Ảnh: Baoquocte.vn
Người Việt bốn phương (số 654)
70 năm Trường thực nghiệm số 14 ở Mông Cổ mang tên Hồ Chí Minh
Trường Thực nghiệm số 14 là biểu tượng sinh động của mối quan hệ thủy chung Việt Nam - Mông Cổ trong suốt 65 năm qua, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao của hai nước. Tờ quocte.vn dẫn lời Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ, bà Đoàn Thị Hương, trường Thực nghiệm số 14 đã trở thành sợi dây kết nối nhân dân hai nước. Tình cảm thầy trò của trường được gửi gắm qua các trang viết, những bức tranh và các bài hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước Việt Nam đã làm xúc động bao con tim của người dân Việt Nam và lan tỏa tình yêu thương giữa hai đất nước Việt Nam và Mông Cổ.
Trường số 14 vinh dự có tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trong khuôn viên và có Phòng Truyền thống Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là điều kiện thuận lợi giúp học sinh của trường được học tập, tìm hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước, con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Mông Cổ.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thăm đại diện kiều bào ở Bulgaria
Phó Thủ tướng biểu dương cộng đồng người Việt Nam tại Bulgaria có tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, chan hòa với nhân dân nước bạn, có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp cho quê hương đất nước động viên bà con có nhiều hoạt động hướng về Tổ quốc, trở thành cầu nối cho mối quan hệ hữu nghị hai nước, tờ Thế giới và Việt Nam đưa tin.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Bulgaria, ông Đoàn Tuấn Linh, cộng đồng người Việt tại Bulgaria phần lớn có cuộc sống tương đối ổn định và hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng, kinh doanh hàng may mặc, thủ công mỹ nghệ hoặc nông phẩm. Cạnh đó, sự hiểu biết sâu về nước sở tại của cộng đồng sinh viên, lao động xuất khẩu người Việt đã góp phần đáng kể trong việc tạo quan hệ tốt với chính quyền Bulgaria.
Tuy nhiên, những năm gần đây, cộng đồng người Việt tại Bulgaria có xu hướng giảm do kinh tế nước sở tại tăng trưởng chậm, công ăn việc làm gặp khó khăn khiến một số kiều bào về Việt Nam sinh sống hoặc đi nước thứ 3, một số thanh niên, sinh viên thế hệ người Việt thứ 2 đi du học nước ngoài, sau khi tốt nghiệp đa phần ở lại làm việc, chủ yếu ở các nước Tây Âu và Mỹ.
Gunma cam kết tạo điều kiện tốt cho người Việt sinh sống, học tập
Thống đốc tỉnh Ichita Yamamoto (Nhật), ông Yamamoto, tại buổi tiếp Đại sứ Việt Nam tại Nhật, ông Vũ Hồng Nam, đã cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho người Việt Nam sinh sống và học tập tại Gunma. TTXVN dẫn lời ông Yamamoto, người nước ngoài nói chung và cộng đồng người Việt Nam nói riêng đã trở thành một bộ phận quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gunma. Chính quyền tỉnh luôn coi trọng vấn đề làm thế nào để người Việt Nam cùng với những người nước ngoài khác có thể sinh sống và học tập một cách thoải mái ở tỉnh này.
Tỉnh Gunma, miền Trung Nhật, nằm cách thủ đô Tokyo khoảng 135km về phía Tây Bắc. Theo ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật dự định sẽ thành lập Hội Người Việt Nam tại tỉnh Gunma để hỗ trợ người Việt gặp khó khăn, đồng thời hỗ trợ chính quyền tỉnh trong việc quản lý người Việt ở đây.
Người Việt quan tâm tới chuyển giao công nghệ giữa vương quốc Anh và Việt Nam
Chương trình Chuyển giao công nghệ chiến lược (KTP) của Vương quốc Anh do quyền Chủ tịch Hội Cựu sinh viên Việt Nam tại Đại học Oxford, tiến sĩ Nguyễn Thảo Nguyên trình bày tại Diễn đàn trao đổi giữa đoàn doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam và trí thức trẻ tại Anh. Sự kiện được tổ chức tại Đại học Oxford, thu hút đông đảo sự quan tâm của cộng đồng người Việt. Trang Vietnam+ cho đây là mô hình kết nối giữa nghiên cứu khoa học ứng dụng và các doanh nghiệp được nhiều doanh nghiệp của Anh sử dụng với sự hỗ trợ của Chính phủ Anh.
Chủ tịch Việt Nam - UK Network, ông Warwick Morris, cho biết, trong năm nay, Việt Nam - UK Network đẩy mạnh hoạt động quảng bá, kết nối giữa các doanh nghiệp Anh với Việt Nam và đã nhận được những kết quả ban đầu rất tích cực. Hiện nay, Anh đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp khởi nghiệp, những người được cho là đi đầu trong hoạt động đổi mới, sáng tạo. Chính phủ đã có rất nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp cũng như thu hút những người trẻ tài năng khắp thế giới đến Anh khởi nghiệp.
4 yếu tố quyết định việc học tiếng Việt ở Nga
Thực trạng thế hệ trẻ người Việt ở Liên bang Nga không nắm vững tiếng mẹ đẻ đang ở mức đáng lo ngại. Theo TTXVN, trên toàn lãnh thổ Liên bang Nga, hiện chỉ có 2 thành phố Ekaterinburg và Kazan có lớp học tiếng Việt chính thức dành cho kiều bào, do Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Ekaterinburg và Hội người Việt tại 2 thành phố này tổ chức.
Theo ông Đàm Danh Lam, Chủ tịch Hội người Việt tại Kazan, cộng đồng người Việt ở Nga có nhu cầu học tiếng Việt, nhưng không phải tỉnh, thành phố nào cũng tổ chức được. Kazan, một trong số ít thành phố trên toàn nước Nga duy trì được 2 lớp dạy tiếng Việt cho con em trong cộng đồng suốt 3 năm qua. Tuy nhiên, số lượng học sinh theo học vẫn quá ít, chỉ khoảng 15 em/lớp.
Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh cho rằng để việc học tiếng Việt trở thành phong trào sâu rộng trong cộng đồng người Việt Nam tại Nga cần áp dụng đồng bộ 4 giải pháp.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của phụ huynh và giới trẻ về tầm quan trọng, lợi ích của việc học tiếng Việt. Chừng nào các phụ huynh chưa ý thức được sự cần thiết phải dạy tiếng Việt cho con của mình, thì mọi nỗ lực đều không đạt được kết quả như mong muốn.
Thứ 2, khảo sát nhu cầu học tiếng Việt ở từng tỉnh, thành phố. Nước Nga rộng lớn, trong khi người Việt sống rải rác ở nhiều thành phố khác nhau. Ngay ở Moskva, nơi tập trung đông người Việt nhất, nếu không khảo sát kỹ lưỡng mà mở lớp theo cảm tính thì khả năng thành công không cao.
Thứ 3, tài liệu dạy và học tiếng Việt. Để phổ biến tới cộng đồng, Đại sứ quán sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng ở trong nước, đặc biệt là với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài để nhận được những tài liệu liên quan, các chương trình giảng dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài. Thứ 4, kêu gọi các hội, đoàn và mạnh thường quân tham gia vào việc thúc đẩy phong trào học tiếng Việt. Đại sứ hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, sự ủng hộ của các bên liên quan, thế hệ trẻ người Việt Nam sinh ra và lớn lên tại Nga sẽ nắm vững được tiếng mẹ đẻ, qua đó trở thành cầu nối vững chắc giúp mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga.
►Người Việt bốn phương (số 647)