Ảnh: baoquocte.vn.

 
Tuệ Anh Thứ Hai | 06/06/2022 07:00

Người Việt bốn phương

Tại Nhật, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Nhật (VJOIN) ban đầu được thành lập với khoảng 50 thành viên, hiện tại đã có gần 500 người.

Mạng lưới đổi mới sáng tạo ở Việt Nam mở rộng ra nước ngoài

Thành lập năm 2018, đến nay Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIN) ngày càng được mở rộng ra các nước. Từ khoảng 100 thành viên ban đầu, đến nay VIN đã có hàng ngàn thành viên là chuyên gia, trí thức người Việt ở các nước, với cùng tâm nguyện thu hút các nguồn lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam...

Là một trong những thành viên đầu tiên của VIN của nước ngoài, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Úc (NIC AU) ra đời từ tháng 12/2019 với tầm nhìn thúc đẩy “trao đổi đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ” chủ yếu giữa Úc, các nước tiên tiến khác và Việt Nam. 2 năm dịch bệnh COVID-19 cũng là thời điểm mạng lưới NIC ra đời ở nhiều nước châu Á.

Tại Nhật, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Nhật (VJOIN) ban đầu được thành lập với khoảng 50 thành viên, hiện tại đã có gần 500 người. Thời gian tới, VJOIN dự kiến xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia và công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ giữa Nhật với Việt Nam và tăng cường hợp tác quốc tế.

Ở Đài Loan (Trung Quốc), VIN Taiwan ra đời vào cuối năm 2021. Theo Tiến sĩ Võ Đức Thắng, Chủ tịch VIN Taiwan, mạng lưới này sẽ tiếp tục mở rộng thành viên trong cộng đồng tri thức người Việt tại Đài Loan, tổ chức các hội thảo hỗ trợ khởi nghiệp và xây dựng tuyển tập Khoa học và Công nghệ của Đài Loan...

Chính thức hoạt động từ tháng 7/2021, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc (VINK) hướng tới xây dựng cộng đồng khoa học người Việt Nam tại Hàn Quốc như cố vấn khoa học, chuyển giao công nghệ, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc, hỗ trợ khởi nghiệp liên quan đến công nghệ cao, tư vấn chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp công nghệ cao.

Ở châu Âu và Mỹ, các mạng lưới của VIN cũng lần lượt được thành lập với các hoạt động ngày càng đa dạng.

Lễ hội ẩm thực Việt tại Canada nhằm gây quỹ chống nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em 

Từ ngày 5-6/8/2022, lễ hội ẩm thực và văn hóa Việt Nam (Taste of Vietnam) sẽ được tổ chức tại Toronto, Canada.

Theo thông tin từ Ban tổ chức, Taste of Vietnam 2022 sẽ diễn ra tại Quảng trường Nathan Phillips với hơn 25 gian hàng ẩm thực đặc sắc, bên cạnh chương trình văn nghệ đầy sắc màu và rước đèn hoa đăng, trình diễn áo dài Việt. Lễ hội có sự tham gia của nhiều ca sĩ, vũ công người Việt, Canada, Philippines, Ukraine  và hơn 100 người mẫu tham gia trình diễn những bộ sưu tập áo dài độc đáo của các nhà thiết kế nổi tiếng. Đặc biệt, lễ hội năm nay sẽ kéo dài 2 ngày thay vì một ngày như vào năm 2019 và dự kiến thu hút trên 25.000 lượt khách.

 

Tổ chức Áo Dài Canada và đơn vị đồng tổ chức Better Futures For Kids Foundation từng gây ấn tượng với cộng đồng người Việt tại Canada cũng như cộng đồng địa phương với lễ hội Taste of Vietnam vào năm 2019. Lễ hội dành 100% tiền quyên góp cho mục đích từ thiện vì tương lai của trẻ em chịu thiệt thòi, giúp các em với các nhu cầu thiết yếu và giáo dục, bên cạnh việc ngăn chặn tình trạng buôn bán phụ nữ. 

Nhạc kịch về câu chuyện người Việt ở Mỹ

Được công chiếu trên sân khấu lớn ở Houston (bang Texas) từ ngày 27/5, vở kịch Câu Chuyện Về Tôi dài 90 phút kể về câu chuyện của 2 chị em người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ nhất, cùng lớn lên trong một gia đình truyền thống của người Việt trong xã hội Mỹ, theo báo Houston Chronicle.

Cách đây 4 năm, 2 biên kịch trẻ tuổi Mai Lê và Đạt Peter Tôn gặp nhau tại một sự kiện sáng tác về các cộng đồng da màu ở nước này. Cả 2 quyết định cần phải hợp sức và sáng tác một kịch bản có thể phản ánh văn hóa của người Việt và đưa lên sân khấu.

“Chúng tôi đều có rất nhiều ý tưởng, cảm xúc và rất muốn chứng kiến thêm nhiều câu chuyện về người Việt trên sân khấu”, cô Lê cho biết. “Chúng tôi chưa thấy được kịch bản nào có thể gây được tiếng vang đặc biệt đối với chúng tôi”, cô chỉ ra.

Toàn bộ ý tưởng mà cả 2 muốn chuyển tải là tìm ra ranh giới giữa bản sắc Việt và bản sắc Mỹ và chứng kiến sự thể hiện khác nhau của 2 bản sắc này qua nhân vật Lucy (người chị) và Philip (người em). Trong đó, Philip là người đồng tính nam, lớn lên trong gia đình truyền thống Việt. Còn Lucy là chị cả, đảm nhận trách nhiệm nặng nề hơn. Họ cùng nỗ lực để tìm đến tiếng nói chung và tôn trọng sự hiện diện của nhau như người thân trong một xã hội.

Giải bóng đá cộng đồng cho người Việt tại Anh

Ngày 29/5, cộng đồng người Việt tại Vương quốc Anh đã tổ chức Giải bóng đá người Việt lần thứ 3 năm 2022 tại thành phố Birmingham.

Ảnh: TTXVN
Ảnh: TTXVN

Đây là giải bóng đá thường niên, lớn nhất của cộng đồng trong những năm qua, quy tụ được hơn 1.000 người Việt đang sinh sống, làm ăn tại nhiều vùng khác nhau trên khắp Vương quốc Anh tham gia thi đấu và cổ vũ.

Năm nay, giải có sự tham gia của  21 đội bóng, đại diện cho các cộng đồng người Việt đang sinh sống, làm ăn tại các vùng khác nhau của Vương quốc Anh như London, Birmingham, Leed, Glasgow, Liverpool... cũng như đông đảo cộng đồng đến tham gia cổ vũ. Thành phố Birmingham, nơi tổ chức giải, hiện có số lượng người Việt làm ăn, sinh sống và học tập lớn thứ 2 tại Vương quốc Anh, sau thủ đô London.