Ảnh: thoidai.com.vn

 
Vân Nguyễn Thứ Sáu | 01/11/2019 16:18

Người Việt bốn phương (số 656)

Câu Lạc bộ Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia tổ chức cuộc thi "Duyên dáng áo dài" tôn vinh sắc đẹp, tài năng của những phụ nữ Việt Nam tại đây.

20 thí sinh thi “Duyên dáng áo dài” tại Malaysia 

Cuộc thi do Câu Lạc bộ Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia tổ chức nhằm tôn vinh sắc đẹp, tài năng của những phụ nữ Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Malaysia. Cuộc thi đã tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu trong cộng đồng người Việt Nam, nhân Kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20.10.1930 - 20.10.2019), Kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Câu Lạc bộ phụ nữ Việt Nam và 3 năm Lớp dạy Tiếng Việt đầu tiên được khai giảng tại Malaysia. Đối tượng tham gia là các nữ công dân Việt Nam hoặc bố hoặc mẹ là công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc hợp pháp tại Malaysia. Chương trình đặc biệt khuyến khích các thành viên của Câu Lạc bộ Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia.

Ban tổ chức đã trao 2 giải Nhất, 2 giải Nhì và 2 giải Ba cho các thí sinh thuộc 2 độ tuổi trên và dưới 30. Theo bà Trần Thu Chang, Phó Trưởng Ban Liên lạc người Việt Nam tại Malaysia, Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia, “Duyên dáng áo dài” lần đầu tiên được tổ chức tại Malaysia, đã  nhận được sự giúp đỡ quý báu của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, Viện tim Quốc gia Malaysia, các doanh nghiệp Việt Nam và Malaysia cùng sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia.

Lễ hội của các thực tập sinh và kỹ sư Việt Nam tại Nhật

 

Lễ hội này là cơ hội tốt để lao động Việt Nam hiểu hơn về phong tục tập quán và văn hóa truyền thống cũng như các đồng nghiệp Nhật, qua đó góp phần nâng cao sự hiểu biết giữa người dân hai nước. Tờ Thế giới và Việt Nam dẫn lời ông Takeshi Ikai, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Ikai Group, tập đoàn tổ chức lễ hội này để tăng cường sự gắn kết giữa các thực tập sinh, kỹ sư Việt Nam với các đồng nghiệp Nhật. Ông cảm ơn các lao động Việt Nam vì những đóng góp của họ cho sự phát triển của Tập đoàn trong thời gian qua.

Được thành lập năm 1970, Ikai Group là tập đoàn đa ngành, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ cơ khí, điện, điện tử cho đến dược phẩm và hóa chất công nghiệp. Ikai Group bắt đầu tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam từ năm 2015. Hiện nay, có 236 thực tập sinh và 16 kỹ sư Việt Nam đang làm việc tại các công ty con thuộc tập đoàn này.

Kỷ niệm 1 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại Hàn Quốc

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở Hàn Quốc đã rất hào hứng với kỷ niệm một năm ngày thành lập Hội. Trang baoquocte.vn dẫn lời Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở Hàn Quốc, bà Mai Thị Hồng Ngọc, cho biết, hầu hết các cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc đều phải trải qua những cú sốc văn hóa ở bản địa với khác biệt về ngôn ngữ, lối sống, ứng xử và thức ăn. Nhiều chị em còn tâm tư về khoảng cách văn hóa và nạn bạo hành phụ nữ, nhưng nhờ công tác tuyên truyền mạnh mẽ thời gian qua cùng với sự giúp đỡ của chính quyền, các tổ chức xã hội và Đại sứ quán, cuộc sống của các cô dâu Việt đã ổn định hơn.

 

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở Hàn Quốc, để có thể hòa nhập thành công vào nước sở tại, những phụ nữ Việt luôn phải tự tin, vượt qua giới hạn của bản thân, tích cực học hỏi và có ý thức phấn đấu. Đó là lý do mà bà luôn khuyến khích chị em trong cộng đồng quan tâm đến những khóa học như “phát triển bản thân”, “nói tiếng bản địa thành thạo” hay “trở thành thành viên của đội hỗ trợ nhân quyền phụ nữ”... Bà cũng động viên các chị em tôn trọng pháp luật sở tại và có ý thức “nhập gia tùy tục” thì sẽ hóa giải được những trở ngại của chính mình.

Người Mỹ gốc Việt nhận giải thưởng của SASE

Tiến sĩ Khanh Pham (48 tuổi), người Mỹ gốc Việt, được Hiệp hội Các nhà khoa học và kỹ sư châu Á (SASE) trao giải thưởng Chuyên môn năm 2019 vì có nhiều đóng góp cho không quân Mỹ lẫn cộng đồng kỹ sư/khoa học, theo website của Căn cứ không quân Kirtland ở bang New Mexico. Đây không phải là lần đầu tiên, Tiến sĩ Pham nhận giải thưởng của SASE. Hồi tháng 10.2018, ông đã được SASE trao giải thưởng lãnh đạo trong phần kỹ sư/nhà khoa học của năm thuộc lĩnh vực của ông. Khanh Pham là người Mỹ gốc Việt đầu tiên nhận được giải thưởng từ SASE kể từ khi tổ chức này ra đời vào năm 2007 nhằm hỗ trợ các nhà khoa học và kỹ sư gốc Á đạt được những tiềm năng của họ.

Tiến sĩ Pham nắm giữ 20 bằng sáng chế cho công việc của ông, theo thông cáo từ Ủy ban Giải thưởng Arthur S.Flemming. “Nhờ vào các kỹ năng nghiên cứu rất tốt của mình, ông Pham được xem là một nhân vật thành công hàng đầu trong không quân Mỹ”, thông cáo viết. Ông Khanh Pham hiện là kỹ sư kỳ cựu về không gian vũ trụ của Phòng Thí nghiệm nghiên cứu không quân (AFRL) thuộc Căn cứ không quân Kirtland sau khi gia nhập phòng thí nghiệm này từ năm 2004.

"Bí ẩn chim Phượng" của Nhà thiết kế Minh Hạnh trình diễn tại Nga   

 

Nhà thiết kế Minh Hạnh đã mang tới Liên bang Nga những mẫu thiết kế dựa trên chất liệu thổ cẩm của dân tộc Tà Ôi và tơ lụa Việt Nam. Tại Cung điện Lớn thuộc Khu Bảo tồn - bảo tàng Tsarisino, 70 mẫu thiết kế hấp dẫn người xem hơn với sự trình diễn điêu luyện của các người mẫu Nga và Việt Nam, cùng nền nhạc dân tộc gồm đàn bầu, đàn tì bà của nghệ sĩ Nghiêm Thị Thu. Đặc biệt hơn, ban tổ chức đã mời một nghệ nhân người Việt trực tiếp sang Nga để biểu diễn cách dệt vải thổ cẩm. Khách tham dự được chứng kiến tận mắt sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ khi dệt nên những tấm vải thổ cẩm với những hoa văn độc đáo của dân tộc Tà Ôi.

Đây là lần thứ 3, nhà thiết kế Minh Hạnh giới thiệu các tác phẩm của mình tại Nga. Theo bà Hạnh, cần đẩy mạnh sự trao đổi văn hóa giữa Nga và Việt Nam để từ đó những giá trị khác sẽ được tiếp nối. Qua những buổi trình diễn thời trang, tơ lụa Việt Nam chắc chắn sẽ có mặt tại thị trường Nga trong tương lai gần.

►Người Việt bốn phương (số 655)

Người Việt bốn phương (số 654)

Người Việt bốn phương (số 647)