Ảnh: McGill Reporter: Tammy Xuan Bui và Nehal Islam.

 
Phùng Mỹ Thứ Hai | 11/10/2021 08:29

Người Việt bốn phương (749)

Hệ thống Lee’s Sandwiches cùng người Việt tại Mỹ quyên góp ủng hộ TP.HCM.

Sáng kiến thúc đẩy tiêm vaccine của người gốc Việt

Sinh viên Tammy Xuan Bui vừa nhận được khoản tiền tương đương 180 triệu đồng nhờ vào sáng kiến WeCanVax giúp khuyến khích người dân tiêm vaccine COVID-19 từ Cơ quan Y tế công cộng Canada (PHAC).

Sáng kiến WeCanVax do nữ sinh gốc Việt Tammy Xuan Bui cùng người bạn cùng trường tên Nehal Islam lập ra, đã giúp khu Parc Extension tại Montreal từ chỗ có tỉ lệ tiêm chủng thấp đã vươn lên thành khu vực có 76,8% cư dân được tiêm ít nhất một liều vaccine tính đến tháng 9, cao hơn tỉ lệ toàn thành phố (74,6%).

Nhằm xóa bỏ rào cản ngôn ngữ và văn hóa, chiến dịch truyền thông xã hội WeCanVax đã chụp ảnh các thành viên trong cộng đồng được tiêm vaccine và in ra những tấm áp phích cùng câu chuyện của họ được viết bằng nhiều thứ tiếng.

 

Những câu chuyện này còn được chia sẻ rộng rãi trên website và các nền tảng mạng xã hội, giúp tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. “Facebook thật sự thú vị vì có nhiều nhóm cộng đồng tại Parc Extension hoạt động chủ yếu trên đó. Điều thật sự hay vì khi tôi muốn chia sẻ điều gì đó, tôi chỉ cần đăng lên một nhóm mà cộng đồng Parc Extension cùng tham gia”, Tammy Xuan Bui nói.

Mặc dù thành công của Parc Extension còn có vai trò của nhiều sáng kiến khác, nhưng theo Giáo sư trợ lý Ananya Banerjee, dự án nhóm sinh viên Tammy Xuan Bui thực hiện đã tạo sức ảnh hưởng lớn, thay đổi tư duy của những người chưa tiêm vaccine. 

Rào cản trong nỗ lực theo đuổi khoa học của sinh viên Mỹ gốc Việt

Tại Mỹ, dân gốc Á luôn được công nhận giỏi toán và khoa học. Từ năm 1987, nhiều người cho rằng dân gốc Á có thể dễ dàng theo đuổi nghề nghiệp trong lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, toán học và kỹ thuật). Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại.

Báo cáo mới của Đại học Buffalo (bang New York) cho thấy sinh viên Mỹ gốc Philippines, Thái Lan và Việt Nam là những nạn nhân “vô hình” trong lĩnh vực STEM ở nước này. Sinh viên Mỹ gốc Á, đặc biệt là nữ giới, thường đối mặt những thách thức đáng kể trong lĩnh vực STEM vì tình trạng phân biệt sắc tộc. Thực tế đáng buồn là sinh viên gốc Việt nằm trong nhóm các nạn nhân bị đối xử bất bình đẳng khi theo đuổi chuyên ngành liên quan đến STEM.

Theo báo cáo, người Mỹ gốc Á là thuật ngữ được dùng cho hơn 20 phân nhóm dân tộc khác nhau với nhiều ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử khác biệt, trong đó có người Mỹ gốc Việt. Đồng tác giả của nghiên cứu Tiến sĩ Myung Hyun Jo cho hay báo chí và dư luận Mỹ thường đánh đồng họ thành một nhóm duy nhất.

 

Dựa trên những phát hiện mới, đội ngũ chuyên gia kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và các giảng viên cần phải tìm hiểu nhu cầu cụ thể của học sinh gốc Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Hy vọng báo cáo sẽ tạo động lực cho các ban ngành liên quan triển khai những cải cách phù hợp để giúp đỡ các đối tượng bị đối xử bất bình đẳng trên.

