Ảnh: quehuongonline.vn

 
Vân Nguyễn Thứ Hai | 28/10/2019 22:09

Người Việt bốn phương (số 655)

Ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, cho biết, nguồn lực của doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào đang hướng về đất nước.

Lời cảm ơn kiều bào từ Quần đảo Trường Sa

Lữ đoàn 146 thuộc Quân chủng Hải quân Việt Nam, đơn vị bảo vệ chủ quyền Quần đảo Trường Sa, đã gửi thư cảm ơn tới Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới, về những tình cảm, sự quan tâm sâu sắc dành cho quân dân Trường Sa.

Trong thư, các cán bộ và chiến sĩ Lữ đoàn 146 ghi nhận tình cảm của kiều bào trong những năm qua dành cho quân và dân trên đảo Trường Sa. “Chúng tôi xin hứa dù trong điều kiện hoàn cảnh khó khăn nào cũng đoàn kết, chủ động, khắc phục khó khăn, kiên quyết, kiên trì, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Trường Sa, góp phần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, cho đất nước mình cường thịnh, cho mọi nhà được yên vui, xây dựng Quần đảo Trường Sa “mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”, xứng đáng với tình cảm, niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài dành cho chúng tôi”, các cán bộ, chiến sĩ khẳng định trong bức thư.

 

Năm 2019, kiều hối về Việt Nam có thể đạt 5 tỉ USD

Ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, cho biết, nguồn lực của doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào đang hướng mạnh về đất nước. Trong 9 tháng đầu năm 2019, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM thông qua các ngân hàng thương mại và các tổ chức kinh tế, ước đạt 3,8 tỉ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018. Dự kiến, cả năm kiều hối đạt khoảng 5 tỉ USD. Lượng kiều hối về TP.HCM chủ yếu chảy vào sản xuất kinh doanh, thay vì đầu tư bất động sản, chứng khoán và gửi tiết kiệm.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối về Việt Nam tăng liên tục và vào top 10 thế giới. Theo đó, năm 2018 lượng kiều hối về Việt Nam đạt gần 16 tỉ USD, trước đó, năm 2017 là 13,8 tỉ USD, năm 2016 là 11,88 tỉ USD. Dự báo trong năm nay, lượng kiều hối sẽ tiếp tục chảy mạnh về Việt Nam bất chấp những biến động của kinh tế thế giới. 

Bão Hagibis đổ bộ vào Nhật: Một người Việt mất tích

Do ảnh hưởng của cơn bão Hagibis, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật hôm 13.10 đã cứu trợ tàu chở hàng của Panama mang số hiệu JIA DE, bị đắm tại khu vực cảng Tokyo thuộc quận Nagasaki. Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật đã cứu được 4 thuyền viên là người nước ngoài, nhưng chưa tìm thấy những người còn lại, trong đó có 1 thuyền viên là người Việt Nam.

Theo Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật đã hướng dẫn lánh nạn cho nhóm 7 khách du lịch Việt Nam tại Tokyo và nhóm 9 tu nghiệp sinh Việt Nam bị kẹt ở khu vực Fukushima, đã được cơ quan địa phương giải cứu an toàn. Sứ quán đã đề nghị công ty phái cử lao động hỗ trợ giải quyết các thủ tục liên quan đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Bộ Ngoại giao cho biết, đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình, thường xuyên giữ liên hệ với các cơ quan chức năng Nhật để cập nhật thông tin, phối hợp tìm kiếm công dân Việt Nam đang bị mất tích và triển khai các biện pháp cần thiết đảm bảo an toàn cho công dân Việt Nam tại Nhật.

FAVIJA KANSAI CUP 2019 thu hút gần 1.000 cổ động viên người Việt

Giải đấu do Hiệp hội bóng đá người Việt Nam tại Nhật (Favija) tổ chức tại Khu liên hiệp thể thao quốc gia Nhật - J Green Sakai tại thành phố Osaka, với sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật, được tổ chức ngay khi siêu bão Hagibis vừa đi qua, tờ Thế giới & Việt Nam đưa tin. Cúp vô địch năm nay đã được trao cho đội bóng FC Kazoku, Á quân giải đấu thuộc về đội FC NTO, 2 đội đồng hạng 3 là đội Hữu FC và Thanh Hóa Osaka FC.

 

Chủ tịch Favija Đỗ Quang Ba cho biết 4 đội đạt thứ hạng cao nhất tại giải bóng đá vùng Kansai lần này sẽ tham dự Đại hội bóng đá người Việt trên toàn nước Nhật diễn ra vào cuối tháng 11 tới. Theo ông, mong muốn của Favija là thông qua những giải đấu bóng đá có thể giúp cộng đồng người Việt Nam tại Nhật xích lại gần nhau, đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn nơi đất khách quê người.

Ngôn ngữ, văn hóa Việt chính thức được dạy tại Đại học Montpellier

Lần đầu tiên tại vùng Occitanie miền Nam nước Pháp, văn bằng đại học về Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam vừa chính thức được đưa vào giảng dạy, theo Đài Tiếng nói Việt Nam tại Pháp. Hiện có khoảng 20 học viên Pháp đăng ký tham gia khóa học đầu tiên của văn bằng Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam. Thời gian của khóa học sẽ kéo dài trong 1 năm, sau đó dự kiến được nâng lên thành 2 năm. Trong năm thứ 2, các học viên Pháp sẽ có cơ hội đến thực tập, làm việc trong môi trường Việt Nam để đạt được hiệu quả đào tạo cao nhất.

 

Người đặt nền móng cho sự ra đời của văn bằng đại học về Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam là nhà sử học Pierre Journoud, Giáo sư trường Paul-Valéry Montpellier 3. Chương trình được kỳ vọng góp phần đào tạo ra một thế hệ các nhà nghiên cứu trẻ của Pháp về Việt Nam. Đến nay, tiếng Việt mới được giảng dạy trong một số học viện nghiên cứu hoặc trường đại học ở các thành phố lớn như Paris và Bordeaux.Đây là một bước phát triển mới của sự hợp tác giữa Đại học Paul-Valéry Montpellier 3 và Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đêm nhạc kỷ niệm 10 năm nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ nhận giải thưởng Patrimoenia

Đêm nhạc kỷ niệm 10 năm nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ (94 tuổi) được trao giải thưởng văn hóa di sản Patrimoenia năm 2009 đã diễn ra tại Maison du General G.H. Dufour, Geneva thuộc Thụy Sĩ, với sự tham gia của nghệ sĩ dương cầm Marie-Anouch Sarkissain và nghệ sĩ vĩ cầm Ken Lila Ashanti. Tại đêm nhạc, bản Sonata số 5 và số 8 của nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ được 2 nghệ sĩ Marie-Anouch Sarkissain và Ken Lila Ashanti thể hiện đã để lại ấn tượng sâu sắc cho khán thính giả, nhất là những người Thụy Sĩ đam mê âm nhạc.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ đã được trao giải thưởng Patrimoenia vào năm 2009 của quỹ Patrimoine & Gestion SA có trụ sở tại Thụy Sĩ, hàng năm vinh danh những người có công đóng góp cho việc bảo vệ và sáng tạo văn hóa cho nhân loại. Ông là nhạc sĩ Việt Nam được tham gia Hội Bảo vệ Quyền Tác giả Quốc tế và đã sáng tác 9 bản Sonata soạn cho vĩ cầm và dương cầm.