Nguồn ảnh: baochinhphu.vn
Người Việt bốn phương (Số 697)
Việt Nam coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Đức
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức (23.9.1975 - 23.9.2020), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 15.9.
Tại cuộc điện đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Đức. Thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh những thành tựu quan trọng của quan hệ 2 nước và tin tưởng hợp tác Việt Nam - Đức đang đứng trước nhiều triển vọng mới.
Hai bên nhất trí cần tăng cường trao đổi đoàn, nhất là cấp cao khi điều kiện cho phép, phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam - Đức thông qua năm 2019.
Hai Thủ tướng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau giữa Việt Nam và Đức ở các diễn đàn, tổ chức quốc tế, nhất là tại Liên Hiệp Quốc khi 2 nước cùng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an. Trên cương vị Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Đức là Chủ tịch luân phiên EU 6 tháng cuối năm 2020, Việt Nam và Đức cũng cam kết tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hợp tác và kết nối giữa hai khu vực, hướng tới nâng tầm quan hệ ASEAN - EU.
Thủ tướng Angela Merkel đánh giá cao tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong định hình trật tự thế giới của thế kỷ XXI. Thủ tướng Đức khẳng định, trong thời gian tới, Đức sẽ can dự tích cực hơn tại khu vực và mong muốn Việt Nam phát huy vai trò là cầu nối gắn kết Đức với khu vực.
Thúc đẩy hợp tác ASEAN về phát triển nguồn nhân lực
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức họp báo hôm 15.9 tại Hà Nội thông tin về Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay.
Mục tiêu của hội nghị nhằm thúc đẩy hợp tác ASEAN về phát triển nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển của công nghệ, yêu cầu của người lao động và người sử dụng lao động; tăng cường quan hệ đối tác giữa ASEAN và các nước đối thoại, các nhà tài trợ trong phát triển nguồn nhân lực.
Nhấn mạnh chủ đề phát triển nguồn nhân lực khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Hội nghị khẳng định nguồn nhân lực luôn được ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới việc làm đang thay đổi dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, đặt ra yêu cầu mới, thách thức mới với nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, vấn đề già hóa dân số, biến đổi khí hậu, dịch bệnh cũng đang ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, tất cả các quốc gia ASEAN đều nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đó là yếu tố hàng đầu để nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh. ASEAN luôn xác định con người là trung tâm của sự phát triển. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực luôn là ưu tiên trong cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN.
Nhà văn gốc Việt đầu tiên vào ủy ban chấm giải Pulitzer
Thông báo của Hội đồng Pulitzer xác nhận không chỉ là người gốc Việt đầu tiên, Giáo sư Nguyễn Thanh Việt còn là người Mỹ gốc Á duy nhất từ trước đến nay tham gia chấm giải thưởng danh giá của Mỹ.
Nguồn ảnh: Sasha Khokha/KQED |
Giáo sư Nguyễn Thanh Việt hay Viet Thanh Nguyen là tác giả của tiểu thuyết The Sympathizer (tạm dịch Cảm tình viên) xuất bản năm 2015. Quyển sách đã gây tiếng vang khi thắng giải Pulitzer cho các tác phẩm hư cấu năm 2016 cùng nhiều giải thưởng khác sau đó.
Đánh giá về sự gia nhập của nhà văn gốc Việt, đồng Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Pulitzer - ông Stephen Engelberg và bà Aminda Marqués Gonzalez nhấn mạnh: “Những trải nghiệm ấn tượng của Nguyễn Thanh Việt trong vai trò tiểu thuyết gia, nhà báo, người viết tiểu luận và một học giả giúp ông trở thành nhân tố mới tuyệt vời cho Hội đồng Giám khảo giữa thời đại đầy biến động”.
Giáo sư Nguyễn Thanh Việt chia sẻ: “Đây là một vinh dự khi được chọn vào Hội đồng chấm giải Pulitzer. Là người may mắn từng nhận giải, tôi hiểu tầm ảnh hưởng của giải thưởng tới sự nghiệp của người cầm bút và nhận thức của độc giả ra sao. Tôi rất vui được tham gia vào công việc quan trọng của Hội đồng”.
Giáo sư người Việt trở thành chủ tịch nghiên cứu mạng 6G tại Anh
Hội Khoa học Kỹ thuật Hoàng gia Anh đã chọn Giáo sư Dương Quang Trung của Đại học Queen’s Belfast cho vị trí Chủ tịch Nghiên cứu mạng 6G trong 5 năm tới.
Được xem là tương lai của viễn thông thế giới vào năm 2030, mạng 6G giúp cải thiện tốc độ mạng cũng như khả năng kết nối với các thiết bị tự hành mà không còn rào cản độ trễ trong truyền tải dữ liệu.
Dự án mạng 6G do Giáo sư Dương Quang Trung phụ trách, với sự hợp tác của Nokia Bell Labs sẽ giúp hoàn thiện các hoạt động chẩn đoán và phẫu thuật từ xa, điều khiển phương tiện giao thông tự hành, thúc đẩy sự phát triển của các thành phố thông minh, an toàn và quản lý rủi ro thiên tai.
Theo Giáo sư, “Thế giới đang trải qua cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 được điều hướng bởi mạng 5G và các hệ thống không gian mạng thực - ảo. Mục tiêu của tôi là giúp cuộc cách mạng này tiếp diễn trong thập niên tới, để 6G mang lại lợi ích cho toàn xã hội”.
Du học sinh Việt giúp người vô gia cư tại Đài Loan
Nhiều du học sinh Việt Nam và người nhập cư gốc Việt tại Đài Loan lập ra chương trình sáng kiến giúp đỡ của sinh viên (SHIP) được cha Gioan Tran Van Thiet và sơ Mary Nguyen tại nhà thờ Saint Christopher ở Đài Bắc nhằm cung cấp bữa ăn miễn phí cho người vô gia cư.
Theo sơ Mary Nguyen, mục đích của Chương trình là để các bạn trẻ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc khi được phục vụ cộng đồng. Chúng tôi muốn các du học sinh hiểu rằng các em đang nhận được một nền giáo dục tốt từ Đài Loan và có thể thể hiện sự đánh giá cao của mình đối với Đài Loan bằng cách cống hiến cho xã hội.
Chương trình SHIP cũng phản ánh lòng biết ơn của những người di cư và du học sinh đối với Đài Loan, vì kiểm soát nhanh chóng và thành công dịch bệnh COVID-19.