TTXVN
Người Việt bốn phương
Việt Nam và Myanmar: Thúc đẩy đào tạo ngôn ngữ
Lần đầu tiên của bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Myanmar thăm và làm việc tại Việt Nam để tăng cường quan hệ hợp tác song phương. Sau buổi làm việc cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai bên thống nhất tiếp tục tăng cường quan hệ toàn diện, đưa hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực, trong đó đào tạo ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Myanmar sẽ được đẩy mạnh.
Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư được hai bên tiếp tục duy trì 12 lĩnh vực. Việt Nam đã có gần 170 hiện diện thương mại tại Myanmar dưới nhiều hình thức: văn phòng đại diện, chi nhánh công ty, công ty liên doanh và công ty 100% vốn Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương đạt 434,7 triệu USD năm 2015 và 548,3 triệu USD năm 2016, vượt mục tiêu kim ngạch 500 triệu USD mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt ra. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 828,3 triệu USD, tăng 51% so với năm 2016.
"Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” tại séc, Nga, Hungary và Đức
Lần đầu tiên "Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu’’ được phát động đồng loạt tại Cộng hòa Séc, Nga, Hungary và Đức, theo một kịch bản chung phù hợp điều kiện của cộng đồng kiều bào ở từng nước. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài từ nhiều năm qua đã tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương, nhưng hoạt động này còn mang tính nhỏ lẻ, chưa thống nhất, nên hiệu quả quảng bá văn hóa Việt Nam ở nước ngoài chưa cao. Việc thống nhất tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, 10.3 âm lịch, theo Dự án ‘’Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu”, mang tính xã hội hóa, kinh phí do các hội đoàn cộng đồng kiều bào Việt tại các nước tham gia đóng góp và phối hợp tổ chức.
Hiện thực hóa “Ngày Quốc tổ toàn cầu”, nội dung đã được Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, ông Nguyễn Phú Bình, kiến nghị tới Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 8 (khóa VIII) nhiệm kỳ 2014-2019, thể theo nguyện vọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và trong nước.
Điều chỉnh tên gọi từ “Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương” thành “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu” theo ý kiến của kiều bào, nhằm tôn thêm tính chất thiêng liêng của ngày này trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Ngày 10.3 âm lịch tính sang dương lịch mỗi năm sẽ khác nhau và các hoạt động cộng đồng thường tổ chức vào ngày cuối tuần. Vì vậy, ở mỗi quốc gia, cộng đồng người Việt có thể linh hoạt chọn ngày dương lịch gần với ngày 10.3 âm lịch (trước hoặc sau).
Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài đã tiếp nhận Nhóm sáng kiến và thống nhất thành lập Ban vận động cho “Ngày Quốc tổ toàn cầu”, với Ban Cố vấn và Ban Thư ký, là các nhân sĩ, trí thức danh tiếng, có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, văn hóa, xã hội. Ban Vận động cũng đã làm việc với lãnh đạo một số Hội người Việt Nam tại các nước để phát động cuộc vận động này vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay.
Để tạo hiệu ứng cao, Ban Vận động đã chọn địa bàn trọng điểm để tổ chức là Cộng hòa Séc, nơi có cộng đồng người Việt Nam tương đối lớn, có truyền thống đoàn kết và kinh nghiệm tổ chức thành công nhiều hoạt động cộng đồng trong nhiều năm qua. Cạnh đó, Ban Vận động cũng chọn một số địa bàn khác như Nga, Hungary, Đức, Ukraina, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia..., để tổ chức vận động nếu đủ điều kiện.
Căng thẳng Syria: Công dân Việt liên hệ +98212411670
Tình hình căng thẳng tại Syria những ngày gần đây, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, thông báo, trong trường hợp khẩn cấp, công dân Việt có thể liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Iran (kiêm nhiệm Syria) theo số điện thoại trực bảo hộ công dân: +98212411670 hoặc người thân tại Việt Nam có thể liên hệ với tổng đài bảo hộ công dân theo số điện thoại: +84981848484 để được trợ giúp kịp thời.
