Người Việt bốn phương (số 593)
Chủ tịch nước Đề nghị tạo thuận lợi cho người Việt ở Úc
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nhân buổi tiếp Chủ tịch Hạ viện Úc Tony Smith đang thăm chính thức Việt Nam, đã đề nghị Chính phủ Úc tiếp tục quan tâm, tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt sinh sống, lao động, học tập phù hợp với luật pháp Úc, đóng góp cho sự phát triển của mỗi nước.
Đánh giá cao hợp tác về giáo dục đào tạo giữa hai nước những năm qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn Chính phủ Úc đã tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam nghiên cứu, học tập tại Úc. Chủ tịch mong Úc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng số lượng học bổng Chính phủ, hỗ trợ đào tạo nghề và dạy tiếng Anh. Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho công dân Úc sang Việt Nam du lịch, học tập, đầu tư và kinh doanh.
Chế độ đãi ngộ người Việt Nam có công ở nước ngoài
Tin vui đến với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 102/2018/NĐ-CP quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài.
Tại Nghị định này, tùy từng đối tượng: người có công, người thân của người có công và con đẻ, con nuôi của người có công được hỗ trợ với các mức được tính theo từng công thức cụ thể. Riêng với người tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đang định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định được hưởng chế độ hỗ trợ tính theo số năm thực tế tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, dân công hỏa tuyến. Cụ thể, người tham gia từ đủ 2 năm trở xuống được hưởng mức hỗ trợ bằng 4 triệu đồng; từ năm thứ 3 trở đi mỗi năm được cộng thêm 1.500.000 đồng. Trường hợp người có công đã từ trần thì thân nhân được hưởng hỗ trợ một lần bằng 6 triệu đồng.
Hội doanh nghiệp Việt tại Malaysia muốn thúc đẩy giao thương hai nước
Thiết lập mục tiêu tăng cường giao thương, kết nối doanh nghiệp hai nước, Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Malaysia đã quy tụ rất đông các doanh nhân, thương nhân tham gia. Hiện nay, nhu cầu đầu tư hai chiều giữa Việt Nam và Malaysia ngày một tăng. Malaysia được đánh giá như một cửa ngõ vào thị trường Hồi giáo, nhiều doanh nhân kiều bào cho đây là cơ hội để hàng hóa Việt Nam khi tiến vào được thị trường này.
Malaysia là nhà đầu tư lớn thứ 7 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư trên 12 tỉ USD. Thương mại hai chiều đạt hơn 10 tỉ USD, xếp thứ 6 trong số quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Theo VOV, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, ông Lê Quý Quỳnh, đã khẳng định, sẽ tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ Hội Doanh nghiệp Việt Nam thực hiện các hoạt động một cách có hiệu quả, góp phần phát triển giao thương hai nước.
Kiều bào Nga chú trọng xây dựng hình ảnh tích cực cho cộng đồng
Tổng kết công tác giai đoạn 2015-2017, Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga, trên cơ sở dự báo tình hình kinh tế - xã hội và những chính sách liên quan đến lao động nhập cư của Nga, đã thảo luận và đề xuất 3 nội dung quan trọng để thực hiện trong giai đoạn tới. Thứ nhất, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về pháp luật và sự thay đổi điều kiện kinh doanh tại Nga để bà con kịp thời thích ứng, qua đó hướng tới mục tiêu nâng cao địa vị pháp lý cho người Việt tại Nga. Thứ hai, đẩy mạnh công tác dạy và học tiếng Việt, văn hóa Việt cho con em thế hệ thứ hai, thứ ba người Việt. Thứ ba, chủ động tham gia các hoạt động tư vấn cho doanh nghiệp, cá nhân có mong muốn tìm hiểu cơ hội học tập, sinh sống, kinh doanh tại Nga, đồng thời góp phần quảng bá hàng hóa và du lịch Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin.
