Ảnh: BNG
Người Việt bốn phương (Số 676)
Việt Nam theo dõi sát tình hình phức tạp ở Biển Đông
Tình hình đang diễn biến phức tạp ở vùng biển của một số nước ASEAN. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam, quốc gia ở Biển Đông và là thành viên ASEAN, đã luôn quan tâm, theo dõi sát tình hình. Việt Nam chân thành mong muốn quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia phù hợp với Công ước của Liên hiệp Quốc về Luật Biển 1982 được tôn trọng; các bên liên quan phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hiệp Quốc về Luật Biển 1982, thể hiện cam kết phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông, khu vực và trên thế giới.
Việt Nam đã liên tiếp gửi các công hàm lên Tổng Thư ký Liên hiệp Quốc để phản hồi công hàm của các nước Malaysia, Philippines về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Việt Nam nhấn mạnh lập trường, có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng Biển Đông, phù hợp với Công ước Luật Biển 1982.
Công dân Việt ở Indonesia trong diện về nước cần di chuyển đến Jakarta
Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia khuyến cáo công dân Việt Nam trong diện được về nước cân nhắc sớm di chuyển về khu vực thủ đô Jakarta, nơi có sân bay quốc tế Soekarno - Hatta. Cụ thể, công dân Việt Nam tại Indonesia về nước vì lý do đặc biệt cần thiết sẽ xuất phát từ sân bay Soekarno - Hatta đến sân bay Tân Sơn Nhất vào cuối tháng 4. Trước đó, Chính phủ Indonesia đã ra thông báo liên quan đến việc cấm đi lại đối với khu vực xung quanh thủ đô Jakarta (bao gồm nội đô Jakarta - Bogor - Depok - Tangerang - Bekasi) kể từ ngày 24.4.
Đại sứ quán Việt Nam cũng lưu ý công dân cần tuân thủ các quy định về xuất nhập cảnh cũng như y tế của phía Indonesia. Thứ nhất là về xuất nhập cảnh. Công dân cần có hộ chiếu hợp lệ để về nước. Đối với các trường hợp công dân nhập cảnh sau ngày 5.2, phía Indonesia không yêu cầu phải gia hạn tạm trú cũng như không phạt đối với những trường hợp cư trú quá hạn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thứ 2 là về y tế. Đại sứ quán đề nghị công dân đảm bảo sức khỏe khi di chuyển lên Jakarta. Những người có triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 có thể sẽ không được phía Indonesia cho xuất cảnh.
Kiều bào tích cực hỗ trợ ngành dịch vụ y tế công của Anh
Đại dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng đã và đang khiến ngành dịch vụ y tế công của Anh (NHS) đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng thiết bị bảo hộ y tế như găng tay, khẩu trang, hay áo khoác, theo TTXVN. Trước tình hình trên, Hội người Việt Nam tại Anh đã phát động phong trào hỗ trợ NHS, kêu gọi doanh nghiệp, cá nhân trong cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại Anh quyên tặng găng tay, khẩu trang để hỗ trợ nhân viên y tế Anh trong tuyến đầu chống dịch.
Đến nay, Hội người Việt Nam tại Anh đã quyên góp mua 1.100 bộ quần áo bảo hộ và 2.500 chiếc khẩu trang, dự kiến sẽ xuất phát từ Việt Nam và sang đến Anh trong tuần tới. Trước đó, Hội cũng đã tặng 50 thùng găng tay và khẩu trang do bà con cộng đồng quyên góp cho NHS. Hội người Việt Nam cũng đã lập đường dây trực điện thoại để hỗ trợ bà con khi cần liên lạc với NHS không phân biệt lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, có hay không có giấy tờ.
Người Việt ở Úc phát triển mạnh các hoạt động cộng đồng
Đại dịch COVID-19 đang gây ra các tác động tiêu cực tới đời sống của cộng đồng người Việt tại Úc. Trong bối cảnh đó, với tinh thần “lá lành đùm lá rách,” các phong trào hỗ trợ cộng đồng Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh, tờ Quê Hương đưa tin.
Tại thành phố Melbourne, bang Victoria, quản trị viên Nguyễn Đức Quyết và các thành viên của Nhóm “VSM - Cộng đồng Du học sinh Melbourne - Giúp đỡ lẫn nhau” đã tổ chức quyên góp được gần 10.000AUD (tương đương 6.000USD), triển khai mua và trao các món quà “3kg thịt” cho một đơn đăng ký nhận hỗ trợ, giao tận nhà miễn phí. Chị Diem Kieu, nhóm “VSM - Cộng đồng Du học sinh Melbourne - Giúp đỡ lẫn nhau” chỉ là 2 trong số những mạnh thường quân đang thực hiện công tác hỗ trợ cộng đồng tại Úc. Trong suốt gần 1 tháng nay, phong trào người Việt giúp đỡ nhau đã lan rộng trên hầu hết các tiểu bang lớn của Úc.
“Tương thân, tương ái” trong cộng đồng người Việt ở Thái Lan
Trong bối cảnh khó khăn chung, chịu nhiều tác động của dịch bệnh, các hội đoàn người Việt ở Thái Lan đã phát động nhiều chương trình chung tay với quê hương đánh giặc COVID-19, thực hiện các hoạt động thiện nguyện, quyên góp để thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ người dân các vùng tâm điểm dịch bệnh ở trong nước.
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra cuộc khủng hoảng di chuyển của các dòng người, đặc biệt đối với tầng lớp công nhân lao động từ Thái Lan trở về Việt Nam. Tại cửa khẩu số 3 tỉnh Nakhon Phanom, nơi tập trung lớn nhất lao động Việt Nam về Việt Nam theo đường bộ, giai đoạn cao điểm ước tính mỗi ngày có vài trăm người thông quan.
Hội người Việt Nam tại tỉnh Nakhon Phanom đã có những hành động thiết thực hỗ trợ người lao động nhập cư, hỗ trợ lao động người Việt hoàn thành các thủ tục giấy tờ, tặng quà cho người lao động Việt tạm thời bị kẹt lại ở cửa khẩu. Hội cũng trao tặng các cơ quan, tổ chức trong và ngoài tỉnh thiết bị dụng cụ y tế, thuốc sát trùng, khẩu trang... nhằm góp phần ngăn chặn dịch bệnh.
Thái Lan là một trong những nước có lượng lao động Việt Nam theo thời vụ lớn nhất Đông Nam Á, ước tính khoảng gần 100.000 người đi theo dạng miễn thị thực 30 ngày sử dụng hộ chiếu phổ thông.