Chương trình gặp gỡ mừng Xuân Tân Sửu 2021 vừa diễn ra hôm 23.1 tại Hà Nội. Ảnh: PSMB.
Người Việt bốn phương (Số 715)
Người Việt tại Hàn Quốc đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước
Chương trình gặp gỡ mừng Xuân Tân Sửu 2021 vừa diễn ra hôm 23.1 tại Hà Nội do Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức.
Đây là hoạt động có ý nghĩa văn hóa xã hội, mang tính nhân văn sâu sắc, nhằm tăng cường tình đoàn kết của cộng đồng người Việt trong nước, người Việt đang học tập, làm việc, sinh sống ở nước ngoài, đặc biệt là ở Hàn Quốc.
Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng nhấn mạnh, cộng đồng người Việt trên thế giới nói chung, cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc nói riêng luôn đoàn kết, năng động, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội... Cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa nhằm phát huy hình ảnh, uy tín của đất nước, góp phần tăng cường mối quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới.
Trong không khí ấm cúng, thân mật đón mừng Xuân mới, đại biểu, bà con kiều bào cùng Phật tử đã thưởng thức các tiết mục văn nghệ truyền thống, giao lưu văn hóa Việt - Hàn; trao quà Tết cho các gia đình khó khăn và vinh danh các doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu... Bà con kiều bào đều bày tỏ sự vui mừng và tự hào về những thành tựu phát triển của đất nước trên nhiều lĩnh vực.
Qua đó, chương trình cũng góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Hàn Quốc, thúc đẩy giao lưu văn hóa 2 nước Việt - Hàn; đồng thời phát huy, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Khai giảng lớp dạy tiếng Khmer cho người gốc Việt tại tỉnh Preah Sihanouk, Campuchia
Lễ khai giảng Lớp học tiếng Khmer dành cho bà con gốc Việt do Ban Chấp hành Hội Khmer - Việt Nam chi nhánh tỉnh Preah Sihanouk phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Preah Sihanouk vừa tổ chức hôm 25.1.
Đánh giá cao những nỗ lực của Ban Chấp hành tỉnh Hội Khmer - Việt Nam trong việc tổ chức lớp học này, Tổng Lãnh sự tại tỉnh Preah Sihanouk Vũ Ngọc Lý nhấn mạnh dự án dạy tiếng Khmer cho người gốc Việt được tổ chức với mục đích hỗ trợ bà con gốc Việt có đủ điều kiện cần thiết để nhập quốc tịch Campuchia cũng như sinh sống ổn định tại nước này. Qua đó, kiều bào có thể hiểu rõ văn hóa sở tại và đóng góp tích cực cho sự phát triển thịnh vượng của Campuchia cũng như quan hệ 2 nước.
Lớp học này cũng là mô hình thí điểm quy chuẩn trong việc dạy tiếng Khmer tại khu vực lãnh sự của Tổng Lãnh sự quán phụ trách. Nếu thành công, mô hình này sẽ được phát triển rộng rãi trong cộng đồng người gốc Việt ở khu vực Tây Nam Campuchia cũng như trên toàn Campuchia.
Nữ “đại sứ nhỏ” nặng lòng với quê hương
Sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Nguyễn Thị Thanh Thanh Dung giành học bổng toàn phần thạc sĩ tại Vương quốc Bỉ, ngành Quản lý tài nguyên biển. Về nước một thời gian, tháng 10.2019, cô tiếp tục giành học bổng tiến sĩ tại Đại học Ben-Gurion of the Negev và lên đường sang Israel nghiên cứu chuyên sâu về nuôi trồng hải sản, chuyên ngành sinh thái vi sinh.
Thanh Dung chọn ngành học đòi hỏi sử dụng “công nghệ tin sinh” (bioinformatics) vì nó có nhiều triển vọng góp phần nuôi trồng hải sản bền vững ở trong nước.
Nghiên cứu và áp dụng bioinformatics trong ngành sinh thái vi sinh hứa hẹn nhiều tiềm năng thúc đẩy nuôi trồng hải sản bền vững, giảm ô nhiễm môi trường biển, giảm sử dụng kháng sinh. Đây là một đòi hỏi thực tế đang đặt ra tại Việt Nam. Mong muốn của Thanh Dung là sau khi học xong sẽ đóng góp các nghiên cứu chất lượng cao cho công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học ở trong nước; làm cầu nối hợp tác về khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Israel.
Đại sứ Việt Nam tại Israel Đỗ Minh Hùng cho biết không chỉ nỗ lực tự vươn lên trong cuộc sống và học tập, Thanh Dung còn chủ động tham gia nhiều hoạt động được các trung tâm nghiên cứu ở địa phương đánh giá cao. Xét dưới góc độ này, cô chính là một “đại sứ nhỏ” của Việt Nam trên đất bạn.
Quyền Bộ trưởng trong Nội các Mỹ của ông Biden là người gốc Việt
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa bổ nhiệm ông Đạt Trần, một người Mỹ gốc Việt, làm quyền Bộ trưởng các vấn đề cựu chiến binh Mỹ thay thế cựu Bộ trưởng các vấn đề cựu chiến binh Robert Wilkie.
Ông Đạt Trần sẽ giữ chức quyền Bộ trưởng cho đến khi Thượng viện phê chuẩn ông Denis McDonough, một trợ lý lâu năm của cựu Tổng thống Barack Obama, làm người đứng đầu Bộ các vấn đề cựu chiến binh.
Ông Đạt Trần đã làm việc tại Bộ này hơn 10 năm. Vai trò hiện tại của ông là cố vấn cho các lãnh đạo cấp cao của Bộ trong một số lĩnh vực, trong đó có lập chiến lược, quản trị rủi ro, nghiên cứu chính sách, phân tích dữ liệu và đổi mới. Trước khi làm việc tại Bộ các vấn đề cựu chiến binh, ông từng là thành viên Ủy ban các vấn đề cựu chiến binh của Thượng viện Mỹ từ năm 1995-2001.
Mang âm nhạc dân tộc đến gần hơn với công chúng
Sinh sống tại Den Haag (Hà Lan) nhưng mỗi khi có cơ hội về nước, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang đều thực hiện các dự án góp phần làm đa dạng và đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với công chúng.
Âm nhạc của Ngô Hồng Quang là sự giao thoa hài hòa giữa những giá trị tưởng chừng như đối lập, là sự kết hợp khéo léo giữa các giai điệu dân tộc Việt Nam với thanh âm truyền thống của các quốc gia trên thế giới.
Tình Đàn là tên album sắp ra mắt của Ngô Hồng Quang. Những giai điệu của tác phẩm đã được nghệ sĩ Ngô Hồng Quang cùng nhóm Đàn Đó thổi hồn bằng âm thanh mộc mạc đầy tính biểu cảm của cây Đàn Tính và hòa quyện trong đó là âm sắc tự nhiên đầy chất bản địa của Đàn Đó, Trống Chum, Trống Lãng, Sáo Thiu và Đàn Môi.
Đây cũng là lời tri ân tới khán giả yêu âm nhạc đã đồng hành cùng Ngô Hồng Quang trong suốt 20 năm sự nghiệp.
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang đã thực hiện rất nhiều tour lưu diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ngô Hồng Quang chính là gương mặt tiêu biểu của lớp nghệ sĩ đương đại, với tình yêu cháy bỏng cho âm nhạc dân tộc nhưng không hề mòn cũ trong lối suy nghĩ, khao khát mang âm hưởng dân tộc đến với bạn bè quốc tế.