Người tìm “VISA” cho rau quả Việt
Chạy xe máy rất “nghề” len lỏi qua con đường tấp nập của quận Gò Vấp, TP.HCM để đến điểm hẹn, thoạt nhìn, khó đoán biết người đàn ông dung mạo trẻ trung, nói chuyện dí dỏm cùng chất giọng Huế trầm ấm là một tiến sĩ nông nghiệp đã ngoài 70 tuổi. Tự nhận mình đã đến tuổi về hưu, người ta vẫn thấy rõ sự nhiệt huyết trong suốt buổi trò chuyện cùng Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng, người có gần 40 năm cống hiến cho nền nông nghiệp Úc và Việt Nam.
Dự án 300 triệu AUD
Quê gốc Thừa Thiên - Huế, sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ nông nghiệp tại Nhật năm 1977, Tiến sĩ Vọng băn khoăn giữa ý định trở về hay tiếp tục tu nghiệp ở nước ngoài. Nhờ câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi ấy “Hãy ở nước ngoài để giúp đất nước nhiều hơn”, ông Vọng ở lại Nhật, rồi sau đó sang Úc với ý định học hỏi từ nền nông nghiệp có tỉ lệ xuất khẩu nông sản hơn 60%.
Tại đất nước chuột túi, ông là chuyên gia ở Bộ Nông nghiệp bang New South Wales chuyên nghiên cứu phát triển và tạo giống rau quả, chủ yếu về rau quả châu Á như cà chua, dưa leo, xà lách và trà xanh Nhật.
Trong thời gian làm việc tại Úc, ông Vọng nhận thấy nước này xuất khẩu nhiều lúa mì, thịt bò và lông cừu đi các nơi, nhưng sang Nhật rất ít. Trong khi Nhật chi đến 5 tỉ USD mỗi năm để nhập rau quả. Ông Vọng đã đề nghị với Chính phủ Úc nghiên cứu sản xuất rau quả châu Á để xuất khẩu. Mười năm sau, dự án nghiên cứu thành công và đem về cho Úc hơn 300 triệu AUD vào năm 2015, mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Úc phát biểu trước Quốc hội vinh danh Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng là nhà khoa học rau quả châu Á hàng đầu của Úc.
Một thành tựu khác của ông là đề xuất nghiên cứu trà xanh thay cho trà đen được tiêu thụ tại Úc và hướng đến xuất khẩu. Ông Vọng cho biết người Úc chỉ quen uống trà đen, trong khi hàm lượng chống ôxy hóa trong trà xanh cao gấp 10 lần. Đồng thời, Nhật là đất nước trà đạo, nhập khẩu hằng năm 60.000-70.000 tấn trà xanh và vẫn đang tìm nguồn hàng từ khắp nơi trên thế giới.
Đề xuất của ông được Bộ Nông nghiệp đồng ý và cấp 100.000USD để khởi động chương trình nghiên cứu vào năm 1996. Mọi phương pháp canh tác, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch, chế biến... đều chủ trương đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của Nhật. Đề án nghiên cứu cần đến 5 năm, nhưng chỉ sau 2 năm, đoàn đối tác người Nhật đã tìm đến nhóm nghiên cứu của ông Vọng khi nhận thấy trà xanh Úc trái mùa với Nhật, cho thu hoạch vào tháng 9 có chất lượng cao, trùng với thời điểm người Nhật thưởng trà xuân với nhu cầu tăng hơn bình thường gấp 5 lần.
Dự án nghiên cứu của ông Vọng được đoàn Nhật và Chính phủ Úc tài trợ thêm số tiền gần 1 triệu USD để tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên, năm 2006, ông được lời mời về nước làm việc nên đành rút khỏi dự án này. Song, trong lần trở lại Úc vào năm 2016, ông cho hay dự án trà xanh đã thành công khi Úc xuất khẩu được chè túi Sencha, Ryokucha và chè bột Matcha sang Nhật với giá hơn 100 AUD/kg.
Chuyển lúa qua rau quả
Được về cống hiến cho đất nước là nguyện vọng của ông Vọng cùng vợ là bà Thanh Tuyền, một nhà hóa học. Ông từng chia sẻ niềm vui trong những ngày làm việc tại Hà Nội là sáng nào vợ chồng ông cũng đi bộ đến lăng Bác, dự lễ chào Quốc kỳ lúc 6h30 rồi về đi làm.
Chấp nhận mức lương đủ sống, hằng ngày, người ta thấy một ông tiến sĩ chạy xe máy trên quãng đường hơn 35km mù mịt bụi để đến chỗ làm, rồi nay tỉnh này mai tỉnh khác, lấm lem như một nông dân thực thụ. Năm 2007, ông là người dịch quy trình nông nghiệp GAP cho các nước cộng đồng chung Á châu sang tiếng Việt và cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng 6 quy trình VietGAP cho rau quả, trà, gia cầm, lợn, sữa bò và mật ong cho Việt Nam.
