Ảnh: dangcongsan.vn
Người Việt bốn phương (số 643)
Việt Nam: Di cư hợp pháp là biện pháp hữu hiệu nhất
Tại Hội nghị quan chức cao cấp lần thứ 14 Nhóm Công tác của Tiến trình Bali về phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Tô Anh Dũng, cho biết, Việt Nam lấy phòng ngừa làm yếu tố nền tảng và coi thúc đẩy di cư hợp pháp là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn di cư trái phép, hợp tác quốc tế thông qua việc tham gia tích cực vào các tiến trình khu vực và thế giới là một phần tất yếu để tạo nên sức mạnh toàn diện nhằm đẩy lùi nạn di cư trái phép và mua bán người.
Tại Hội nghị lần này, Việt Nam đề xuất Tiến trình Bali nên cân nhắc đưa các biện pháp thúc đẩy di cư an toàn, hợp pháp vào chiến lược hợp tác trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa vai trò và thúc đẩy sự kết nối của Tiến trình Bali trong các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu nhất là trong bối cảnh Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự được Liên hiệp Quốc thông qua vào tháng 12.2018. Điều này sẽ góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 của Liên hiệp Quốc vì sự phát triển bền vững.
Việt Nam - Campuchia: Phối hợp để ổn định địa vị pháp lý cho người gốc Việt
Tại “Tham khảo chính trị Việt Nam - Campuchia” lần thứ 6, Việt Nam khẳng định tiếp tục ưu tiên hợp tác giáo dục, đào nguồn nhân lực chất lượng cao cho Campuchia theo các thỏa thuận, hiệp định đã ký kết, theo Thế giới & Việt Nam. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy đà tích cực hiện nay trong công tác phân giới cắm mốc trên bộ, phấn đấu hoàn thành và ký kết hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả 84% công tác phân giới cắm mốc trong năm 2019 như chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai bên; đồng thời phối hợp chặt chẽ để có giải pháp ổn định địa vị pháp lý cho người gốc Việt tại Campuchia.
Hai bên đánh giá cao cơ chế Tham khảo Chính trị, nhất trí tăng cường quan hệ thương mại, đặc biệt là thương mại biên giới, đẩy mạnh kết nối các cửa khẩu và phát triển hạ tầng khu vực biên giới, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều tăng cao hơn mức 5 tỉ USD, sớm hoàn tất Quy hoạch tổng thể về kết nối 2 nền kinh tế đến năm 2030, cải thiện môi trường đầu tư nhằm tăng cường đầu tư 2 chiều.
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 110.000 người Việt Nam sinh sống tại Campuchia.
Ra mắt Ban chấp hành mới Tổng hội người Việt Nam toàn Thái Lan
Lễ ra mắt Chủ tịch và Ban chấp hành nhiệm kỳ 2019-2021 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới đối với Tổng hội và cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan. Tân Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam toàn Thái Lan, ông Trịnh Cao Sơn cảm ơn sự tin tưởng của kiều bào, giao trọng trách cho Ban chấp hành mới để kế tục sự nghiệp của cộng đồng. Ông Sơn khẳng định cam kết cùng Ban chấp hành mới nỗ lực hoàn thành trách nhiệm, phấn đấu vì mục tiêu của cộng đồng, góp phần vun đắp cho mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước.
Mở rộng, trẻ hóa Ban Chấp hành mới Hội Người Việt Nam tại Ba Lan
Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan, ông Vũ Đăng Dũng, cho rằng Đại hội lần thứ VI mang ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của cộng đồng người Việt tại Ba Lan trong thời gian tới. Ban chấp hành mới được mở rộng và trẻ hóa, mang tính kế thừa giữa các thế hệ, đại diện cho đông đảo các tổ chức hội đoàn trên toàn đất nước Ba Lan, sẽ tạo ra xung lực và có nhiều đóng góp thiết thực vào sự phát triển của cộng đồng.
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan, đánh giá cao sự quan tâm giúp đỡ thường xuyên của cá nhân Đại sứ và các cán bộ cơ quan Đại diện Việt Nam tại Ba Lan trong thời gian qua. Ông khẳng định sẽ cùng Ban chấp hành mới đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển vững mạnh của cộng đồng, đáp ứng được kỳ vọng và sự tín nhiệm của kiều bào.
Đại từ điển giáo khoa Séc - Việt hoàn chỉnh ra mắt tại Séc
Tiến sĩ ngôn ngữ học người Séc Ivo Vasiljev, kỹ sư Nguyễn Quyết Tiến và các cộng sự đã dành tâm sức và thời gian 12 năm để hoàn chỉnh Đại từ điển giáo khoa Séc - Việt. Đây là bộ từ điển được biên soạn công phu gồm 6 tập với vốn từ vựng phong phú gần 120.000 từ mục các thể loại, là sự phát triển tiếp nối của quyển từ điển Séc - Việt đầu tiên đã được xuất bản trong những năm 60 của thế kỷ trước. Để thực hiện công việc biên soạn, các tác giả đã sử dụng tư liệu từ các bộ Đại từ điển tiếng Séc và Đại từ điển tiếng Việt mới nhất nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng độc giả, từ những người mới bắt đầu làm quen với ngôn ngữ cho tới các học giả, nhà khoa học.
Kết nối với Việt Nam lần thứ 11: Đối thoại đa ngành
Lần đầu tiên Hội nghị “Kết nối với Việt Nam” được tổ chức tại Hà Lan, với kỳ vọng sẽ tăng cường quan hệ giao lưu, kết nối giữa cộng đồng học giả các châu lục trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về Việt Nam. Trong 4 ngày diễn ra Hội nghị, từ 15-18.7.2019, khoảng 2.500 đại biểu quốc tế đã tham dự nhiều phiên thảo luận theo từng chủ đề đa dạng liên quan đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam, xem triển lãm tranh, ảnh và một số bộ phim về đất nước, con người Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.
“Kết nối với Việt Nam”, hội nghị quốc tế được tổ chức thường niên từ năm 2008, theo sáng kiến của Giáo sư Phan Lê Hà (Đại học Hawaii, Mỹ; Đại học Brunei Darussalam, Brunei) và Giáo sư Liam C. Kelly (Đại học Brunei Darussalam), với mục đích tạo dựng môi trường tương tác, đối thoại giữa các chuyên gia, học giả quốc tế chuyên nghiên cứu về Việt Nam trong các lĩnh vực như xã hội học, giáo dục, nhân chủng học, ngôn ngữ, triết học, văn học, chính trị, lịch sử, kinh tế và nghệ thuật.