Hải Vân Thứ Hai | 14/05/2018 10:07

Người Việt bốn phương (số 582)

Nổi bật là hoạt động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phản đối các hoạt động của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Kiều bào theo dõi sát hoạt động của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng, cho biết, Việt Nam hết sức quan ngại trước các thông tin nêu trên và khẳng định mọi hoạt động quân sự hóa, bao gồm cả việc bố trí tên lửa trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), làm gia tăng căng thẳng, gây mất ổn định trong khu vực và không có lợi cho nỗ lực của các nước trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông hiện nay (COC).

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài những ngày qua đã theo sát thông tin liên quan đến các hoạt động của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Trung Quốc bố trí tên lửa tại các cấu trúc mà nước này đã xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc với tư cách là quốc gia lớn ở khu vực và thế giới, thể hiện trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, không tiến hành quân sự hóa, rút các trang thiết bị quân sự triển khai trái phép trên các cấu trúc thuộc chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc.


Đánh bắt cá bất hợp pháp tại Thái Lan: 30 thuyền viên Việt nam bị bắt giữ
Lực lượng tuần tra của Cục Thủy sản Thái Lan vừa bắt giữ 5 tàu cá và 30 thuyền viên người Việt đánh bắt cá bất hợp pháp trên vùng biển Ko Nu thuộc tỉnh Songkhla, miền Nam Thái Lan, ngày 7.5, TTXVN dẫn tin từ Cục Thủy sản Thái Lan. Cuộc truy bắt này xuất phát từ thông tin trao đổi giữa Cục Thủy sản Thái Lan và Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 2 về việc phát hiện tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép trên vùng biển Thái Lan. Hiện, các thuyền viên đang bị giam giữ tại tỉnh Songkhla để lấy lời khai, sau đó sẽ được chuyển tới sở cảnh sát địa phương để chờ tiến hành xét xử với tội danh đánh bắt cá trái phép ở vùng biển Thái Lan và vi phạm Đạo luật điều chỉnh quyền đánh bắt cá trong vùng biển Thái Lan, B.E. 2482 và Đạo luật nghề cá, B.E. 2558.

Chính phủ Thái Lan đang thực hiện nhiều biện pháp mạnh, nhằm xử lý tình trạng đánh bắt cá trái phép. Phó Thủ tướng Thái Lan Chatchai Sarikulya, hôm 3.5, đã công bố kế hoạch nâng cao năng lực cũng như hiệu quả hoạt động của lực lượng tuần tra đánh bắt cá trên toàn nước này. Ông khẳng định Chính phủ Thái Lan sẽ không nương tay với những hoạt động đánh bắt cá trái phép, đồng thời khuyến khích ngư dân tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật.

Nghề cá trong khu vực đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh trữ lượng cá đang ngày càng suy giảm, các nước cần tích cực thúc đẩy các biện pháp hợp tác trên cơ sở tính toán cân bằng lợi ích của từng lĩnh vực và giữa các quốc gia. Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, tiến sĩ Lê Hải Bình, trong một hội thảo liên quan đến đánh bắt cá trên Biển Đông mới đây, cho rằng, nghề cá tại Biển Đông mang lại nhiều lợi ích không chỉ về mặt kinh tế mà còn góp phần ổn định kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống mưu sinh cho hàng trăm triệu người dân ven biển ở Biển Đông.

Do đó, các quốc gia tại Biển Đông có trách nhiệm khai thác nghề cá bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái biển. Trước tình trạng đánh bắt cá trái phép, tiến sĩ Lê Hải Bình khẳng định đối thoại là cơ hội quan trọng để các chuyên gia chia sẻ quan điểm cũng như đề xuất những sáng kiến thúc đẩy nghề cá trong khu vực.

Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức Hội thao lần thứ nhất
Sự kiện đã thu hút đông đảo sự quan tâm và tham dự của kiều bào Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc cùng một số bạn bè nước sở tại. Hội thao được tổ chức với quy mô lớn, bao gồm các môn bóng đá nam, điền kinh, kéo co, vật tay nữ. Giải đấu quy tụ 16 đội bóng đá nam mạnh nhất đại diện cho 2 khối lao động và du học sinh Việt Nam tại 3 miền Bắc - Trung - Nam của Hàn Quốc.

Nguoi Viet bon phuong (so 582)

Hội thao lần thứ nhất thể hiện mong muốn của kiều bào ở Hàn Quốc, về những chương trình thiết thực, ý nghĩa, góp phần không nhỏ vào xây dựng và phát triển cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc. Người Việt Nam tại Hàn Quốc ngày càng gia tăng về số lượng. Thông qua hội thao này, Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc hy vọng sẽ tăng cường hơn nữa sự hợp tác, gắn kết và chia sẻ trong cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc.

Lần đầu tiên “Những ngày Việt Nam tại Myanmar” 
Trong 4 ngày, từ 7-10.5, tại “Những ngày Việt Nam tại Myanmar”, rất đông kiều bào đang sinh sống, học tập và làm việc tại Myanmar đã tham gia chợ du lịch, triển lãm ảnh, triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ, trình diễn nghệ thuật dân gian và trình diễn thời trang. Trong khuôn khổ sự kiện này, nhiều hoạt động hợp tác kinh doanh đã diễn ra, đặc biệt, Hội thảo về du lịch và thủ công mỹ nghệ đã góp phần kết nối 25 doanh nghiệp và đại diện các làng nghề của Việt Nam và Myanmar hoạt động trong lĩnh vực này.
Việt Nam và Myanmar đang có quan hệ hợp tác du lịch rất tích cực. Ngày càng nhiều người Myanmar đi du lịch tại Việt Nam, trong khi số khách du lịch trong những năm qua tăng khoảng 40%/năm. Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, “Những ngày Việt Nam tại Myanmar” không chỉ là dịp để giới thiệu những tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và nét đẹp văn hóa của Việt Nam, mà đây còn là sự kiện có ý nghĩa rất lớn trong việc đưa người dân hai nước đến gần nhau hơn để thúc đẩy tình hữu nghị, hiểu biết và hợp tác lẫn nhau.

Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại 

Nguoi Viet bon phuong (so 582)


Một tin vui vừa đến với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, UNESCO đã ghi danh nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Xuất phát là một hình thức sinh hoạt giải trí của cộng đồng làng xã, một thú vui tao nhã của người dân miền Trung Việt Nam nhân dịp đầu Xuân, bài chòi đã nhanh chóng trở thành triết lý sống, tư tưởng gắn kết cộng đồng, nuôi dưỡng lòng vị tha và thúc đẩy tính sáng tạo.

Với 12 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, Việt Nam đang đứng thứ 8 trên 177 quốc gia thành viên của Công ước Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Điều này có ý nghĩa rất lớn góp phần vun đắp tinh thần dân tộc, gìn giữ hồn cốt quê hương, trao truyền tri thức và gửi gắm tương lai. Dịp này, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam”.