Người Việt bốn phương (số 617)
Trí thức, doanh nhân kiều bào hiến kế phát triển địa phương ở trong nước
Hội nghị “Kết nối kiều bào với địa phương” thu hút hơn 200 trí thức, doanh nhân kiều bào đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Hội nghị với 2 chuyên đề “Đoàn kết cộng đồng hướng về quê hương, đất nước” và “Kiều bào chung sức xây dựng quê hương hội nhập và phát triển”, tập trung những kiến nghị cụ thể, đề xuất những giải pháp nhằm thu hút kiều bào đầu tư về nước. Giám đốc khu vực Vancouver của Tổ chức Canada - Vietnam Society Đinh Kim Nguyệt cho rằng Chính phủ cần tạo điều kiện cho kiều bào về Việt Nam kinh doanh được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải từ bỏ quốc tịch nước ngoài.
Trong khuôn khổ Hội nghị này, chuyên đề “Chiến lược logistics phát triển hành lang kinh tế Đông Tây, kết nối Lào với khu vực cảng biển Bắc Trung Bộ” nhận được sự quan tâm rất lớn của kiều bào. Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, ông Nguyễn Ngọc Mỹ, cho rằng, cần sự tham gia của khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia vào phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Thái Văn Vinh, Đại học Công nghệ thông tin kinh doanh và Logistic, Viện Đại học Công nghệ Hoàng Gia Melbourne (Úc) đề xuất kế hoạch đầu tư nâng cấp các tuyến đường hiện có kết nối các cảng biển và cửa khẩu. Ông cho rằng, có thể áp dụng hình thức công tư (PPP) cho kế hoạch này... Những kinh nghiệm quý của kiều bào sẽ góp phần không nhỏ vào việc xây dựng cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên cả nước.
Tin về thuyền viên người Việt trên tàu Aulac Fortune gặp nạn
Tin từ Tổng Lãnh sự quán Hồng Kông, vào thời điểm xảy ra vụ việc, trên tàu Aulac Fortune có 25 thuyền viên Việt Nam. Vụ nổ khiến 1 thuyền viên tử vong, 2 thuyền viên bị mất tích và 3 thuyền viên bị thương nhẹ đang được điều trị tại bệnh viện, trong khi 19 thuyền viên khác an toàn. Tổng Lãnh sự quán đã đề nghị phía Hồng Kông khẩn trương có các biện pháp tìm kiếm các thuyền viên mất tích và tích cực điều trị cho các trường hợp bị thương; phối hợp với cơ quan chức năng sở tại và chủ tàu giải quyết vụ việc.
Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Tổng Lãnh sự quán Hồng Kông tiếp tục liên hệ với cơ quan chức năng sở tại để tìm hiểu thông tin, thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các thuyền viên. Bộ cũng đề nghị chủ tàu và các cơ quan liên quan trong nước (Cục Hàng hải, Sở Ngoại vụ TP.HCM) phối hợp xác minh thông tin, hoàn thiện các thủ tục hậu sự, đưa thi hài về nước, giải quyết chế độ, quyền lợi cho các thuyền viên khác và hỗ trợ xin thị thực khẩn cho đại diện của chủ tàu và gia đình thuyền viên gặp nạn sang Hồng Kông để giải quyết các thủ tục liên quan.
Campuchia di dời 750 hộ gia đình người Việt sống ở khu vực Biển Hồ
Chính quyền tỉnh Kampong Chhnang, Campuchia đã ra một thông báo về việc 750 hộ gia đình người Việt Nam sống ở khu vực Biển Hồ (Tonle Sap) sẽ không phải di dời cho đến tháng 7.2019, tờ Phnom Penh Post đưa tin hôm 3.1. Trước đó, hơn 3.000 gia đình đã tình nguyện chuyển đến khu tái định cư ở vùng đất cao hơn. Tỉnh trưởng tỉnh Kampong Chhnang, ông Chhour Chandoeun, cho biết, cơ quan chức năng Campuchia đang chuẩn bị cho công tác di dời của những hộ gia đình này trong 6 tháng nữa. Người dân cần định cư trên đất liền, họ có thể tiếp tục nuôi thả cá trên sông nhưng không thể cư trú dài hạn ở khu vực này.
Theo Hội Việt kiều Campuchia, trên Biển Hồ hiện có trên 1.500 hộ dân gốc Việt đang sinh sống tại các làng nổi bên hồ, trong khi tờ New York Times dẫn lời các nhà nghiên cứu độc lập cho rằng có khoảng 400.000 đến 1 triệu người sống tập trung ở vùng Biển Hồ và không được công nhận là công dân Campuchia.
Phó Tỉnh trưởng tỉnh này, ông Sun Sovannarith, cho biết thêm, hiện có 750 hộ gia đình đang sinh sống rải rác ở 6 khu vực khác nhau tại khu vực Biển Hồ, trong đó riêng tỉnh Kampong Chhnang có 490 hộ gia đình. Quá trình di dời các gia đình sống ở Biển Hồ sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, Chính quyền sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp cho những gia đình đã tái định cư và những người không kiếm sống bằng nghề nuôi cá bè. Giai đoạn 2, những gia đình còn lại sở hữu trang trại nuôi cá sẽ chuyển vào đất liền vào tháng 7 nhưng các lồng cá của họ vẫn được để nguyên trạng. Trong giai đoạn này, chính quyền sẽ hợp tác với các công ty tư nhân để biến các trang trại nuôi cá thành điểm thu hút khách du lịch.
Trung tâm văn hóa Phật giáo đầu tiên của người Việt tại cộng hòa Czech
Tin vui đến với cộng đồng người Việt ở Cộng hòa Czech, tòa án tỉnh Ustecky công nhận “Trung tâm văn hóa Phật giáo Chùa Most” của cộng đồng người Việt tại địa phương. Tờ quocte.vn cho biết, đây là trung tâm văn hóa tâm linh đầu tiên của người Việt tại Cộng hòa Czech được chính quyền sở tại chính thức cấp chứng nhận, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt sinh hoạt tín ngưỡng theo phong tục truyền thống của văn hóa Việt Nam, hòa đồng với văn hóa địa phương.
Đại đức Thích Thông Đạt, Trụ trì Chùa Most, đã nhắc lại quá trình hình thành ngôi chùa tại tỉnh Ustecky từ năm 2011, trong đó nhấn mạnh yếu tố cần thiết của “ngôi nhà tâm linh” cho người Việt nơi vùng đất hiền hòa và một cộng đồng đoàn kết. Việc khánh thành chùa là niềm vinh dự đối với Phật tử tại Cộng hòa Czech, vì trong lịch sử Việt Nam, đạo Phật luôn đồng hành với cộng đồng. Đại đức Thích Thông Đạt chia sẻ, ngôi chùa không chỉ là nơi gửi gắm tâm hồn mà còn là nơi giác ngộ tinh thần và đặc biệt là nơi giữ gìn nét văn hóa truyền thống, bảo tồn tiếng Việt đối với những người con sống xa tổ quốc.
Thay mặt lãnh đạo cộng đồng người Việt, ông Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Czech đánh giá cao và trân trọng vai trò của Phật giáo cũng như của các vị chức sắc tôn giáo, Phật tử tại Cộng hòa Czech, nhất là khích lệ tinh thần bà con cộng đồng thể hiện văn hóa tình người và sống hướng thiện. Ông Nhiên cũng nhắc lại lịch sử Phật giáo đồng hành cùng đất nước, mong muốn Phật tử tại Cộng hòa Czech đồng hành cùng cộng đồng để xây dựng “Khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam tại Cộng hòa Czech”.