Giải bóng đá Over 29 Việt Nam tại Lào. Ảnh: TTXVN.

 
Phùng Mỹ Thứ Ba | 01/12/2020 15:43

Người Việt bốn phương (số 707)

Nhà khoa học Việt Nam 7 năm liền có mặt trong top 1% nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới

Khai mạc giải bóng đá “Over 29 Việt Nam” tại Lào lần thứ nhất

Hội Người Việt Nam tại Lào đã tổ chức lễ khai mạc giải bóng đá “Over 29 Việt Nam” lần thứ nhất tại thủ đô Viêng Chăn chiều ngày 21.11, với sự tham gia của 7 đội bóng. Phát biểu tại lễ khai mạc, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Lào nhấn mạnh: Giải “Over 29 Việt Nam” là giải đầu tiên được tổ chức cho lứa tuổi từ 30 trở lên. Đây không chỉ là hoạt động thể thao mà còn là một trong các sự kiện có ý nghĩa hết sức tích cực trong cộng đồng người Việt Nam tại Lào; góp phần tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó, tạo động lực cho các vận động viên, lớp trẻ của người Việt Nam tại Lào luôn đoàn kết và hướng về Tổ quốc.

Theo Ban tổ chức, giải đấu năm nay có 7 đội bóng đến từ các doanh nghiệp, câu lạc bộ thể thao trong cộng đồng người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống tại Lào. Giải đấu dự kiến bế mạc ngày 13.12.

 

Vinh danh Sứ giả truyền thông kiều bào từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới

Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu đã tổ chức Lễ vinh danh Sứ giả truyền thông Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu được kết nối từ 10 điểm cầu trên thế giới bằng hình thức trực tuyến.

Buổi lễ có sự mặt góp mặt của các thầy cô giáo, chuyên gia báo chí đầu ngành của Việt Nam và toàn thể học viện kiều bào đến từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, Hungary, Slovakia, Cộng hòa Czech, Đức, Úc và Mỹ.

Phát biểu tại buổi lễ, Thạc sĩ Đinh Ngọc Sơn, Phó Trưởng Khoa Phát thanh và Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Chủ nhiệm 2 khóa học của ICI/Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu, khẳng định: “Qua 2 khóa học, tình yêu quê hương, đất nước từ bà con kiều bào ở khắp nơi trên thế giới được thể hiện qua sự ham học hỏi, đoàn kết, yêu thương, gắn bó, chia sẻ và cuối khóa học họ đã tạo thành một khối đoàn kết. Đặc biệt, tất cả các học viên đều mong muốn trở thành sứ giả truyền thông để được cống hiến nhiều hơn cho dự án mang tính nhân văn này”.

Thay mặt Hội đồng lãnh đạo, Đại sứ thiện chí Trần Văn Mười đã thông báo kế hoạch sắp tới của Ban dự án, đồng thời ra mắt Hội đồng Biên tập tập sự.

Hành trình của những giáo viên tiếng Việt tình nguyện ở Đức

Nhằm đáp ứng nhu cầu cho con em cộng đồng người Việt, các giáo viên tình nguyện tại nhiều thành phố ở Đức không quản ngại khó khăn để tiếng mẹ đẻ được chắp cánh nơi xứ người.

Với mong muốn duy trì, bảo tồn, giữ gìn tiếng mẹ đẻ cho học sinh gốc Việt trên quê hương thứ 2, cô giáo Thanh Tâm sống ở Berlin đã nhờ gia đình gửi sách, truyện tiếng Việt sang Đức để dạy cho các em. Sau 11 năm đồng hành cùng giáo viên trường tiếng Việt Sao Mai, cô Thanh Tâm luôn miệt mài đến với học sinh mỗi dịp cuối tuần. Cô Tâm chia sẻ: “Những kỷ niệm vui buồn chẳng thể nào quên. Những nét chữ xinh xinh, những nét vẽ hồn nhiên ấy đều đẹp tựa như những bông hoa vậy”. 

Kiều bào chung sức giúp người dân ở Huế vượt qua bão lũ. Ảnh: baoquocte.vn
Kiều bào chung sức giúp người dân ở Huế vượt qua bão lũ. Ảnh: baoquocte.vn

Là một trong những giáo viên đầu tiên của trường tiếng Việt Sao Mai, cô Lan Hương nhận thấy cộng đồng người Việt ngày càng đề cao tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Các lớp học ngày một đông hơn. Nhiều phụ huynh không chỉ tích cực đưa con tới lớp mà còn nhiệt tình hỗ trợ giáo viên trong công tác tổ chức lớp học. Đại sứ quán Việt Nam tại Đức rất quan tâm đến công tác dạy tiếng Việt, hỗ trợ và động viên các giáo viên kịp thời.

Dù ở tuổi nghỉ hưu, cô Hương vẫn thường xuyên lên lớp và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các tình nguyện viên trẻ. “Tôi rất yêu nghề giáo nên đã gắn bó với công việc tình nguyện này trong suốt nhiều năm qua. Các đồng nghiệp của tôi vất vả kiếm sống nhưng mỗi khi lên lớp niềm vui lại đong đầy. Tôi luôn nhớ về những ân tình và các thầy cô giáo cũ ở quê hương. Đó là động lực giúp tôi vượt qua khó khăn và toàn tâm toàn ý với công việc mình làm”, cô Hương tâm sự.

Kiều bào quyên góp giúp bà con Thừa Thiên Huế khắc phục hậu quả sau bão lũ

Ngày 20.11, thay mặt Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và tập thể lãnh đạo Bộ cùng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã trao 300 triệu đồng và 4.800 túi bột lọc nước P&G của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhằm kịp thời động viên chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác khắc phục thiệt hại do mưa lũ.

 

Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, thời gian qua, tình hình thiên tai, lũ lụt diễn ra rất phức tạp, gây hậu quả nặng nề cho người dân tại các tỉnh miền Trung. Trước tình cảnh “bão chồng bão, lũ chồng lũ” tại miền Trung, cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài đã chung tay quyên góp ủng hộ đồng bào giảm thiểu khó khăn do đợt mưa lũ lịch sử gây ra.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cảm ơn Bộ Ngoại giao và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã kịp thời động viên và chia sẻ với Tỉnh; khẳng định số quà này sẽ được sử dụng đúng mục đích, kịp thời nhằm giảm thiểu khó khăn của người dân bị thiệt hại do mưa bão.

Nhà khoa học Việt Nam 7 năm liền có mặt trong top 1% nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới

Theo Clarivate Analytics (Mỹ), Giáo sư Nguyễn Xuân Hùng là người Việt Nam duy nhất nằm trong top 1% nhà khoa học ảnh hướng nhất thế giới năm 2020.Đây là lần thứ 7 liên tiếp (2014-2020), Giáo sư Nguyễn Xuân Hùng có mặt trong danh sách bên cạnh một số nhà khoa học gốc Việt khác.

Giáo sư Nguyễn Xuân Hùng hiện là Viện trưởng Viện Công nghệ CIRTech (Đại học Công nghệ TP.HCM). Ngoài ra ông cũng là Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Sejong (Hàn Quốc); Chủ tịch Hiệp hội Cơ học Việt Nam... Trong nghiên cứu khoa học, Giáo sư Nguyễn Xuân Hùng đã có hơn 170 bài nghiên cứu khoa học trên các tạp chí nằm trong danh mục ISI.