Người Việt bốn phương (597)
Kêu gọi trí thức kiều bào giải bài toán phát triển của đất nước
100 trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đã về nước tham dự Chương trình “Kết nối mạng lưới đổi mới, sáng tạo Việt Nam”, từ ngày 18-24.8. Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 được tổ chức nhằm quy tụ và huy động tối đa nguồn lực chất xám, đặc biệt là từ các chuyên gia người Việt được đào tạo bài bản và đang làm việc tại các quốc gia có nền tảng khoa học công nghệ phát triển.
Đang có hơn 400.000 người Việt Nam ở nước ngoài làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Nhà nghiên cứu của Google Deepmind tại Mỹ, ông Bùi Hải Hưng, cho biết, ngành AI (trí tuệ nhân tạo) trên thế giới thu hút rất đông người Việt làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Nhiều người Việt đã trở thành những chuyên gia hàng đầu thế giới tại các môi trường dẫn đầu về công nghệ như Google, Facebook, Microsoft... Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có tiếng nói, dấu mốc trên bản đồ AI thế giới.
Thực ra, đây không phải lần đầu tiên một chương trình giao lưu, kết nối để thu hút nguồn lực tri thức người Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức tại Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ... đã tổ chức nhiều chương trình tương tự, nhưng hiệu quả mang lại không cao. Không ít tri thức người Việt Nam ở nước ngoài vẫn xem xét thực tế phát triển của Việt Nam với tình trạng chậm đổi mới, bị tụt hạng về tự do kinh tế..., thậm chí đánh giá rằng nước ta khó bứt phá lên hàng các nước phát triển.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, mạng lưới kết nối công nghệ, các nhà khoa học, doanh nghiệp đã được triển khai từ nhiều năm qua nhưng chưa thực sự hiệu quả. Những kết nối này, chưa tạo ra những sản phẩm giá trị, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. “Đây là lý do khiến không ít nhà khoa học, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài còn e dè với các lời mới hợp tác với các tổ chức trong nước”, ông Dũng nói.
Giải bài toán phát triển tới đây, đất nước rất cần phát triển khoa học - công nghệ, với mấu chốt là đổi mới và sáng tạo. Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nhân lực chính là “chìa khóa” của đổi mới sáng tạo. Do đó, tới đây, hoạt động của mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ vận hành khác, theo nghĩa các ý tưởng khoa học sẽ xuất phát từ nhu cầu cuộc sống. Doanh nghiệp sẽ đặt hàng, hỗ trợ các nhà khoa học, trí thức nghiên cứu sáng tạo. Các quỹ đầu tư thiên thần, quỹ đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp sẽ hỗ trợ tài chính để các nghiên cứu được triển khai.
Người Việt sẽ dịch chuyển lao động trong ASEAN nhiều hơn
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đang có khoảng 134.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2017. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam thông qua lượng kiều hối gửi về, nguồn thu ngoại tệ và kỹ năng tay nghề được nâng cao. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 ước đạt 13,81 tỉ USD, cao nhất từ trước tới nay và tăng 1,9 tỉ USD, tương ứng 16% so với năm 2016.
Dân số Việt Nam năm 2018 ước khoảng 94 triệu người, trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 55,16 triệu người, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về tỉ lệ lực lượng lao động, nguồn Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Chương trình Tam giác Khu vực ASEAN - Việt Nam, đang có khoảng 540.000 lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, hầu hết là lao động trẻ đến từ nông thôn, tay nghề thấp. Đài Loan (Trung Quốc), Nhật, Hàn Quốc, Ả Rập Xê-Út và Malaysia là những nước có đông lao động Việt Nam đến làm việc.
Theo kế hoạch, ASEAN có kế hoạch hoàn tất quá trình tham chiếu trình độ vào cuối năm 2018. Theo đó, các quốc gia phải thành lập Ủy ban tham chiếu trình độ ASEAN và tiến hành tham chiếu. Nhưng để nhanh chóng đạt được sự đồng thuận về công nhận trình độ khu vực, các chuyên gia cho rằng, cần tìm đến điểm chung cơ bản nhất của mỗi nước. ASEAN đang có 8 thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) về nghề nghiệp nhằm thúc đẩy lao động dịch chuyển lớn hơn trong khu vực trong 8 lĩnh vực: kỹ thuật, điều dưỡng, kiến trúc, khảo sát, hành nghề y khoa, nha khoa; dịch vụ kế toán và du lịch. Tuy nhiên, Việt Nam mới có 196 kỹ sư và 10 kiến trúc sư được công nhận là kỹ sư và kiến trúc sư ASEAN.
