Ảnh: nhandan.com.vn
Người Việt bốn phương (số 698)
Phát động cuộc thi “Biên soạn sách, tài liệu dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài”
Ngày 16.9, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức lễ phát động cuộc thi “Biên soạn sách, tài liệu dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài”.
Với thông điệp “Tôn vinh vẻ đẹp tiếng Việt - Tự hào kết nối Việt Nam”, cuộc thi được tổ chức với mục đích đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài một cách thiết thực, hiệu quả. Điều này sẽ giúp giữ gìn, củng cố và phát triển ngôn ngữ, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; khơi dậy và phát huy tinh thần hướng về quê hương, đất nước; góp phần quảng bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chia sẻ: “Thực hiện chiến lược của Đảng trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đồng bào và kiều bào ở nước ngoài là một phần không thể tách rời của đồng bào và dân tộc ta. Hoạt động dạy tiếng Việt và truyền bá văn hóa dân tộc cho người Việt Nam ở nước ngoài là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo được Đảng và Nhân dân giao phó”.
Ban Tổ chức hy vọng cuộc thi là một hành trình tiếp nối lâu dài, có sự lan tỏa, cộng hưởng trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng như trong cộng đồng chuyên môn nghiên cứu, đào tạo và giảng dạy tiếng Việt, văn hóa Việt Nam ở trong và ngoài nước; các tổ chức quan tâm đến việc gìn giữ và phát huy tiếng nói, bản sắc văn hóa dân tộc ta.
Cuộc thi diễn ra từ tháng 9.2020 đến 4.2021, với yêu cầu đảm bảo tính khoa học, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm. Cơ cấu giải thưởng với tổng trị giá 1 tỉ đồng, bao gồm 1 giải Nhất trị giá 300 triệu đồng; 2 giải Nhì, mỗi giải 200 triệu đồng và 3 giải Ba, mỗi giải 100 triệu đồng.
Thanh niên Việt kiều tại Pháp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam dioxine Việt Nam
Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp hôm 19.9 tổ chức buổi gặp mặt thế hệ Việt kiều thứ 2, những người góp phần vào sự thành công của sự kiện “36 giờ với các nạn nhân chất độc da cam dioxine”.
Đây là một chương trình trực tuyến do các Hiệp hội ủng hộ nạn nhân chất độc da cam dioxine Việt Nam (Collectif Vietnam - Dioxine) tổ chức, kéo dài 36 giờ từ 14 giờ ngày 9.8 đến 3 giờ ngày 11.8 (giờ Việt Nam), bao gồm các cuộc tọa đàm, nói chuyện, chiếu phim tài liệu, phỏng vấn về hậu quả chất độc da cam dioxine ở Việt Nam. Qua đó, kêu gọi nhân dân toàn thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc hóa học này ở Việt Nam.
Gần 50 tình nguyện viên, hầu hết là thanh niên Việt kiều tại Pháp, đã đầu tư gần 2 tháng để chuẩn bị những hoạt động phong phú cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp, việc làm này là tấm gương về tình yêu quê hương đất nước cho các bạn trẻ mang trong mình dòng máu Việt.
Đa phần người Mỹ gốc Việt ủng hộ ông Trump tái đắc cử
Theo khảo sát của các nhóm gốc Á, người Mỹ gốc Việt là nhóm gốc Á duy nhất ở Mỹ ủng hộ ông Trump nhiều hơn ứng cử viên Biden trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Kết quả khảo sát về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 tới với 1.569 cử tri Mỹ gốc Á công bố hôm 15.9 cho thấy 54% người Mỹ gốc Á được hỏi dự định bỏ phiếu cho ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, trong khi chỉ 30% ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Ông Biden được ưu ái hơn ở tất cả các nhóm, ngoại trừ người gốc Việt.
Phần lớn cử tri gốc Á cũng cho biết sẽ ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ ở các cuộc chạy đua vào Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Tuy nhiên, một lần nữa nhóm người gốc Việt lại nằm ngoài xu hướng này với tỉ lệ ủng hộ các ứng viên Cộng hòa cao hơn. Họ là nhóm gốc Á duy nhất trong khảo sát nghiêng về đảng Cộng hòa với 38% so với đảng Dân chủ là 23%, còn lại 34% là những người xác định mình không theo đảng nào.
Học giả xứ Nghệ đưa Truyện Kiều đến trời Âu
Dịch giả Trương Đăng Dung là người Việt Nam đầu tiên dịch Truyện Kiều sang tiếng Hungary. Với tố chất của một nhà nho xứ Nghệ cùng với chất nghệ sĩ tài hoa, hai yếu tố đem đến thành công cho vị dịch giả trong việc chuyển thể tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du.
Ảnh: laodong.vn |
Công việc chính của ông Trương Đăng Dung là nghiên cứu văn học. Ông viết nhiều bài nghiên cứu đăng trên Tạp chí Văn học, chủ biên và đồng tác giả một số công trình khoa học khác. Hiện, ông là Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn học Việt Nam.
Truyện Kiều bằng tiếng Hungary của dịch giả Trương Đăng Dung đã góp phần đem nền văn học Việt Nam hòa chung vào dòng chảy văn học của nhân loại, mang khát vọng hòa bình và chủ nghĩa nhân văn của người Việt đến với nhân dân thế giới.
Vợ chồng người Úc gốc Việt chu du khắp 5 châu trong 9 tháng
Anh Tom và chị Kim đã đi qua châu Á, châu Âu, châu Đại Dương, châu Phi và lục địa Bắc Mỹ, đặt chân đến 50 quốc gia và vùng lãnh thổ với kinh phí từ việc viết blog du lịch. Chuyến đi được hiện thực hóa từ tháng 12.2018 và hoàn thành vào tháng 9.2019. Họ phát triển 2 blog chia sẻ thông tin về du lịch, điểm đến, văn hóa do chính mình trải nghiệm. Họ tự làm mọi công đoạn như lập trình, viết, thiết kế, quảng bá.
Năm 2014, đôi vợ chồng động viên nhau vượt qua những tháng ngày làm việc 24/7. Một năm sau, họ có nguồn thu nhập thụ động từ số lượt truy cập ổn định hằng tháng. Hai người bắt đầu có cuộc sống khá thoải mái và dành thời gian khám phá nước Úc. Anh Tom chia sẻ: “Giờ đây, chúng tôi có thể thực hiện nhiều hành trình trong cuộc đời hơn, ở bất kỳ độ tuổi nào”.
Đối với anh Tom và chị Kim, hành trình chu du thế giới vừa qua mới chỉ là sự bắt đầu. Ước mơ của họ là đặt chân lên càng nhiều quốc gia càng tốt, khám phá thế giới, thăm bạn bè và người thân ở khắp nơi