Doanh nhân gốc Việt Dao Jensen.
Người Viết bốn phương (số 683)
Thêm 2 bộ Kit test COVID-19 của Việt Nam được lưu hành ở châu Âu
Việt Nam chính thức công bố thêm 2 bộ kit phát hiện virus SARS-CoV-2 được cấp phép lưu hành rộng rãi tại châu Âu và có mặt trong danh sách sử dụng trong trường hợp khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong đó có bộ kit test nhanh chỉ trong 30 phút. Đó là 2 bộ kit: One-step RT-PCR COVID-19 kit Thai Duong và RT-Lamp COVID-19 kit Thai Duong do Công ty Cổ phần Sao Thái Dương phối hợp sản xuất.
Hai bộ kit này được kế thừa từ đề tài nghiên cứu chế tạo kit chẩn đoán SARS-CoV-2 của 2 nhóm các nhà khoa học tại Việt Nam đến từ Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm Y tế và Đại học Bách khoa Hà Nội. Thời gian qua, Sao Thái Dương đã hợp tác cùng 2 nhóm nghiên cứu để hoàn thiện sản phẩm, nhận chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất 2 bộ kit chẩn đoán virus SARS-CoV-2 để có thể thương mại hóa sản phẩm.
Người Việt ở Udon Thani tặng vật tư y tế trị giá 4.000 USD cho bệnh viện
Cộng đồng người Việt tỉnh Udon Thani, Thái Lan và các chư tăng Phật giáo An Nam Tông vừa trao tặng vật tư y tế trị giá 4.000 USD cho bệnh viện tỉnh này nhằm chia sẻ khó khăn trong cuộc chiến chống COVID-19, trang Vietnam+ dẫn lời ông Lương Xuân Hòa, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tỉnh Udon Thani.
Cảm ơn tấm lòng của bà con kiều bào và các vị chư tăng, lãnh đạo bệnh viện tỉnh Udon Thani khẳng định sẽ sử dụng hiệu quả món quà để giúp công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn đạt hiệu quả cao, đồng thời cho biết các đợt hỗ trợ trước đó đã giúp giảm bớt khó khăn cho bệnh viện trong thời gian dịch bùng phát tại Thái Lan.
3 ngày xét nghiệm: 12 người Việt tại Đức dương tính với COVID-19
12 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng người Việt ở Berlin của Đức mới đây cho thấy tình hình dịch vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Các trường hợp dương tính đã được bác sĩ gọi điện thông báo, hướng dẫn các biện pháp tự cách ly và yêu cầu họ thông báo cho những người đã tiếp xúc để họ đi xét nghiệm sàng lọc. Các bác sĩ cũng đồng thời thông báo danh sách người nhiễm bệnh cho cơ quan y tế địa phương để theo dõi và có biện pháp hỗ trợ khi cần.
Đến nay, số trường hợp xét nghiệm có kết quả dương tính trong bà con cộng đồng người Việt ở Berlin không nhiều. Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã ra văn bản khuyến cáo bà con người Việt ở đây tiếp tục tuân thủ nghiêm túc các quy định, khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh của Chính phủ Đức, lưu ý không tụ tập quá 2 gia đình; đeo khẩu trang khi vào cửa hàng và trên các phương tiện công cộng; giữ khoảng cách tiếp xúc tối thiểu 1,5 m. Trường hợp có nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với người nhiễm bệnh, bà con cần tự giác cách ly và liên hệ với các cơ sở y tế để được xét nghiệm và điều trị.
Nữ tiến sĩ Việt sử dụng công nghệ blockchain trong y tế điện tử
Giữa đại dịch COVID-19, Đại sứ quán của Thụy Sĩ và Úc tại Santiago (Chile) cùng Bộ Y tế nước này đã mời Tiến sĩ Quy Võ Reinhard của HIT Foundation, một công ty sử dụng công nghệ blockchain về dữ liệu sức khỏe cá nhân, nói chuyện về công nghệ blockchain trong quản lý dữ liệu chăm sóc sức khỏe. Tờ TGVN cho đây là một chiến lược dài hơi của Chile trong khuôn khổ Hợp tác toàn cầu về y tế điện tử giữa 23 quốc gia và WHO nhằm hỗ trợ việc thực thi các chiến lược về y tế điện tử, các phương pháp thực thi hiệu quả nhất để cải tiến chất lượng và phát triển bền vững.
