Hoàng Anh Thứ Hai | 10/12/2018 12:54

Người Việt bốn phương (612)

Chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã có buổi gặp gỡ kiều bào tại Hàn Quốc.

Chủ tịch Quốc hội gặp gỡ kiều bào tại Hàn Quốc

Chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã có buổi gặp gỡ kiều bào đang sinh sống, học tập, làm việc tại Hàn Quốc, nhân chuyến công tác nhằm thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội, giới thiệu về các chủ trương, chính sách pháp luật, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam với chính giới, các doanh nhân Hàn Quốc, tạo cơ hội cho các doanh nhân Việt Nam và Hàn Quốc tiếp xúc, trao đổi, tìm hiểu đối tác và cơ hội kinh doanh, giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam.

Nguoi Viet bon phuong (612)
 

Hàn Quốc, một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư với số vốn đăng ký 61,67 tỉ USD tính đến tháng 6.2018; đứng thứ 2 về ODA giai đoạn 2012-2020, với 2,7 tỉ USD và là đối tác thương mại lớn thứ 2 với kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt 61,5 tỉ USD. Thời gian qua, giao lưu nhân dân tiếp tục được Việt Nam và Hàn Quốc thúc đẩy. Đặc biệt, hơn 60.000 gia đình đa văn hóa Hàn - Việt là cầu nối hữu nghị giữa hai nước.

Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu thúc đẩy đổi mới sáng tạo 

Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu đã thu hút sự tham dự của hơn 200 trí thức trẻ Việt Nam, trong đó có hơn 70 trí thức trẻ đang sinh sống và làm việc từ 21 quốc gia, thuộc 52 chuyên ngành trên khắp thế giới.

Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Trương Hòa Bình, nhận xét, các trí thức trẻ Việt Nam trong và ngoài nước đã không ngừng nỗ lực, cố gắng học tập, lao động sáng tạo để vươn tầm châu lục và thế giới. Đặc biệt, dù học tập, sinh sống trong môi trường cạnh tranh cao, trong nhiều điều kiện khác nhau, nhưng đã khẳng định được năng lực. Phó Thủ tướng đánh giá cao sự đóng góp xây dựng đất nước của các trí thức trẻ.

Diễn đàn lần này tập trung vào các nội dung phát triển bền vững như thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao trong cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng công nghệ 4.0 trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Tâm, Đại học Công nghệ Nanyang tại Singapore, cho biết đã nghiên cứu và muốn chia sẻ việc quản lý sử dụng hiệu quả nguồn bức xạ mặt trời vốn phong phú ở Việt Nam. Tiến sĩ cho đây là nguồn điện quan trọng, góp phần đa dạng hóa nguồn năng lượng cho nền kinh tế.

Cơ hội nghiên cứu khoa học dành cho trí thức Việt tại Đức

Một buổi tọa đàm về cơ hội việc làm, triển vọng hợp tác nghiên cứu khoa học dành cho các trí thức Việt Nam và các lưu học sinh, nghiên cứu sinh đang theo học chương trình thạc sĩ, tiến sĩ tại Đức, diễn ra tại thành phố Wiesbaden, bang Hessen, miền Tây nước này.

Nguoi Viet bon phuong (612)
 


Phó Hiệu trưởng phụ trách Đào tạo, Đại học Việt - Đức, Tiến sĩ Hà Thúc Viên, cho biết mô hình của trường là dựa trên nền tảng, phát triển theo mô hình quản trị và nguyên tắc hàn lâm của các hệ đại học ở Đức, để từ đó hướng tới trở thành một trường đại học có chất lượng đào tạo và nghiên cứu xuất sắc trong tương lai. Theo Tiến sĩ, bên cạnh việc cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng trong quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho đất nước, Đại học Việt - Đức cũng thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ ở Việt Nam theo mô hình đại học Đức.

VietChallenge: Khởi nghiệp dành cho người Việt trên toàn cầu

VietChallenge, cuộc thi khởi nghiệp dành cho người Việt trên toàn cầu do Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Mỹ sáng lập, đang chuẩn bị cho mùa giải năm 2019, tin từ baoquocte.vn.

Theo cô Mai Phan Zymaris, Chủ tịch Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Mỹ cho biết, VietChallenge 2019 gồm 3 vòng: vòng sơ loại, vòng bán kết và vòng chung kết. Vòng chung kết được tổ chức hàng năm tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) tại Boston, Mỹ. Trong hành trình 9 tháng, VietChallenge 2019 sẽ chọn ra Đội Vô địch với giải thưởng trị giá 25.000USD, Đội Á quân 5.000USD và 4 giải Ba, mỗi giải trị giá 2.000USD.

Đặc biệt, VietChallenge 2019 sẽ có thêm một nhánh thi riêng được mở cho tất cả các đội trên toàn thế giới, không yêu cầu thành viên đội thi phải là người gốc Việt. Chủ đề của nhánh thi này là dùng giải pháp công nghệ để giải quyết một vấn đề lớn mà Việt Nam đang gặp phải.

VietChallenge đã tiên phong trong thu hút những nhân tài người Việt ở mọi nơi trên thế giới và đem đến cho họ cơ hội phát triển các ý tưởng khởi nghiệp trên sàn đấu quốc tế nói chung và Mỹ nói riêng. Cuộc thi còn là cơ hội để các startup Việt Nam được học hỏi và thiết lập mối quan hệ với các quỹ đầu tư uy tín, vườn ươm khởi nghiệp, mạng lưới nhà đầu tư thiên thần trong nước và quốc tế. Theo Chủ tịch Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Mỹ sau 3 mùa giải, tổng cộng đã có hơn 500 hồ sơ dự thi đến từ 21 quốc gia tranh tài cho tổng giải thưởng lên tới 100.000USD (hơn 2,3 tỉ đồng).

Nguoi Viet bon phuong (612)
 


Lần đầu tiên thơ Ukraine được dịch ra tiếng Việt

Tại Ukraine, đã có tác phẩm thơ được dịch ra tiếng Việt: “Có khi nào chuyện chúng tôi bạn lại thêu dệt khác” của hai tác giả Tachiana Dziuba và Sergey Dziuba do hai nhà thơ Việt kiều Nguyễn Huy Hoàng và Đỗ Thị Hoa Lý dịch, theo quehuongonline.vn. Tác phẩm này đã được dịch ra 65 thứ tiếng trên thế giới, được xuất bản tại Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Romania... Theo các nhà nghiên cứu, đây là lần đầu tiên, tác phẩm nổi tiếng của hai nhà thơ đương đại Ukraine được dịch ra tiếng Việt, một trường hợp hy hữu của văn học Ukraine.

Dự án văn học quốc tế của hai tác giả Tachiana Dziuba và Sergey Dziuba đã thành công mỹ mãn - tác phẩm của hai vợ chồng đứng tên chung được xuất bản ở nhiều nước trên thế giới. Nhân dịp này, Viện Hàn lâm Văn học Nghệ thuật Thế giới Ukraine đã trao tặng huy chương Nhikolai Gogol cho Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hòa và nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý vì những đóng góp cho việc giới thiệu, nghiên cứu văn học Ukraine