Sách Việt sang Nhật
Việc sách Việt Nam được xuất khẩu chính thức sang Nhật, một bước ngoặt quan trọng trong lan tỏa văn hóa Việt Nam tại đất nước Mặt trời mọc. Công ty Fahasa của Việt Nam và Tập đoàn Kinokunya đã hợp tác đưa khoảng 2.000 đầu sách, bao gồm nhiều thể loại như sách đang bán chạy tại Việt Nam, sách học tiếng Việt, Từ điển Tiếng Việt, sách chủ đề văn hóa, lịch sử, danh nhân, sách dạy nấu ăn và đặc biệt là truyện thiếu nhi tới đông đảo bạn đọc là người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật, cũng như bạn đọc người Nhật.
Kinokunya, một tập đoàn có 72 cửa hàng sách trên toàn nước Nhật, trải dài từ Hokkaido đến Kyushu. VOV dẫn lời ông Masashi Takai, Chủ tịch Kinokunya, về kế hoạch mở rộng bán sách Việt Nam ra các cửa hàng sách trên toàn nước Nhật. Hiện tại, có gần 250.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật, cạnh đó là hàng ngàn người Nhật muốn học tiếng Việt, nghiên cứu về Việt Nam, tiềm năng để phát triển thị trường sách Việt tại Nhật thời gian tới.
Giáo sư người Việt được tặng huy chương Vật lý Dirac
Trung tâm Quốc tế Abdus Salam về Vật lý Lý thuyết (ICTP, trụ sở tại Trieste, Ý) vừa công bố tên 3 nhà khoa học được trao Huy chương Dirac 2018 gồm: Giáo sư Đàm Thanh Sơn (Đại học Chicago), Subir Sachdev (Đại học Harvard) và Xiao-Gang Wen (Viện Công nghệ Massachusetts - MIT). Huy chương Dirac của ICTP được lấy theo tên của Paul Dirac, một trong những nhà vật lý lý thuyết vĩ đại nhất thế kỷ XX.
Thuyết nhiều vật (many-body theory) là một lĩnh vực của vật lý cung cấp khung hiểu biết đối với hành vi tập thể của một số lượng lớn các hạt tương tác với nhau. Trang web của ICTP cho biết, các nhà khoa học được huy chương Dirac năm nay đều là người dẫn đầu trong việc sử dụng các phương pháp đa ngành trong việc trả lời các câu hỏi vật lý lý thuyết nền tảng. Huy chương được trao cho 3 nhà khoa học “vì những đóng góp độc lập của họ cho sự hiểu biết các thể mới trong sự tương tác mạnh mẽ của các hệ nhiều vật và giới thiệu các kỹ thuật liên ngành gốc”.
Giáo sư Đàm Thanh Sơn sinh năm 1969 ở Hà Nội. Bố ông là giáo sư dược học Đàm Trung Bảo, mẹ là Phó Giáo sư - Tiến sĩ sinh hóa Nguyễn Thị Hảo. Ông Sơn hiện làm việc tại Đại học Chicago và là thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ.
Trại hè Duna Camp 2018 thu hút người Việt ở châu Âu
Sức hút từ Trại hè Duna Camp 2018 là những nội dung phong phú, hấp dẫn, thiết thực với thanh niên, sinh viên người Việt Nam đang sống và học tập tại châu Âu. Duna Camp 2018 được tổ chức tại thủ đô Budapest của Hungary, là dịp để thanh niên, sinh viên Việt Nam đang sống, học tập và làm việc tại các nước châu Âu giao lưu, học hỏi, tăng cường sự gắn bó, đồng thời bổ sung kiến thức và kỹ năng sống.
Dịp này, triển lãm ảnh “Tổ quốc giữa trùng khơi” đã trưng bày hàng trăm bức tranh, ảnh, bản đồ và tư liệu khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, giới thiệu về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như tiềm năng phát triển du lịch của đất nước.