Ảnh: vietnamplus.vn.
Người Việt bốn phương (Số 695)
Ngày 28.8 toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, các cơ quan đại diện Việt Nam và đại diện cộng đồng người Việt từ các thành phố khác nhau tại Canada đã trang trọng tổ chức lễ mít tinh chào mừng 75 năm Ngày Quốc khánh 2.9.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Cao Phong nhấn mạnh: “Sự ra đời của nhà nước công nông trên mảnh đất thiêng liêng hình chữ S là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết, truyền thống yêu nước nồng nàn, bản lĩnh, trí tuệ của toàn thể nhân dân Việt Nam dưới ngọn cờ bách chiến bách thắng, với đường lối cách mạng đúng đắn, sáng suốt, với tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ kính yêu”.
Năm nay, do những quy định về giãn cách xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 nên lễ mít tinh được Đại sứ quán tổ chức với quy mô nhỏ, nhưng không kém phần trang trọng và xúc động.
Đại sứ Phạm Cao Phong đánh giá cao tinh thần yêu nước và sự nỗ lực đóng góp của bà con kiều bào luôn hướng về Tổ quốc, đóng vai trò cầu nối đưa sản phẩm Việt Nam tới Canada, đồng thời giới thiệu những công nghệ tiên tiến cho đất nước và thu hút đầu tư của Canada vào Việt Nam, quảng bá những giá trị Việt Nam tại Canada.
Cũng trong ngày 28.8, Đại sứ quán Việt Nam đã tổ chức lễ khai trương Phòng trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thời gian qua, Đại sứ quán đã thu thập được khoảng 200 cuốn sách và rất nhiều tranh ảnh về Bác Hồ, đặc biệt là những cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh của các tác giả Canada. Phòng trưng bày sẽ đóng góp vào việc giáo dục lòng yêu nước và hướng kiều bào về quê hương Việt Nam, hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Lễ kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2.9 tại Nam Phi
Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Pretoria, Nam Phi đã long trọng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hôm 1.9.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Hoàng Văn Lợi đã nêu bật ý nghĩa của Cách mạng tháng Tám - Quốc khánh 2.9 và chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc trong 75 năm qua, nhất là trong bối cảnh năm 2020 diễn ra nhiều sự kiện quan trọng. Trong đó có nỗ lực chuẩn bị công tác tổ chức Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Việt Nam đảm nhiệm vai trò kép Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đã phối hợp với các cơ quan liên quan của Nam Phi cũng như trong nước để tổ chức thành công 2 chuyến bay hồi hương cho công dân Việt Nam tại Nam Phi và một số nước châu Phi lân cận vào ngày 15.6 và 28.8.2020.
Doanh nghiệp Việt tại Nga vượt khó thời COVID-19
Bất chấp khó khăn, nhiều doanh nghiệp Việt tại Nga bằng nỗ lực đã ổn định tổ chức sản xuất, trả lương đầy đủ và đúng hạn cho nhân viên, đồng thời tham gia tích cực vào hoạt động phòng chống COVID-19. Cụ thể, vào thời điểm nước Nga ở giai đoạn đỉnh dịch COVID-19, Công ty Novostil hoạt động từ năm 2009, chủ yếu trong lĩnh vực may mặc, sản xuất từ 100.000-150.000 chiếc khẩu trang/ngày.
Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Novostil cũng như các doanh nghiệp sản xuất của người Việt tại Nga khác, đã gặp nhiều khó khăn như nguồn cung cấp nguyên vật liệu cả từ Việt Nam và Trung Quốc đều bị gián đoạn, thị trường tiêu thụ truyền thống bị thu hẹp.
Tuy nhiên, ông Đỗ Cảnh Hưng, Giám đốc Công ty Novostil, cho biết: “Phát huy truyền thống cần cù, không ngại khó, không ngại khổ của người Việt, Novostil đã nhận hợp đồng may khẩu trang, bộ quần áo bảo hộ y tế phục vụ đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp thiết của nước Nga”.
Qua đó, doanh nghiệp Việt thể hiện tinh thần vượt trở ngại, đồng hành và chia sẻ khó khăn cùng người dân Nga, cùng nước Nga, đồng thời nâng cao hình ảnh đẹp về cộng đồng doanh nghiệp Việt tại Nga.
Người gốc Việt trở thành lãnh đạo Cơ quan Di trú Mỹ
Luật sư gốc Việt Tony Pham vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE), thuộc Bộ An ninh Nội địa, chịu trách nhiệm về giam giữ, trục xuất người nhập cư và hoạt động chống tội phạm xuyên quốc gia.
Ông Tony Pham trở thành công dân Mỹ năm 1985, ông từng làm công tố viên ở bang Virginia 8 năm và là luật sư tại thành phố Richmond. Trước khi tham gia ICE dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, ông Tony Pham là lãnh đạo của Nhà tù Khu vực Bán đảo Virginia.
ICE là tâm điểm của vấn đề nhập cư tại Mỹ. Dù đã giảm thiểu các vụ bắt giữ và giảm đáng kể lượng người bị giam giữ trong đại dịch COVID-19, ICE tiếp tục là cơ quan chủ chốt trong nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm trấn áp tình trạng nhập cư trái phép.
Sách về Biển Đông của Việt Nam xuất bản ở Nhật
Cuốn sách “Hoàng Sa - Trường Sa: Luận cứ và Sự kiện” của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc vừa được chuyển ngữ sang tiếng Nhật để giới thiệu với bạn đọc đất nước mặt trời mọc. Tác giả của bản dịch này là Giáo sư Hashimoto Kazutaka, Đại học Kanto Gakuin, Nhật. Ông là một nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu xã hội học về xã hội Việt Nam.
Tại Nhật, Biển Đông là chủ đề được nhiều nhà khoa học thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu quan tâm từ nhiều góc độ, như khảo cổ học, luật học, chính trị học, lịch sử và quan hệ quốc tế. Cuốn sách được xuất bản 6.2020 với tựa đề mới: “Minami Shina Kai - Betonamu kara hatsugen”, tức “Biển Đông - Những phát ngôn từ phía Việt Nam”.
Qua cuốn sách, bạn đọc Nhật hiểu thêm cơ sở lịch sử, địa lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này, cũng như những gợi ý giải pháp giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông. Cuốn sách cũng góp một tiếng nói quốc tế để thúc đẩy giải quyết tranh chấp trên Biển Đông theo các chuẩn mực pháp lý của thế giới văn minh, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.