Tại HIT Foundation ở Thụy Sĩ, Tiến sĩ Quy Võ Reinhard đảm nhiệm vai trò Giám đốc dữ liệu chịu trách nhiệm xây dựng kiến trúc, xác thực, xử lý, phân tích, khai thác dữ liệu thông tin chăm sóc sức khỏe như một tài sản cá nhân thông qua các phương tiện công nghệ. Thành công ở nước ngoài nhưng Tiến sĩ Quy Võ Reinhard luôn cố gắng đem những nghiên cứu và sáng tạo của mình để ứng dụng ở quê hương, thuyết phục các bệnh viện trong nước áp dụng công nghệ blockchain chăm sóc y tế cho người nghèo.
Người Việt đưa bữa ăn nóng đến bệnh viện ở Thung lũng Silicon
Các chủ nhà hàng người Việt tại Thung lũng Silicon, bang California của Mỹ, suốt 2 tháng qua đã hợp sức gửi hàng ngàn bữa ăn nóng hổi cho lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19. Theo trang San José Spotlight, sáng kiến này đến từ chị Phan Tiểu Vân, một tình nguyện viên phong trào quyên góp thiết bị bảo hộ y tế, khẩu trang, nước rửa tay, cho nhân viên tuyến đầu.
Sau khi lên tiếng vận động, chị Tiểu Vân nhận được trợ giúp từ nhiều chủ nhà hàng trong cộng đồng người Việt. Nhà hàng Phở Hà Nội đã cung cấp 4.000 phần phở nóng cho các nhân viên y tế. Các tiệm trà ở San Jose, như Vampire Penguin, Teahee và Kay’s Tea House, góp 2.000 phần nước uống... Các phần ăn và thức uống đã được chuyển đến Trung tâm y tế Kaiser Permanente, Trung tâm y tế khu vực, Trung tâm y tế Thung lũng Silicon, Bệnh viện O’Connor và nhiều nơi khác.
Nữ doanh nhân Việt, thành công trong điện toán đám mây
Được trao giải thưởng nữ lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc Women 2 Watch, doanh nhân gốc Việt Dao Jensen trở thành người phụ nữ thành công hiếm hoi trong lĩnh vực điện toán đám mây, vốn do nam giới thống lĩnh tại Thung lũng Silicon. 7 năm sau ngày thành lập, Công ty Kaizen Technology Partners (Kaizen TP) của bà Dao được nhiều tổ chức đánh giá nằm trong số các công ty dịch vụ công nghệ thông tin (IT) tăng trưởng nhanh nhất ở Mỹ. Dịch vụ điện toán đám mây của Kaizen TP giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả quy trình làm việc và quản lý.
Đáng chú ý nhất là công ty điện toán đám mây này 100% do phụ nữ sở hữu và lãnh đạo. “Chính sự khác biệt và đội ngũ vững mạnh là yếu tố quan trọng để khẳng định vị thế của Kaizen TP, phụ nữ nói chung và người gốc Việt nói riêng”, bà Dao nói với tờ Thanh Niên.
Người Việt ở Mỹ sưu tầm hơn 5.000 cổ vật Việt Nam
Ông Vũ Văn Lê, một người Mỹ gốc Việt sống tại bang Houston, Mỹ, đã sưu tầm được hơn 5.000 cổ vật về Việt Nam từ nhiều quốc gia trên thế giới, baoquocte.vn đưa tin. Sưu tầm cổ vật là một công việc không dễ dàng nhưng trong nhiều năm, ông Lê cùng gia đình sưu tầm được nhiều loại cổ vật, từ các vật dụng thời Đông Sơn, đồ đất nung thời Hán - Việt, gốm thời Lý - Trần - Lê... đến đồ sành, gốm, vật phẩm nghệ thuật ở miền Nam trước năm 1975.
Thế hệ trẻ Việt Nam chịu thiệt thòi vì chiến tranh đã làm thất lạc nhiều di sản văn hóa của dân tộc. Ông Lê, một người Việt đến Mỹ từ sau năm 1975 và làm việc trong ngành dầu khí, đã nghĩ đến 2 phương án: bộ sưu tập này sẽ được trưng bày trong bảo tàng tư nhân tại Mỹ hoặc trở về Việt Nam, với tư cách là tặng phẩm cho một đại học hay một viện nghiên cứu, sẽ góp phần giúp thế hệ trẻ trong và ngoài nước hiểu rõ hơn lịch sử văn hóa Việt Nam.