Từ đó đến nay, ông là chuyên gia của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và dành nhiều thời gian để xây dựng một Trung tâm Xuất sắc Rau Hoa quả cho Viện, đồng thời hỗ trợ ký kết những dự án hợp tác giữa các tổ chức nước ngoài với ngành nông nghiệp Việt Nam.
Trung tâm Xuất sắc (center of excellence) là mô hình đã được một số quốc gia trên thế giới vận hành trong nhiều lĩnh vực. Đó là nơi tập trung các chuyên gia hàng đầu trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Ví dụ trong nông nghiệp, trồng cây là việc của nông dân, nhưng nếu có một tập hợp chuyên gia xuất sắc trong tất cả các khâu từ chuẩn bị hạt giống - gieo hạt - quản lý trồng trọt, bón phân, phòng trừ sâu bệnh - thu hoạch - xử lý sau thu hoạch - thiết kế bao bì - đưa ra thị trường... thì hiệu quả cuối cùng sẽ nâng cao rõ rệt.
Lý giải vì sao tập trung cho rau quả chứ không phải lúa gạo, ông Vọng cho biết kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2016 đạt 2,5 tỉ USD, vượt qua lúa gạo là 2,2 tỉ USD đang trong tình trạng trì trệ do hạn, mặn làm giảm sản lượng và giá thành. Tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc (FAO) thống kê giá trị ngành gạo thế giới khoảng 16-17 tỉ USD, trong khi rau quả có giá trị gấp 5-6 lần.
Gạo Việt đang bị gạo Thái Lan và Campuchia cạnh tranh quyết liệt. Gạo của hai nước này cùng Pakistan đang thế chỗ gạo Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Cũng theo FAO, dự đoán đến năm 2030, những thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo cao như châu Phi, Bangladesh... vốn không đem lại nhiều giá trị. Gạo Nhật ta chê dẻo nhưng với người Nhật vậy mới ngon, mới làm được sushi. Còn người Úc ăn gạo theo kiểu rang sơ, nấu trong lò vi sóng cùng cà ri, gia vị, hạt bắp... ăn nửa chín nửa sống. Tóm lại, trong thời nhu cầu ăn ngon mặc đẹp, người bán nên tìm kiếm thị trường và xác định mình bán cái gì cho ai, người nông dân không ngoại lệ.
“Tập trung vào số lượng thay vì chất lượng không phải là mục tiêu của những nền nông nghiệp tiên tiến”, ông Vọng chia sẻ. Lấy ví dụ chuyến ghé thăm một công trường thực vật tại Nhật trồng xà lách thủy canh, ông cho biết công trường chiếu sáng hoàn toàn bằng hệ thống đèn LED, không sử dụng một giọt thuốc bảo vệ thực vật. Rau thu hoạch xong đóng gói đi bán ngay mà không cần rửa. Trên diện tích 1.600-2.000m2 mà sản lượng thu hoạch là 48 tấn xà lách, thu nhập 15 tỉ đồng/năm.
Chưa cần đạt những trình độ như vậy, nhưng ông Vọng cho biết phát triển chế biến, trong đó có bảo quản sau thu hoạch là cái Việt Nam đang thiếu. Ví dụ cà rốt, đậu bắp... cắt nhỏ, luộc sơ rồi cấp đông; bưởi thu hoạch xong cần đưa ngay vào phòng lạnh trữ dưới 12 độ thì giữ được chất lượng lâu. Các khu vực nông thôn nếu tập trung kỹ nghệ và xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ tạo nhiều việc làm cho khu vực này và mở ra nhiều cơ hội gia tăng giá trị cho nông sản.
“Ở Úc, nghe một người làm nông dân là người ta biết và đồng tình rằng họ là người giàu”, ông kể. Hơn 40% nông dân Úc có bằng đại học, học lên tiến sĩ không ít. Chuyện một nông dân Úc biết chế tạo máy móc là bình thường. Họ chạy xe sang, thậm chí lái cả phi cơ. Người nông dân được các chuyên gia nông học nể trọng, lớp trẻ yêu quý. Trong khi người dân đồng bằng sông Cửu Long ở ngay vựa nông nghiệp trù phú chỉ thu nhập trung bình là 40,2 triệu đồng/năm, còn những vùng khác là 47,9 triệu đồng.
“Ngành nông sản Việt Nam đang bước vào thời kỳ đòi hỏi cao về thương hiệu và chúng ta không còn cách nào khác phải chuyển hướng sang sạch, an toàn và dinh dưỡng”, Tiến sĩ Vọng nhận định. Và vị tiến sĩ đã ở tuổi thất thập này vẫn đau đáu về những kế hoạch giúp Việt Nam bước vào bản đồ xuất khẩu nông sản trên thế giới.