Ảnh: TTXVN
Người Việt bốn phương (số 663)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm kiều bào ở Kazan
Tại cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Nhà hữu nghị các dân tộc Tatarstan ở Kazan, Cộng hòa Tatarstan, Liên bang Nga, một số kiều bào đã bày tỏ mong muốn công tác dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ người Việt sinh sống ở nước ngoài chuyên nghiệp hơn, tạo gắn kết với quê hương đất nước, duy trì bản sắc văn hóa Việt Nam. Tại Kazan, Hội người Việt Nam đoàn kết được đăng ký thành lập ngày 26.4.2002 tại Bộ Tư pháp Liên bang Nga, đăng ký hoạt động ngày 12.5.2002 tại Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga với mục đích đại diện bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người Việt Nam tại Kazan, Tatarstan.
Về những kiến nghị của kiều bào, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc dạy tiếng Việt cho con em là việc làm rất cần thiết, nên đã đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Nga ghi nhận để phản ánh với các cơ quan hữu quan trong nước. Chủ tịch cho biết khi Đoàn về nước sẽ đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung duy trì công tác dạy tiếng Việt cho con em mình tốt hơn nữa. Theo Chủ tịch Quốc hội, nguyện vọng của lưu học sinh khi tốt nghiệp về nước làm việc là chính đáng.
Bí thư Thành ủy TP.HCM gặp gỡ đại diện kiều bào tại Úc
Tại buổi gặp, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, đã chia sẻ mục đích của chuyến công tác là để thảo luận cơ hội hợp tác giữa thành phố với các đối tác của Úc trong 4 lĩnh vực, bao gồm: đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch, khách sạn; tìm kiếm đối tác để phối hợp đánh giá thực trạng và đưa ra các đề xuất đối với ngành chế biến thực phẩm của thành phố; quản lý đô thị và kết nối các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của hai bên.
Cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại Úc ngày càng có nhiều thành công, bên cạnh việc tích cực đóng góp cho nước sở tại, bà con vẫn luôn hướng về quê nhà, trở thành cầu nối quan trọng, khuyến khích quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ. Theo VOV, kiều bào phấn khởi trước sự phát triển mạnh mẽ của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, đồng thời mong muốn chung tay đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam. Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Úc, cho rằng, cộng đồng người Việt ở nước ngoài đang ngày càng lớn mạnh, nếu tổ chức Đại hội Kiều bào toàn thế giới tại TP.HCM sẽ quy tụ bà con kiều bào, đóng góp xây dựng, phát triển kinh tế đất nước.
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ 2
Việc Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ 2, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, cho đây là ghi nhận xứng đáng của Đảng và Nhà nước đối với những nỗ lực, những thành tựu đáng tự hào mà Ủy ban đã đạt được trên chặng đường 60 năm qua.
Từ một hội liên ngành với vai trò chủ yếu là đón tiếp và ổn định cuộc sống của kiều bào hồi hương, đến nay, Ủy ban đã trở thành một cơ quan quan trọng của Bộ Ngoại giao, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước và tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị, thời gian tới, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục được đổi mới cả về tư duy, phương pháp và cách thức thực hiện trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ trương lớn về đại đoàn kết dân tộc của Đảng. Ủy ban cần đẩy mạnh xây dựng cơ chế chính sách về người Việt Nam ở nước ngoài, thường xuyên nghiên cứu tiềm năng, thế mạnh của kiều bào, từ đó đề xuất tham mưu, bổ sung sửa đổi các chính sách liên quan nhằm vừa xây dựng tốt khối đại đoàn kết dân tộc vừa huy động hiệu quả nguồn lực to lớn có hiệu quả phục vụ cho đất nước.
Việt Nam ra mắt ứng dụng Lịch Trường Sa trên nền tảng số
Ứng dụng Lịch Trường Sa trên nền tảng Apps Store và Google Play đã chính thức được ra mắt và đang lan tỏa những hình ảnh đẹp về biển đảo Tổ quốc một cách nhanh hơn, chính xác hơn và rộng rãi hơn tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng như bạn bè quốc tế.
Ứng dụng Lịch Trường Sa ngoài những chức năng cơ bản như thông báo ngày, tháng, năm, thời tiết, ngày lễ, tết, tạo lịch hẹn, ghi chú..., còn là một ứng dụng đặc biệt mang đậm dấu ấn của biển đảo Việt Nam. Ứng dụng lịch này được thể hiện bằng những hình ảnh của vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam do các cá nhân trong nước, bà con kiều bào chụp trong các chuyến thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1. Trên nền những hình ảnh đó là thông tin về các đảo, ngày lễ kỷ niệm, khu vực thềm lục địa, lực lượng chấp pháp trên biển, khái niệm theo Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982... Ngoài ra, những câu chuyện, bài thơ, ca khúc về biển, đảo, những người lính hải quân cũng được cập nhật nhằm mang đến cho người dùng những trải nghiệm mới mẻ, đồng thời có thêm hiểu biết về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Chính quyền tỉnh Kampong Chhnang bác tin người Việt mua đất, đe dọa chủ quyền của Campuchia
Xung quanh việc chính quyền tỉnh Kampong Chhnang (Campuchia) thực hiện kế hoạch di dời cư dân khỏi khu vực Biển Hồ, trong đó có những người gốc Việt, đã xuất hiện nhiều thông tin trái chiều, trong đó có ý kiến cho rằng những người Việt Nam bị chính quyền di dời khỏi khu vực Biển Hồ mua đất của Campuchia vừa qua là do họ đe dọa an ninh và chủ quyền của Campuchia. Ông Sun-Sovannarith, Phó Tỉnh trưởng, kiêm Chủ tịch Ủy ban di dời nhà nổi trên Biển Hồ lên đất liền tỉnh Kampong Chhnang, khẳng định với VOV: Đây là những thông tin bịa đặt, nhằm gây bất ổn tại Campuchia, cũng như gây phương hại đến mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Campuchia - Việt Nam.
Theo chính quyền tỉnh Kampong Chhnang, trên khu vực Biển Hồ có khoảng trên 4.000 hộ gia đình là người Campuchia, người Chăm và người gốc Việt sinh sống. Trong đó, tổng số người Campuchia và người Chăm nhiều hơn số người gốc Việt. Việc di dời các hộ gia đình này đã được Campuchia tính toán từ lâu, trong đó chính quyền nước này cũng có những cuộc tiếp xúc và làm việc với phía Việt Nam để tăng cường phối hợp giải quyết về mặt hành chính, giấy tờ cho người gốc Việt