Bà CamBinh Nguyen, đã dạy võ Vovinam cho hàng ngàn trẻ em ở San Jose, bang California.
Người Việt bốn phương
Người phụ nữ 40 năm truyền bá võ Vovinam ở Mỹ
Trong gần 40 năm qua, bà CamBinh Nguyen, đã dạy võ Vovinam cho hàng ngàn trẻ em ở San Jose, bang California.
Đam mê võ thuật từ nhỏ, khi sang Mỹ, bà CamBinh tới tận nhà học trò để huấn luyện trước khi bà mở được các lớp ngoại khóa ở trường tiểu học Kennedy, công viên Rossevelt và tiểu học Franklin. Câu lạc bộ của bà lớn mạnh dần nhờ nhiệt huyết và tận tâm của người sáng lập, học viên có cả các em 5 tuổi và cả những cụ 75 tuổi. Ngoài võ thuật, Câu lạc bộ còn tổ chức biểu diễn múa lân và các điệu múa truyền thống Việt Nam vào cuối tuần. Tiền kiếm được từ các hoạt động biểu diễn đều được tái đầu tư vào lớp học.
Bà CamBinh đã cống hiến cả đời để học và dạy võ thuật. Lớn lên ở Việt Nam, từ nhỏ bà đã học Judo và Taekwondo trước khi luyện môn võ cổ truyền Vovinam.
Sau khi tới San Jose định cư năm 1981, bà CamBinh gia nhập Câu lạc bộ Vovinam ở Campbell để tiếp tục luyện tập. Vài năm sau, khi Câu lạc bộ Campbell đóng cửa, bà thành lập Câu lạc bộ Vovinam San Jose.
Trước khi COVID-19 bùng phát, Câu lạc bộ của bà mỗi ngày dạy hơn 100 học trò. Do đại dịch, bà CamBinh không thể dạy ở trường nữa. Lớp của bà chỉ còn 20 học sinh, luyện tập sau sân nhà.
Ngày hội âm nhạc của thiếu nhi Việt toàn cầu
Mới đây, Trường Yêu Tiếng Việt tại Brisbane, Úc đã tổ chức một chương trình văn nghệ trực tuyến cho thiếu nhi Việt trên khắp thế giới. Hơn 40 em nhỏ ở Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan, Nhật, Hàn Quốc... cùng tham gia vào nhạc hội mang tên Yêu Tết, với khoảng hơn 40 tiết mục biểu diễn văn nghệ, piano, violin, sáo, múa, vẽ tranh...
Tiến sĩ Nguyễn Thế Dương, Giám đốc Điều hành Trường Yêu Tiếng Việt, đồng thời là đồng tác giả của bộ sách “Tiếng Việt của em”, giáo trình đầu tiên tiếp cận việc dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ 2 cho trẻ em người Việt ở nước ngoài, chia sẻ: “Khi đại dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng ở nhiều quốc gia, việc học tiếng Việt với các em học sinh người Việt trên khắp thế giới đã không bị đứt đoạn. Nhờ có các nền tảng học tập trực tuyến đa dạng và tiện lợi, các em vẫn có thể duy trì các lớp học tiếng Việt dù ở bất cứ nơi đâu”.
Lần đầu Viện nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa có nữ tiến sĩ người Việt
Viện Nghiên cứu học thuật của Đại học Thanh Hoa, trường đại học hàng đầu Trung Quốc, nơi được mệnh danh là “Harvard châu Á”, mới đây đã tiếp nhận một nữ tiến sĩ Việt Nam. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại đại học này, Nguyễn Thị Thu Hà (sinh năm 1985, quê Hải Phòng) được giữ lại Viện Nghiên cứu học thuật và Thực hành kinh tế Trung Quốc. Hiện Thu Hà chủ yếu nghiên cứu về kinh tế các nước ASEAN, xử lý số liệu, mô hình để làm những đề tài nghiên cứu và đăng các bài báo khoa học.
