Người Việt bốn phương (số 595)
ALOV luôn đồng hành cùng AVSE Global trong công tác kiều bào
Phó Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV), Phó Giáo sư Nguyễn Lân Trung, tại sự kiện AVSE Global Networking do Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global) tổ chức tại Hà Nội, đã khẳng định luôn đồng hành cùng AVSE Global trong các hoạt động nghiên cứu, kết nối cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới.
Đang có gần 5 triệu kiều bào ở nước ngoài. Phó Chủ tịch Nguyễn Lân Trung cho rằng, những hoạt động của AVSE Global trong thời gian qua là hết sức quý giá, góp phần kết nối thành công và thúc đẩy cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phát triển. Ông hy vọng, AVSE Global sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh các hoạt động thu hút sự quan tâm của các doanh nhân, kiều bào, tạo sự gắn bó, liên kết thường xuyên giữa các thành viên. Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng hợp tác với AVSE Global để tổ chức các hoạt động nghiên cứu, trao đổi thông tin, thúc đẩy sự phát triển bền vững của Hội và AVSE Global.
AVSE Global, được thành lập tháng 5.2011 tại Paris, Cộng hòa Pháp, tập hợp những trí thức, nhà khoa học và chuyên gia cấp cao trên nhiều lĩnh vực đang làm việc tại Pháp và hơn 15 nước trên thế giới. Chủ tịch AVSE Global, Giáo sư Nguyễn Đức Khương, cho biết, là một tổ chức phi lợi nhuận, AVSE Global với trên 250 nguồn lực thường xuyên trên các chương trình chiến lược, 2.000 chuyên gia hỗ trợ và 10.000 người có thể kết nối. AVSE Global đang nhận được sự ủng hộ của cộng đồng chuyên gia, trí thức mong muốn đóng góp cho sự phát triển của nước nhà.
Người Việt giữ chức Phó Chủ tịch thứ 2 Khóa họp 70 của ILC
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, vinh dự được bầu làm Phó Chủ tịch thứ 2 của ILC tại khóa họp thứ 70 của Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) thuộc Liên hiệp Quốc, diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ. Được vinh dự bầu làm Phó Chủ tịch thứ 2 của ILC tại khóa họp này, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, đại diện đầu tiên của Việt Nam tại cơ quan chuyên môn này của Liên hiệp Quốc, đã tích cực phát huy vai trò chủ động, đóng góp đáng kể cho công việc chung của Ủy ban.
Tham gia ILC thể hiện uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, phù hợp với chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước, thể hiện rõ Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Về khả năng Việt Nam tham gia sâu hơn vào các tổ chức đa phương mang tính chuyên môn cao, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao nhấn mạnh Việt Nam chưa có được tỉ lệ đại diện thích đáng trong đội ngũ công chức quốc tế, cũng như trong các đội ngũ chuyên gia, các cơ quan pháp lý đa phương. Sự hiện diện, đóng góp của cán bộ, chuyên gia người Việt chính là một biểu hiện trực quan nhất của chủ trương đối ngoại Việt Nam chủ động, tích cực, là thành viên trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế.
Bảo hộ công dân: Cần thêm nội lực của người Việt ở nước ngoài
Hội nghị chuyên đề “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và Bảo hộ công dân” được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao, tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Nguyễn Quốc Dũng, ghi nhận những cách làm mới của các cơ quan ngoại giao trong công tác bảo hộ công dân. Theo ông, việc phát huy nội lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, sẽ tiếp tục là một trong những biện pháp hiệu quả cho hoạt động bảo hộ công dân.
Thế giới biến động, phát sinh nhiều vụ việc chưa từng có tiền lệ, khiến công tác bảo hộ công dân gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc kịp thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức Việt Nam ở nước ngoài. Số vụ việc bảo hộ công dân ngày một tăng, kể từ sau Hội nghị Ngoại giao 29 đến nay là 16.351 công dân và 608 tàu/5.197 ngư dân bị phía nước ngoài bắt giữ hay gặp khó khăn ở nước ngoài thay vì 25.666 công dân và 726 tàu/5.752 ngư dân sau Hội nghị Ngoại giao 28.
Đại sứ Việt Nam tại Philippines, ông Lý Quốc Tuấn, cho biết, công tác bảo hộ công dân gặp nhiều thách thức do tình hình phức tạp tại một số vùng biển của Philippines, nơi có nhiều tàu thuyền Việt Nam qua lại. Cướp biển đe dọa an ninh an toàn hàng hải, gây thiệt hại về tính mạng thuyền viên và tài sản của ngư dân. Công tác bảo hộ gặp khó khăn nhiều do hạn chế về nhân lực và kinh phí. Việc mỗi cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều việc, nên đôi khi có thiếu sót trong bảo hộ cho ngư dân. Trong khi đó, hoạt động tuyên truyền các chính sách pháp luật cũng gặp nhiều vướng mắc do sự hiểu biết hạn chế về pháp luật quốc tế của các thuyền viên, ngư dân.
Động đất ở Indonesia: Chưa có tin người Việt bị ảnh hưởng
Tại khu vực Đông Bắc Lombok Utarra, tỉnh Nusa Tenggra Barat của Indonesia, ngày 5.8 đã xảy ra nhiều trận động đất với cường độ mạnh. Ngay sau vụ động đất xảy ra, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã liên hệ với cơ quan chức năng sở tại để tìm hiểu thông tin, nắm tình hình người Việt tại khu vực. Cho đến nay chưa có thông tin về công dân Việt Nam bị ảnh hưởng.
Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại theo dõi sát tình hình, sẵn sàng có các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết. Bộ Ngoại giao khuyến cáo, các công dân Việt Nam trong khu vực bị ảnh hưởng cần giữ bình tĩnh, tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn và thông báo của cơ quan phòng chống thiên tai thảm họa sở tại.
Đề nghị công nhận quốc tịch cho người Việt cư trú dài hạn ở Tatarstan
Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, ông Ngô Đức Mạnh, tại buổi làm việc mới đây, đã đề nghị Tổng thống Cộng hòa Tatarstan Rustam Minnikhanov, xem xét tạo thuận lợi trong việc công nhận quốc tịch cho những người Việt Nam đã có giấy tờ cư trú dài hạn, baoquocte.vn đưa tin. Đại sứ cũng đề nghị Tổng thống cho phép con em cộng đồng có thành tích học tập tốt được học miễn phí tại các trường đại học ở Tatarstan và sau khi tốt nghiệp tiếp tục được đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội, cũng như góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Tatarstan. Đại sứ Ngô Đức Mạnh cảm ơn Tổng thống và chính quyền Tatarstan đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam được sinh sống, làm ăn ổn định và sinh hoạt miễn phí trong Nhà Hữu nghị chung của thành phố Kazan.
Tổng thống Rustam Minnikhanov, người đã hai lần thăm Việt Nam, đánh giá cao cộng đồng người Việt tại Tatarstan, là một cộng đồng có tinh thần đoàn kết, chấp hành luật pháp. Tổng thống khẳng định tầm quan trọng trong việc hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học đào tạo và giáo dục. Hiện có 124 sinh viên Việt Nam đang nghiên cứu, học tập tại các trường đại học của Tatarstan. Một số trường đại học của Tatarstan cũng đã thiết lập quan hệ với các cơ sở đào tạo của Việt Nam