Chủ tịch Hội Người Việt tại Nga, ông Đỗ Xuân Hoàng, cho rằng, Hội đã có những hoạt động nổi bật trong hơn 3 năm qua, đặc biệt là trong công tác xây dựng và hội nhập cộng đồng, hướng về quê hương đất nước và công tác ngoại giao nhân dân. Thời gian tới, Hội sẽ tìm kiếm các phương thức mới và đa dạng, tranh thủ sự giúp đỡ của chính quyền sở tại, để xây dựng hình ảnh tích cực cho cộng đồng người Việt tại Nga.
Vỡ đập thủy điện ở Lào: Chưa có thông tin nạn nhân là công dân Việt Nam
Tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cho hay, các cán bộ lãnh sự quán tại tỉnh Pakxe đã có mặt ở huyện Sanamxay. Lực lượng cứu hộ Lào đang nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ các nạn nhân, nhưng chưa ghi nhận nạn nhân nào là công dân Việt Nam. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với giới chức sở tại để cập nhật thông tin về người Việt Nam hoặc kiều bào tại khu vực bị ảnh hưởng, sẵn sàng có các biện pháp hỗ trợ trong trường hợp có người bị ảnh hưởng.
Trước đó, sự cố vỡ đập xảy ra đêm 23.7 tại công trình thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy do Công ty PNPC đang thi công, khiến hơn 5 tỉ mét khối nước, đổ xuống hạ lưu, theo Hãng thông tấn Lào LNA. Sự cố đã làm ít nhất 100 người mất tích và nhiều người ở 6 làng thuộc huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, Đông Nam Lào, được cho là đã thiệt mạng, hơn 6.600 người rơi vào tình cảnh mất nhà cửa do nước lũ.
Trại hè Việt Nam 2018: Kết nối giới trẻ kiều bào với quê hương
Trại hè Việt Nam 2018 với chủ đề “15 năm nối vòng tay lớn” đã khép lại sau hành trình xuyên Việt 16 ngày. Ông Đinh Văn Đông, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao, cho biết, Trại hè Việt Nam 2018 đã đi qua 11 tỉnh, thành phố trải dọc đất nước. Các thanh niên kiều bào đã được tận mắt chứng kiến sự đổi thay của quê hương đất nước. Đây cũng là cơ hội để các em thực hành tiếng Việt.
Trại hè Việt Nam, sau 15 lần được tổ chức, đã trở thành điểm hẹn của học sinh, sinh viên, thanh niên Việt Nam ở trong và ngoài nước. Trại hè ngày một ý nghĩa bởi chính nhiệt huyết của tuổi trẻ. Theo ông Đinh Văn Đông, Trại hè năm 2019 sẽ được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, nhằm tạo sự gắn bó hơn nữa giữa thế hệ trẻ kiều bào với quê hương đất nước.
30 năm người Việt Nam đặt chân lên phố Pozharskovo, Ucraina
Kỷ niệm 30 năm người Việt Nam đặt chân lên phố Pozharskovo và làm việc trong nhà máy dệt tơ lụa Đarnhitsa Kiev (ĐSK) tại Ucraina, thu hút rất đông các thợ dệt nhiều thế hệ cùng gia đình từ nhiều thành phố của Ucraina như Kiev, Bila Tserrkva, Odessa, Kharkiv, từ Nga và Belarusia tham dự. Đây cũng chính là dịp để những cô thợ dệt tỏ lòng tri ân những cán bộ, những thợ cả đã dìu dắt, sát cánh bên họ trong suốt thời gian làm việc tại nhà máy.
Đơn vị Dệt tơ lụa ĐSK - là đơn vị nữ công nhân dệt Việt Nam đầu tiên và cũng là duy nhất làm việc tại thành phố Kiev. Từ đó đến nay, dù ở ở đâu, làm công việc gì, những người thợ dệt của ĐSK cũng luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng của người Việt Nam ở nước ngoài. Bây giờ, rất nhiều những người thợ dệt của ĐSK đã trở thành những doanh nhân, thương nhân và cán bộ công chức.