Khi học hệ thạc sĩ, cô là thành viên trong Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN (thuộc Đại học Quảng Tây) và cùng thầy hướng dẫn nghiên cứu về thị trường chứng khoán của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Nhờ đó, Thu Hà được tiếp xúc với các số liệu của Tổng cục Thống kê TP.HCM, Viện Nghiên cứu tài chính, đầu tư và hợp tác thương mại Đông Nam Á. Và bài báo đầu tiên của cô được in mang tên “Thực trạng và giải pháp của thị trường chứng khoán Việt Nam và chiến lược hội nhập quốc tế”.
Năm Thu Hà giành được học bổng tiến sĩ tại Đại học Thanh Hoa, cả khoa có 10 tiến sĩ ngành tài chính thì 8 người là người Trung Quốc, chỉ có 2 du học sinh.
Tu nghiệp sinh nông nghiệp tại Israel tổ chức hoạt động chào năm mới
Ngày 8-9/2, nhóm tu nghiệp sinh nông nghiệp Việt Nam đang học tập và làm việc tại Trung tâm Đào tạo nông nghiệp quốc tế Avara (AICAT) của Israel đã tổ chức các hoạt động chào năm mới và trao quà ủng hộ nhằm giúp đỡ các bạn học gặp khó khăn.
Tham dự chương trình có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Israel, lãnh đạo trung tâm AICAT, đông đảo sinh viên Việt Nam và bạn bè quốc tế. Tại đây, sinh viên Việt Nam đã cùng các vị khách mời chia sẻ những trải nghiệm đáng nhớ kể từ khi đặt chân tới Israel. Những tiết mục văn nghệ do các bạn sinh viên tự chuẩn bị và trình bày đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả. Chương trình chào Xuân đã tạo được bầu không khí đầm ấm, vui tươi trong dịp năm mới Nhâm Dần, góp phần tăng cường tình đoàn kết, gắn bó lẫn nhau giữa các sinh viên Việt Nam đang học tập, làm việc tại Israel, cũng như với bạn bè từ nhiều nước khác trên thế giới.
Nhóm sinh viên Việt Nam tại AICAT nhân dịp năm mới cũng đã tổ chức quyên góp ủng hộ để giúp đỡ các bạn học gặp khó khăn trong cuộc sống. 12 sinh viên được trao quà lần này là những người có hoàn cảnh gia đình tại Việt Nam khó khăn cũng như được phân về làm việc tại các trang trại ở Israel có mức lương thấp hơn những nơi khác.
Ăn Tết Việt ở châu Phi
Cũng như những năm trước, năm nay Đại sứ quán Việt Nam tại Mozambique, Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania tiếp tục tổ chức Tết cộng đồng. Tại đây, mọi người sẽ được ăn các món ăn truyền thống trong ngày Tết do cộng đồng làm hoặc gửi từ Việt Nam sang, tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, nhận lì xì, tham gia chương trình bốc thăm trúng thưởng... Trước đó vài ngày, các gia đình người Việt tại Mozambique và Tanzania cùng nhau mua gạo, thịt, đậu và tìm lá chuối để gói bánh chưng, cùng nhau gói giò xào... và tổ chức ăn tất niên, đón giao thừa cùng nhau, chúc Tết nhau.
Cũng tại châu Phi, trong 2 ngày 4-5/2, đoàn Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria do Đại sứ Nguyễn Thành Vinh dẫn đầu đã đến thăm, chúc Tết bà con kiều bào, người gốc Việt và lao động Việt Nam đang làm việc tại Algeria. Còn ở Ai Cập, trong đêm giao thừa, Đại sứ quán Việt Nam đã tổ chức Tết cộng đồng, chào đón Xuân Nhâm Dần 2022 tại khuôn viên trụ sở Đại sứ quán ở thủ đô Cairo, với sự tham dự của cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, đông đảo bà con người Việt đang sinh sống, công tác và học tập tại đất nước Kim Tự Tháp cùng bạn bè quốc tế.