Ảnh: T.L.

 
Tuệ Anh (Tổng hợp) Thứ Hai | 03/04/2023 11:39

Người Việt bốn phương (815)

Xây dữ liệu trí thức người Việt ở nước ngoài để đặt hàng nghiên cứu.

Xây dữ liệu trí thức người Việt ở nước ngoài để đặt hàng nghiên cứu

Theo ông Phạm Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), hiện thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về người Việt ở nước ngoài để các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp có thể khai thác. Thông tin được ông chia sẻ tại hội thảo “Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước” hôm 23/3.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài ước tính, hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt ở nước ngoài, trong đó người có trình độ đại học trở lên chiếm hơn 10%, khoảng 600.000 người. Đây là những trí thức ra nước ngoài học tập, làm việc và con em thế hệ thứ 2, thứ 3, thứ 4 của người Việt ở nước sở tại.

Ông Hùng kiến nghị, sớm xây dựng cơ sở dữ liệu trí thức người Việt tại nước ngoài để nắm bắt và thu hút trí thức theo “diện rộng và điểm”, nhằm tạo thuận lợi cho các kiều bào có thể đóng góp từ xa và hỗ trợ tìm kiếm nhanh chuyên gia trí thức đầu ngành giỏi. 

 

Theo Tiến sĩ Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc xây dựng cơ sở dữ liệu cần được xác định theo các chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn, thành tựu nghiên cứu, khả năng hợp tác của từng chuyên gia, nhà khoa học. Bên cạnh đó, cần nêu rõ tiêu chí lựa chọn và thu hút người tài để chọn được những cá nhân xuất sắc, giao đúng người đúng việc.

Là địa phương thành công trong thu hút trí thức kiều bào, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật TP.HCM, cho biết đã có hơn 400 chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc dài hạn tại TP.HCM và gần 200 trí thức hợp tác trực tiếp với các trường đại học, khu công nghệ cao, bệnh viện... Hiện có một mạng lưới kiều bào trẻ gồm các chuyên gia, trí thức đang cộng tác thường xuyên với các sở ngành của thành phố, đầu tư nhiều dự án lớn, tiêu biểu, như dự án in 3D bằng sợi carbon lớn nhất thế giới có mặt tại Việt Nam...

Sinh viên Việt Nam tại Úc phát huy sức trẻ cùng sứ mệnh kết nối và sẻ chia

Hội Sinh viên Việt Nam tại bang New South Wales nước Úc vừa tổ chức thành công đại hội tổng kết hoạt động của Hội trong 5 năm qua kể từ khi thành lập. Đại hội được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tham dự đại hội có ông Nguyễn Đăng Thắng, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại bang New South Wales, bang Nam Úc và bang Queensland; bà Đặng Thùy Chi, Tham tán Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại sứ quán Việt Nam tại Canberra (tham dự theo hình thức trực tuyến); ông Nguyễn Phúc Bình, người sáng lập Hội sinh viên Việt Nam tại bang New South Wales, Chủ nhiệm Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Úc; Huỳnh Tấn Đạt, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Úc cùng học sinh, sinh viên đại diện cho các trường đại học lớn tại bang New South Wales như Đại học Sydney, Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Đại học Macquarie, Đại học Wollongong...

Với sứ mệnh kết nối, hỗ trợ và chia sẻ, hoạt động của Hội nhằm giúp du học sinh từ lúc chuẩn bị hành trang lên đường du học Úc đến lúc bước chân đến “xứ sở chuột túi”, xuyên suốt quãng thời gian học tập và sau khi ra trường. Bám sát định hướng ban đầu là tổ chức các hoạt động học thuật và phát triển sự nghiệp, UAVS-NSW đã tổ chức thành công các cuộc thi với quy mô lớn như UAVS Startup Challenge 2019, Business Case và Hackatrix, đặc biệt là Ngày hội Nghề nghiệp Career Fair 2022 với sự tham gia của 30 doanh nghiệp đến từ cả Việt Nam và Úc cùng hơn 400 sinh viên đăng ký.

5 năm qua, UAVS-NSW cũng đã tích cực phát triển các kênh truyền thông như Facebook, Instagram, LinkedIn, Newsletter, Student Hub… để đảm bảo các thông tin về học tập và cuộc sống của du học sinh Việt Nam tại Úc được cập nhật đầy đủ, đa dạng và phong phú.


Nữ sinh gốc Việt tham gia tranh huy chương của tổng thống Mỹ

Được lọt vào chương trình Học giả tổng thống Mỹ là một trong những vinh dự lớn nhất của học sinh cuối cấp. Học giả được chọn dựa trên thành tích học tập và nghệ thuật, tố chất lãnh đạo, cá tính mạnh mẽ và tham gia các hoạt động trong lẫn bên ngoài trường học.

Nữ sinh gốc Việt Diep Phan. Ảnh: thanhnien.vn
Nữ sinh gốc Việt Diep Phan. Ảnh: thanhnien.vn

Ngoài thành tích nổi bật trong học tập, nữ sinh gốc Việt Diep Phan còn tích cực tham gia các hội nhóm và tham gia một tổ chức tình nguyện. Sau khi tốt nghiệp trung học, Diep dự định học đại học ngành triết học và du học nước ngoài. Trước khi tham gia cạnh tranh Học giả tổng thống, nữ sinh gốc Việt đã nhận được học bổng trong chương trình National Merit Scholarship nổi tiếng.

Chương trình này được Tổng thống Lyndon Johnson thành lập vào năm 1964 để công nhận thành tích của những học sinh xuất sắc nhất cả nước trên nhiều lĩnh vực. Năm 1979, chương trình được mở rộng cho những học sinh tài năng trong lĩnh vực biểu diễn, sáng tạo nghệ thuật. Năm 2015, chương trình một lần nữa được mở rộng để công nhận những học sinh chứng minh năng lực và thành tích trong lĩnh vực nghề nghiệp và kỹ thuật.

Các học sinh được chọn sẽ được mời đến Washington D.C, thường là vào tháng 6, để dự chương trình vinh danh, trong đó có nhiều sự kiện và hoạt động. Các học sinh sẽ được trao huy chương Học giả tổng thống trong một sự kiện do Nhà Trắng tổ chức.