiều bào bắc cầu hàng Việt vào châu Âu
Với một cộng đồng người Việt ngày càng lớn mạnh tại châu Âu, mong muốn mở rộng thị trường cho hàng Việt là niềm trăn trở của doanh nhân Việt kiều tại đây. Sở hữu các trung tâm thương mại rộng lớn cùng mạng lưới tiêu thụ hàng hóa bán lẻ mạnh nhưng ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp các Hội doanh nghiệp người Việt ở châu Âu, vẫn chạnh lòng trước thực trạng hàng Việt đang mất dần thị phần so với hàng hóa các nước khác.
Khẩu hiệu “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” là bài toán cần tìm lời giải đáp cấp thiết, cũng như cần sự chung tay của doanh nghiệp kiều bào và doanh nghiệp trong nước.
Ông Huê cho rằng, người Việt hiện có cơ sở vật chất rất tốt để phát triển kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong nước. Hơn nữa, sinh sống ở nước sở tại nhiều năm, mỗi người Việt đều có sự hiểu biết nhất định về phong tục tập quán, thị hiếu và thị trường tiêu thụ của người dân châu Âu.
Cùng với sự phát triển của các trung tâm thương mại lớn, người Việt có thể thiết lập hệ thống tiêu thụ và phân phối sản phẩm hàng hóa Việt tại địa bàn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là sự kết nối giữa doanh nghiệp kiều bào và doanh nghiệp trong nước. Hiện tại, ở Việt Nam, có nhiều sản phẩm độc đáo và tiềm năng nhưng chưa tìm được đường ra thị trường ngoài nước.
Sinh sống và kinh doanh tại Đức đã 40 năm, ông Vũ Văn Long, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức cho biết Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức luôn sẵn lòng làm cầu nối cho hàng Việt nhưng câu hỏi đặt ra vẫn là tiêu chuẩn chất lượng để có thể đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng ở nước ngoài.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp kiều bào tin tưởng vào một thế hệ những doanh nhân trẻ có trình độ, có tầm nhìn xa và luôn hướng về quê hương... Điển hình là Chủ tịch Tập đoàn Tamda Foods tại Cộng hòa Czech Hoàng Đình Toàn. Doanh nhân trẻ này cho biết, khởi nguồn từ khát vọng và nâng cao vị thế người Việt ở nước ngoài, cũng như đưa sản phẩm Việt Nam đến thị trường châu Âu, anh đã thành lập doanh nghiệp vào năm 2008 và hiện trở thành tập đoàn lớn mạnh. Sự ra đời của Tamda Foods đáp ứng được nhu cầu cung ứng hàng hóa cho hệ thống cửa hàng rộng khắp mọi nơi của người Việt trên đất Czech.
Sinh viên Việt Nam tham gia chương trình tình nguyện quốc tế ở Nga
Thành ủy Moscow của Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) đã tổ chức chương trình tình nguyện quốc tế nhân Ngày Thứ Bảy Cộng sản. Tham gia chương trình tình nguyện quốc tế có các Đảng viên và những người ủng hộ KPRF, sinh viên Việt Nam và Ấn Độ, cũng như các nhân viên Đại sứ quán Lào tại Nga.
Nhóm sinh viên Việt Nam tham gia sự kiện năm nay gồm sinh viên nhiều đại học danh tiếng ở Moscow như Đại học Bách khoa Bauman, Đại học Sư phạm Lenin, Đại học Ngôn ngữ Maurice Torez, Đại học Kinh tế...
Toàn bộ đội tình nguyện quốc tế đã tập trung đông đủ trên cánh đồng dâu tây, hào hứng, hăng say lao động, thu hoạch dâu tây cho nông trang.
Bí thư thứ nhất Thành ủy Moscow Valery Rashkin cho biết, Ngày Thứ Bảy Cộng sản đầu tiên ra đời từ thời Liên Xô để phát huy tinh thần lao động công ích, đóng góp công sức của mình cho tập thể và cho đất nước.
Nông trang Lenin là doanh nghiệp trồng dâu tây lớn nhất ở Nga, được thành lập từ năm 1918. Công ty sở hữu diện tích canh tác khoảng 110 ha. Đến mùa thu hoạch, sản lượng dâu tây lên tới 60 tấn mỗi ngày.
Hỗ trợ kịp thời người Việt ở Hàn Quốc mắc COVID-19
Trước tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh ở Hàn Quốc, các cơ quan y tế nước này cảnh báo trong trường hợp xấu nhất, số ca COVID-19 mới hằng ngày có thể lên tới 2.140 ca vào cuối tháng 7 này.
Trong bối cảnh đó, Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc đã và đang phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc theo dõi và hỗ trợ 2 bệnh nhân Việt Nam mắc COVID-19 tại Seoul, cùng một số ca bệnh khác là người Việt ở khu vực thành phố Bucheon và tỉnh Nam Gyeongsang. Vì khu vực Seoul đang quá tải giường bệnh nên 2 ca bệnh trên (hiện ở mức nhẹ) vẫn đang được cách ly tại nhà.
Với các ca nhiễm ở khu vực thành phố Bucheon và tỉnh Nam Gyeongsang, Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc cũng đang phối hợp với Đại sứ quán và các chi hội cơ sở để hỗ trợ kịp thời.
Nỗ lực hỗ trợ cộng đồng của gia đình gốc Việt
Khi dịch bệnh bùng phát, gia đình bà Huong Pham cùng hợp sức với bạn bè nấu các bữa ăn đơn giản cho những người có nhu cầu ở Quận Cam, bang California. Họ phát động phong trào mang tên Moving Forward Together (tạm dịch: Cùng hướng về phía trước), cung cấp thức ăn cho nhiều người lớn tuổi đơn thân và những người mất việc vì dịch COVID-19.
Bà Pham cho biết gia đình bà vẫn muốn tiếp tục nấu ăn cho những người kém may mắn, dù bà cùng nhiều người thân cũng đang cố gắng vượt qua khó khăn vì dịch bệnh. “Chúng tôi nấu những món dễ ăn, dễ tiêu. Chúng tôi chủ yếu tập trung vào những món ăn truyền thống vì mẹ tôi là người nấu ăn rất tuyệt”, bà Pham cho hay.
Người Việt tại Ba Lan tiếp tục ủng hộ Quỹ Vaccine
Thay mặt Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Phó Chủ nhiệm Ngô Hướng Nam đã tiếp nhận số tiền của cộng đồng người Việt tại Ba Lan ủng hộ Quỹ vaccine và công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Ảnh: An Lê/baoquocte.vn. |
Theo Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Việt Triều, thời gian qua, cộng đồng người Việt đã gặp rất nhiều khó khăn khi đối phó với các làn sóng dịch bệnh ở Ba Lan. Dù vậy, bà con người Việt luôn dõi theo tình hình và tích cực quyên góp để ủng hộ cuộc chiến chống COVID-19 của nước nhà.
Đây chính là tấm lòng của những người con xa xứ, mong đất nước sớm chiến thắng dịch bệnh để cuộc sống của người dân được trở lại bình thường.