Cục Lãnh sự cũng khuyến cáo công dân Việt Nam không nên đến Syria hoặc các khu vực lân cận (có thể bị ảnh hưởng) trong thời gian này cho đến khi tình hình ổn định trở lại để tránh những nguy hiểm, rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, sáng 14.4 (giờ Việt Nam) đã ra lệnh tiến hành các vụ tấn công chính xác nhằm vào năng lực vũ khí hóa học của Syria. Trong phát biểu được truyền hình trực tiếp, Tổng thống Trump khẳng định Mỹ sẽ duy trì biện pháp đáp trả quân sự này cho đến khi Syria dừng sử dụng vũ khí hóa học. Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Trump, một vụ nổ lớn đã xuất hiện tại thủ đô Damascus của Syria.
Kết nối 17 doanh nghiệp với sinh viên tại Nhật
Các sinh viên Việt Nam vừa có buổi giao lưu với 17 doanh nghiệp hàng đầu khu vực Kyushu của Nhật. Theo Hội Hữu nghị Kyushu - Việt Nam, cơ hội cho cả hai bên đang mở ra. Các sinh viên đã trực tiếp trao đổi với đại diện 17 công ty để hiểu rõ hơn về thông tin tuyển dụng cũng như cơ hội việc làm. Ở chiều ngược lại, các công ty ở Kyushu có thể tuyển dụng các sinh viên trình độ cao, phù hợp với nhu cầu của công ty.
Đây là năm thứ 2, Hội Hữu nghị Kyushu - Việt Nam tổ chức giao lưu doanh nghiệp và sinh viên Việt Nam, với số lượng doanh nghiệp tham dự tăng gấp 3 lần và số trường đại học cũng tăng từ 3 lên 5 trường. Sau chương trình năm 2017, đã có nhiều sinh viên Việt Nam được tuyển dụng. Hội Hữu nghị Kyushu - Việt Nam đặt mục tiêu thu hút được đông đảo sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp đại học tại vùng Kyushu đến làm việc tại các công ty địa phương của Nhật.
“Ngày Việt Nam” kết nối sinh viên Việt - Nga
Lần thứ 4 tổ chức, “Ngày Việt Nam” tại Đại học Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO), đã trở thành sân chơi hữu ích với sinh viên học tiếng Việt, học văn hóa Việt Nam, đồng thời kết nối thanh niên hai nước Việt - Nga.
Các sinh viên Việt Nam theo học tại các cơ sở đào tạo của Nga đang phát huy tinh thần hiếu học của người Việt Nam, học tập tốt và rèn luyện tư cách đạo đức, tác phong để trở thành công dân có trách nhiệm, đóng góp tích cực và hiệu quả cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Những đề tài thời sự như thách thức toàn cầu đối với thanh niên Việt Nam và hợp tác Nga - Việt, vai trò của thanh niên trong cuộc cách mạng 4.0 tại Nga và Việt Nam, cũng đã được chia sẻ trong dịp này.
Theo Bộ Khoa học và Giáo dục của Nga, hiện có khoảng 5.000 công dân Việt Nam học tập ở Nga, trong số này có 2.000 sinh viên theo học theo hiệp định giữa 2 chính phủ. Phía Nga dự kiến nâng số sinh viên Việt Nam tại cơ sở giáo dục này lên 200, góp phần đạt mục tiêu năm 2020 tiếp nhận 1.000 du học sinh Việt Nam tới học tại các trường đại học của Nga.
“Ngày Việt Nam” tại MGIMO đã trở thành sân chơi ngày càng có nội dung hữu ích và thiết thực từ góc độ thực hành đối với sinh viên học tiếng Việt, học văn hóa Việt Nam, cũng như từ góc độ mở rộng giao lưu giữa thanh niên hai nước Việt - Nga, tiếp xúc với cộng đồng khoa học.