Kiều bào Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam và là một bộ phận nguồn lực của dân tộc Việt. Ảnh: baoquocte.vn.
Người Việt bốn phương - 716
Trải nghiệm Tết Việt ở thủ đô Moscow, Nga
Trong 2 ngày 13 và 14.2, Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Moscow đã tổ chức chương trình văn hóa ẩm thực độc đáo nhân dịp Tết Nguyên đán năm Tân Sửu. Tết vốn là dịp lễ lớn và quan trọng nhất trong năm với người Việt, là cơ hội để nhiều người đoàn tụ với gia đình, người thân sau nhiều ngày xa cách.
Trong không khí rộn ràng ngày Tết truyền thống, cộng đồng người Việt tại Nga và người dân địa phương được thưởng thức các tiết mục hát, múa, trình diễn thời trang áo dài truyền thống, biểu diễn âm nhạc dân tộc, võ thuật cổ truyền.
Bên cạnh đó, khách tham quan còn có thể tham gia các lớp hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống, viết thư pháp, trải nghiệm ẩm thực Việt Nam và mua sắm các đồ thủ công mỹ nghệ độc đáo.
Những cây cầu kết nối quê hương từ tấm lòng kiều bào Việt
Như một lời khẳng định “Kiều bào Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam và là một bộ phận nguồn lực của dân tộc Việt” từ nhiều năm qua, “Nhóm VK” tại TP.HCM, những kiều bào yêu nước đã và đang nỗ lực thực hiện chương trình thiện nguyện xóa 270 cây cầu khỉ, cầu tre, cầu ván, cầu tạm khắp các vùng miền trong cả nước, góp phần tạo thêm động lực phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao chất lượng sống cho người dân địa phương.
“Những chiếc cầu VK đã xây không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực trong cuộc sống mà sẽ tạo nên hiệu ứng khơi gợi bùng cháy ý thức của xã hội hướng đến những người dân còn khó khăn trong cuộc sống như khẩu hiệu của nhóm VK là Vì cộng đồng một lòng chung tay”, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, đồng sáng lập nhóm VK, chia sẻ.
Ông Lê Phan Khôi, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại - sản xuất Tân Hóa (INNOCHEMS), quận Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết: “Chúng tôi đã sẵn sàng tiếp nhận và sẽ nỗ lực để tiếp tục chuyển tải những thông điệp giàu lòng nhân ái của thế hệ khởi xướng nhóm VK vào thực tế cuộc sống”.
Nhóm nghiên cứu người Việt tại Úc được tài trợ phát triển pin mặt trời thế hệ mới
Cơ quan Năng lượng Tái tạo Úc vừa cấp khoản tài trợ trị giá 1 triệu AUD cho dự án phát triển pin mặt trời thế hệ mới thuộc nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiếu.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiếu hiện là giảng viên cao cấp ngành năng lượng điện mặt trời tại Đại học Quốc gia Úc. Về khoản tài trợ này, Tiến sĩ Hiếu cho biết nhóm nghiên cứu của ông sẽ sử dụng phần lớn số tiền cho việc phát triển thêm các thiết bị tiên tiến giúp các nhà nghiên cứu đo đạc chính xác hơn tính chất quang điện tử của những vật liệu năng lượng mặt trời. Công nghệ mới này sẽ là bước tiến trong quá trình khai thác tiềm năng của quang điện như là một nguồn năng lượng sạch, giá cả phải chăng và bền vững.
Số tiền còn lại sẽ được dùng để đào tạo các nghiên cứu sinh về cách thức vận hành và ứng dụng. Nhóm nghiên cứu hy vọng đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành cơ bản việc lắp đặt các thiết bị và phương pháp đo đạc. Sau đó, nhóm nghiên cứu sẽ áp dụng vào những vật liệu năng lượng khác nhau do các công ty năng lượng và nhóm nghiên cứu khác cung cấp.
Tiến sĩ người Việt sở hữu nhiều bằng sáng chế của Mỹ
Từng 2 lần bắt đầu học ngôn ngữ, Tiến sĩ Trịnh Công đã trở thành quản lý cao cấp của nhóm nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại một tập đoàn hàng đầu thuộc Thung lũng Silicon.
“Với vốn tiếng Anh gần như bằng không, tôi bắt đầu đặt mục tiêu phải lọt vào nhóm những sinh viên xuất sắc, để có cơ hội nhận được học bổng”, Tiến sĩ Trịnh Công chia sẻ về lý do chọn học hệ Kỹ sư Hóa học của Trường Đại học Tổng hợp Saint Petersburg, Nga vào năm 2003.
Tiến sĩ Trịnh Công đã trở thành quản lý cao cấp của nhóm nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại một tập đoàn hàng đầu thuộc Thung lũng Silicon. Ảnh: vietnamnet.vn. |
Gần một năm vừa học ngôn ngữ, vừa học chuyên ngành, khi việc nói tiếng Nga đã dần trôi chảy, chàng sinh viên Trịnh Công khi đó đã là tác giả của 4 bài báo khoa học. Các giáo sư trong trường đều đánh giá, đây là thành tích vượt trội mà một sinh viên đại học, đặc biệt là một sinh viên quốc tế gặp rào cản ngôn ngữ có thể đạt được.
Tuy nhiên, đến năm 2008 anh Công quyết định theo đuổi việc học Tiến sĩ tại University of Southern California (Mỹ). Trong 2 năm cuối của chương trình nghiên cứu sinh, anh Công bứt phá với 3 bằng sáng chế và 6 bài báo khoa học được công bố.
Sau 8 năm miệt mài phấn đấu, giờ đây Tiến sĩ Trịnh Công là quản lý cao cấp tại Tập đoàn Applied Materials chuyên cung cấp nguyên liệu bán dẫn hàng đầu thế giới với doanh thu đạt gần 20 tỉ USD.
Gia đình tiến sĩ Việt đón Tết ở Anh
Nỗi nhớ nhà tăng lên nhiều lần vì đại dịch COVID-19 nên nhiều gia đình người Việt tại Anh không về được nước đón Tết cũng như gặp gỡ cộng đồng kiều bào tại đây. Gia đình Tiến sĩ Vũ Quốc Huy cũng cố gắng chuẩn bị Tết sao cho càng giống Việt Nam càng tốt để cho các con hiểu được văn hóa cội nguồn.
Cộng đồng người Việt tại Anh khá đông nên hầu hết mọi thứ cần thiết cho một bữa tất niên đều có thể mua được. Bánh chưng, giò, măng... đều có thể mua dễ dàng hoặc mua nguyên liệu về tự làm. Năm nay vì COVID-19 nên cả gia đình đều ở nhà, do vậy không khí cũng ấm cúng hơn.
Đặc biệt hơn, các con của Tiến sĩ Vũ Quốc Huy còn sáng tạo ra việc mở cửa sổ chơi piano cho người qua đường nghe và gây quỹ từ thiện. Bằng việc chơi đàn hằng ngày, hai bé đã gây quỹ được hơn 100 bảng Anh (hơn 3 triệu đồng) trong 1 tuần.
Tiến sĩ Vũ Quốc Huy chia sẻ: “Tôi nhận thấy học sinh Việt Nam rất thông minh nên nếu có cơ hội được tiếp xúc cách học tập và phương pháp tư duy mềm như học sinh Anh thì các em sẽ bộc lộ được nhiều tài năng”.
Vợ chồng Tiến sĩ Vũ Quốc Huy cũng giúp đỡ các học sinh ở Việt Nam bằng cách mở một cầu nối về giáo dục để đưa cơ hội hưởng nền giáo dục ở Anh dù là học online hay du học trong 3 năm qua.