Người Việt bốn phương
Hội nghị tổng kết công tác phối hợp giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV), ông Nguyễn Phú Bình đã dự Hội nghị tổng kết thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2017, triển khai công tác phối hợp năm 2018, do Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì.
Năm 2018, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Chủ tịch nước yêu cầu Văn phòng Chủ tịch nước và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu với Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, triển khai thực hiện những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, cũng như các hoạt động ngoại giao và công tác kiều bào.
120 kiều bào dự tọa đàm về bầu cử ở Hungary
Lần đầu tiên, một hoạt động phổ cập kiến thức cơ bản về đời sống chính trị Hungary được cộng đồng Việt tổ chức, cho thấy sự quan tâm của bà con Việt kiều trước sự kiện chính trị quan trọng nhất của nước sở tại. Những thông tin về hệ thống bầu cử, thể thức của kỳ bầu cử cũng như cương lĩnh của các đảng phái chính trị ở Hungary là những nội dung chính được bàn thảo tại tọa đàm lần này.
Cộng đồng Việt Nam tại Hungary là một trong những cộng đồng ngoại kiều có nhiều nỗ lực mang tính xây dựng nhất trong hội nhập, Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời ông Szatmáry Kristóf, một Đại biểu Quốc hội, ứng viên nghị sĩ đảng FIDESZ thuộc Khu vực Bầu cử số 13, gồm Quận 16 và một phần Quận 14, Budapest, nơi có đông người Việt sinh sống. Ông Szatmáry Kristóf, người từng giữ cương vị quan trọng, như Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế Quốc dân Hungary, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Budapest, suốt hơn 10 năm qua, đã có mối quan hệ mật thiết với cộng đồng người Việt ở quốc gia này. Ông Szatmáry Kristóf đã nhiều lần tới thăm và làm việc tại Việt Nam.
“Lớp tiếng Việt yêu thương” ở Hàn Quốc
Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc đã khai giảng “Lớp tiếng Việt yêu thương” tại Seoul, Hàn Quốc, nhằm thay đổi tình trạng hầu hết con em các gia đình đa văn hóa Việt - Hàn không nói được tiếng Việt. Con em các gia đình người Việt sẽ đến lớp vào chiều Chủ nhật mỗi tuần, kể từ tháng 4 đến 12 hàng năm. Giáo trình là bộ sách tiếng Việt do Bộ Bình đẳng giới Hàn Quốc biên soạn dành riêng cho việc giáo dục trẻ em các gia đình đa văn hóa Hàn - Việt. Phụ trách các lớp học là 6 thầy, cô giáo có kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt cho trẻ em.
Theo kế hoạch, Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc thời gian tới sẽ mở thêm các điểm trường ở khắp các tỉnh thành trên toàn Hàn Quốc. Trong tương lai gần, một lớp học mới sẽ mở cửa đón 80 em, độ tuổi từ 6-14, đến học tiếng Việt. Hội hy vọng, các lớp học sẽ giúp thế hệ thứ 2 người Việt Nam ở Hàn Quốc có thêm cơ hội học tiếng Việt, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của đất nước.
Cháy chung cư ở Bangkok, 13 người Việt bị thương
Đám cháy chung cư Rajtevee Apartment, Soi Phetchaburi 18 ở Bangkok, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, xác nhận, trong số 3 người thiệt mạng đã xác định được 2 nạn nhân không phải là người Việt Nam, 1 nạn nhân hiện chưa xác định được danh tính. Trong số những người bị thương có 13 người Việt Nam. Hiện những người bị thương đang được theo dõi và điều trị trong 4 bệnh viện, tình trạng hồi phục tốt, một số người đã được xuất viện. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán theo dõi sát vụ việc, giữ liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại cập nhật thông tin và sẵn sàng tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân.
Chung cư Rajtevee có 2 tòa nhà, được xây dựng cách đây vài chục năm, nằm gần Đại học Chula, nơi có nhiều sinh viên Việt Nam sinh sống. Theo BBC, thời điểm bị cháy có 19 sinh viên Việt Nam đang sinh sống trong tòa nhà. Một số sinh viên Việt Nam vừa trở về nước để thăm gia đình nên tránh được vụ hỏa hoạn.
“Con đường trên núi” của Síu Phạm đoạt giải Phim Thi Vị tại Mỹ
Phim “Con đường trên núi” (On the endless road) của đạo diễn Síu Phạm vừa đoạt giải Phim Thi Vị (Poetic Cinema) tại Mỹ. Sống, học tập và làm việc ở Thụy Sĩ trong nhiều năm, nhưng đạo diễn Síu Phạm chọn làm phim ở Việt Nam bởi bà là người Việt, muốn chuyển tải vào phim một xã hội “đang chuyển mình một cách mãnh liệt” với “một bạo lực ngầm trong những thay đổi hối hả của đời sống hằng ngày, dung dị”.
Không gặp những trở ngại lớn lao khi về Việt Nam làm phim, BBC Tiếng Việt dẫn lời đạo diễn”Con đường trên núi”. Theo bà, giống như ở các nước khác, về thủ tục giấy tờ đều phải chịu nhiều luật lệ hành chính, phép tắc. Ngược lại, với tôi làm phim ở Việt Nam hội tụ một yếu tố căn bản cần thiết nhất. Đó là niềm đam mê công việc. Tôi đã gặp rất nhiều thuận lợi trong giới trẻ, những tài năng mới hăng say, nhiệt huyết và rất chịu khó.
Điều này rất hiếm, không thể có được ở Âu châu vì ở đó tất cả đã trở thành quy củ và phải tốn rất nhiều tiền. Thế nhưng, có “một bạo lực ngầm” trong những thay đổi hối hả của đời sống hằng ngày, dung dị khiến tôi muốn làm sao đưa được vào phim. Tôi muốn được tìm hiểu và đối diện với vẻ đẹp của thế giới cùng với tính chất bạo lực của nó, nhưng lúc nào tôi cũng đề cao cảnh giác để đừng cho công việc của tôi rơi vào "lexotisme", tạm dịch là bề nổi của những khác lạ (của một đất nước) dùng để hấp dẫn khách du lịch. Có thể nói, tôi chỉ kể những câu chuyện ở một góc độ thị giác riêng tư của tôi, tôi không phán xét. Khán giả sẽ phải tham gia vào phim, họ tự hiểu theo cách của họ.
Đạo diễn Síu Phạm tới Thụy Sĩ cách đây hơn 30 năm. Bà học lịch sử nghệ thuật, viết kịch bản cho Focal & Fonction Cinéma Suisse và phân tích phim tại Đại học Geneva. Sau khi giành được chứng chỉ Dance and Drama ở Butoh, bà làm việc tại Geneva với vai trò đạo diễn kịch hình thể đương đại. Cùng với chồng, Jean-Luc Mello, Síu Phạm đã thực hiện 3 bộ phim tại Việt Nam bao gồm “Đó... hay đây” (2010), “Căn phòng của Mẹ” (2012) và “Con đường trên núi” (2015). “Căn phòng của mẹ” từng giành giải Nhãn quan độc đáo (Best Unique Vision) tại Liên hoan Phim Queens World.