Ảnh: vietnamplus.vn
Người Việt bốn phương (Số 705)
Tái khởi động các hoạt động giao lưu văn hóa Việt - Nhật
Lễ hội Việt Nam từ ngày 7-8.11 tại Tokyo với sự tham dự của nhiều quan chức cấp cao trong Chính phủ và Quốc hội Nhật cùng với đông đảo người dân 2 nước là lễ hội có quy mô lớn đầu tiên, sau khi Tokyo công bố chương trình “Go To Travel” của Chính phủ Nhật.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Vũ Hồng Nam cho biết: lễ hội này nhằm hưởng ứng lời kêu gọi Go To Travel và Go To Eat của Chính phủ Nhật, đồng thời thể hiện Việt Nam ủng hộ Nhật tổ chức thành công Đại hội Thể thao Olympic Tokyo vào năm tới.
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Eiichiro Washio cho rằng, Lễ hội Việt Nam tại Nhật là dịp để người dân 2 nước giao lưu với nhau. Trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa 2 nước đang phát triển hết sức tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội. Thủ tướng Suga Yoshihide cũng đã tới thăm Việt Nam trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi tháng trước”.
Việc Thủ tướng Suga lựa chọn Việt Nam làm điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên thể hiện sự phát triển trong quan hệ giữa 2 nước. Lễ hội là một hoạt động thường niên do Đại sứ quán Việt Nam phối hợp với phía Nhật tổ chức từ năm 2008 nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Hoạt động này nằm trong chiến dịch quảng bá hình ảnh Việt Nam ở Nhật, qua đó góp phần tăng cường sự hiểu biết của người Nhật đối với Việt Nam.
Việt Nam là điểm đến hàng đầu châu Á về di sản, ẩm thực và văn hóa
Tổng cục Du lịch thông báo, Việt Nam vừa vinh dự được bình chọn ở 3 hạng mục của Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 27 (World Travel Awards). Năm 2020 cũng là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam được bình chọn ở cả 3 hạng mục: Điểm đến di sản hàng đầu châu Á, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á và Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á.
Hiện Tổng cục Du lịch đang xây dựng Đề án “Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa”, nằm trong kế hoạch của ngành văn hóa, thể thao và du lịch thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8.9.2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Đến năm 2025, Việt Nam sẽ có nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc mang thương hiệu quốc gia với chất lượng dịch vụ vượt trội, tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu, làm hài lòng du khách trong và ngoài nước, khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.
Ra mắt Hiệp hội Đồng bào hải ngoại Việt Nam tại Macao
Ngày 8.11, Hiệp hội Đồng bào hải ngoại Việt Nam tại Macao chính thức ra mắt tại Khu hành chính đặc biệt Macao (Trung Quốc). Buổi lễ diễn ra dưới hình thức trực tuyến, do Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hồng Kông Trần Thanh Huân chủ trì.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng lãnh sự Trần Thanh Huân đề nghị Hiệp hội Đồng bào hải ngoại Việt Nam tại Macao chung tay xây dựng một cộng đồng người Việt Nam đoàn kết, vững mạnh tại Macao, đóng góp tích cực cho Đặc khu hành chính Macao và tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Macao.
Hiệp hội cần phát huy vai trò cầu nối giữa bà con cộng đồng với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hồng Kông. Giới chức địa phương đánh giá cao về tinh thần làm việc và chấp hành quy định luật pháp sở tại của người lao động Việt Nam tại Macao.
Kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cuba
Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cuba (2.12.1960 - 2.12.2020), Hội hữu nghị Việt Nam - Cuba phối hợp với Tập đoàn Thái Bình Dương tổ chức Lễ ra mắt sách “Fidel Castro và Việt Nam - Những kỷ niệm không quên” vào ngày 7.11 tại Hà Nội.
Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Cuba Trương Thị Mai cho rằng, cuốn sách thực sự là món quà có ý nghĩa không chỉ đối với thế hệ trẻ Việt Nam mà còn là nguồn tư liệu quý giá cho các thế hệ trẻ Cuba hiểu rõ hơn về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt trong lịch sử mà Đảng và nhân dân 2 nước đã dày công vun đắp, giữ gìn, bảo vệ và để lại cho các thế hệ mai sau.
“Fidel Castro và Việt Nam - Những kỷ niệm không quên” được xuất bản bằng 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Tây Ban Nha, là ấn phẩm đặc biệt, tập hợp một phần những ký ức, tình cảm của nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà ngoại giao, nhà văn, nhà báo, cán bộ, chiến sĩ... về tình sâu nặng của lãnh tụ Fidel Castro và nhân dân Cuba dành cho Việt Nam.
Cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) ký kết vào ngày 15.11 trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 (từ ngày 9-15.11) tại Hà Nội kỳ vọng là hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới và mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Ảnh: vietnamplus.vn |
Các nước ASEAN có thể nhập khẩu đa dạng các nhóm mặt hàng, phù hợp với sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Với dân số khoảng 650 triệu người, tổng GDP khoảng hơn 3.111 tỉ USD, tăng trưởng bình quân đạt 4,7%/năm, ASEAN là thị trường đặc biệt quan trọng của Việt Nam và là thị trường đầu tiên cho các sản phẩm của Việt Nam thử sức cạnh tranh trước khi bước ra thị trường thế giới.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN thúc đẩy việc điều chỉnh các chương trình hợp tác trong ASEAN một cách phù hợp với tình hình mới, thông qua việc đánh giá giữa kỳ quá trình thực hiện Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2025.
“Đối với Việt Nam, Hiệp định RCEP sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.