Hệ thống Lee’s Sandwiches cùng người Việt tại Mỹ quyên góp ủng hộ TP.HCM

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam, đặc biệt là ở TP.HCM, hệ thống Lee’s Sandwiches đã phát động chương trình thiện nguyện nhằm hỗ trợ người dân vượt qua đại dịch. Theo đó, hệ thống Lee’s Sandwiches quyên góp 100% doanh số bán sản phẩm cà phê và tiếp nhận đóng góp từ cộng đồng người Việt tại Mỹ cùng toàn thể đội ngũ nhân viên thuộc hệ thống.

Số tiền đã được chuyển cho Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhằm hỗ trợ người dân, lực lượng tuyến đầu chống dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM, thông qua hoạt động hỗ trợ trang thiết bị cho các bệnh viện và cơ sở y tế đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19 như tặng máy thở, bộ lưu lượng ô-xy kế, monitor theo dõi bệnh nhân, tặng trang phục phòng chống dịch, khẩu trang y tế cho nhân viên y tế, cán bộ, tình nguyện viên Chữ thập đỏ trực tiếp tham gia công tác chống dịch.

Cô gái gốc Việt quảng bá ẩm thực quê hương với thế giới

Khi Mỹ bắt đầu trải qua làn sóng COVID-19 đầu tiên hồi tháng 3 năm ngoái, cô gái gốc Việt Tway Nguyen quyết định quay video để giới thiệu ẩm thực Việt Nam với thế giới trên các nền tảng mạng xã hội và thu hút hàng triệu người theo dõi.

Sau hơn một năm hoạt động, Tway Nguyen đã thu hút hơn một triệu người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội như Instagram, TikTok và YouTube. Cô tận dụng các nền tảng trên để giới thiệu về những món ăn Việt với thế giới. Cô cũng cung cấp thông tin hữu ích về đồ ăn, văn hóa và con người Việt Nam. 

Ảnh: bonappetit.com
Ảnh: bonappetit.com

Tway Nguyen mang đến công thức nấu nướng các món ăn Việt và được người theo dõi gọi bằng cái tên “Chị Hai” trên TikTok.

Giờ đây, cô đang mở rộng hoạt động kinh doanh với các cửa hàng pop-up ở Los Angeles. “Tôi sẽ tiếp tục làm video nấu ăn và sẽ làm món Việt vì có vẻ như không nhiều người biết và chia sẻ hương vị mà tôi yêu thích. Tôi muốn ẩm thực Việt Nam nhận được tình yêu và sự chú ý xứng đáng”, cô nói.

Dấu ấn Việt Nam tại Lễ hội đa văn hóa thành phố Augsburg, Đức

Ngày 2/10, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt, Cộng hòa Liên bang Đức, phối hợp với Tạp chí Hương Việt của người Việt ở Đức tổ chức sự kiện quảng bá văn hóa và du lịch Việt Nam tại thành phố Augsburg, bang Bayern. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Lễ hội đa văn hóa mùa Thu, diễn ra tại khu phố cổ thành phố Augsburg, thu hút đông đảo sự quan tâm của bạn bè sở tại và quốc tế.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Tổng Lãnh sự Lê Quang Long cho biết, sự kiện là cơ hội để cộng đồng người Việt tại các bang phía Tây Nam nước Đức có dịp gặp gỡ, giao lưu, kết nối với các cộng đồng quốc tế khác. 

Tại sự kiện, ban tổ chức và Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã giới thiệu các sản phẩm du lịch, ẩm thực mang đậm nét truyền thống Việt Nam. Bên cạnh đó, các tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc như múa lân, nhảy sạp, múa quạt... cũng đã thu hút sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của cộng đồng người Việt tại Augsburg, Freising và du khách tham quan.