Người định lượng hạnh phúc
Nằm giáp với biên giới nước Đức, thành phố phía Đông Bắc Strasbourg cổ kính của Pháp nổi tiếng là thủ đô Giáng sinh lâu đời nhất châu Âu. Cứ trước dịp Giáng sinh, trong khoảng 500 gian hàng tại khu chợ đồ cũ Marché aux Puces, luôn có một quầy hàng của người phụ nữ gốc Việt nhỏ nhắn Phạm Thị Kim Cương bán những mặt hàng trang trí, thủ công mỹ nghệ từ Việt Nam. Quầy hàng của cô có sự góp sức của nhóm du học sinh tại thành phố Strasbourg.
Toàn bộ lợi nhuận thu được từ gian hàng được chuyển về Việt Nam trong dự án thiện nguyện. Ít ai biết, người nữ Việt kiều đứng ra tổ chức hoạt động cộng đồng là nữ Phó Giáo sư Kinh tế, hiện đang giảng dạy tại Đại học Strasbourg.
Tay săn học bổng cự phách
Chảy trong huyết quản truyền thống ham học của người cố đô xưa, Kim Cương được biết đến như “tay săn” học bổng cự phách. Từ hồi trung học đến những năm tháng học Khoa Kinh tế tại Đại học Strasbourg, rồi đến thời làm nghiên cứu sinh, Kim Cương tự nhận mình là “người ăn nhờ, ở đậu chính phủ”. Lần lượt đạt được những học bổng quốc tế lớn như học bổng Chính phủ Pháp năm (1995-1999), đến học bổng Excellence Eiffel (2000-2004), tổng giá trị học bổng mà người con gái gốc Huế này nhận được không nhỏ. Năm 29 tuổi, Kim Cương đã đạt học vị Phó Giáo sư tại Đại học Auvergne trước khi quay trở về làm việc tại Đại học Strasbourg.
Mặc dù luôn khiêm nhường nói rằng những gì đạt được là nhờ may mắn, nhưng có lẽ đức tính cần cù, chăm chỉ mới là lý do đưa vị Phó Giáo sư này đến với thành công. Kim Cương luôn được các giáo sư đại học nhớ đến là gương mặt đến sớm nhất, về muộn nhất trong thư viện trường. Cuối mỗi giờ học, các bạn đồng môn đã quá quen thuộc với cảnh người bạn học đến từ Việt Nam “lẽo đẽo” theo chân thầy cô giáo hỏi bài.
Vượt qua bản tính hướng nội và nhu mì, mê “thơ thiền, nhạc Trịnh”, cô gái gốc Huế Kim Cương nhớ lại quãng thời gian “càng hỏi lại càng thấy có cả đại đương kiến thức mình chưa hiểu”. Nhờ vậy, khi đứng trên giảng đường đại học tại Pháp, Kim Cương luôn đồng cảm sâu sắc với những sinh viên quốc tế. Cô luôn sẵn lòng trợ giúp “những cái đuôi” kiên trì chờ đợi mong được giải đáp thắc mắc khoa học cũng như trong cuộc sống.
Thuyết tương đối của hạnh phúc
Ở phía sâu trong người phụ nữ mỏng manh ấy ẩn chứa sự đối lập mạnh mẽ của tính triết học và các vấn đề kinh tế phát triển. Một trong những đề tài nghiên cứu khoa học của Kim Cương liên quan đến tính tương đối của hạnh phúc. Thông thường, chỉ số hạnh phúc của mỗi người phụ thuộc vào bản thân và vào thu nhập của người khác (con người có xu hướng so sánh thu nhập của mình với của người khác, từ đó có thể cảm thấy không hạnh phúc do thua kém).
Vì thế, tổng hòa tất cả các nhóm hành vi của mỗi người sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến các hiện tượng kinh tế vĩ mô và từ đó tác động trở lại đến cảm nhận hạnh phúc của từng cá nhân. Trong nhiều năm liền, Kim Cương đã nghiên cứu ra mô hình định lượng dựa vào việc sử dụng các phương pháp và số liệu khoa học để chứng minh những vấn đề vĩ mô theo hướng định lượng.
Trong một đề tài nghiên cứu khác, Kim Cương cũng thành công trong việc lập mô hình khoa học chứng minh được luận điểm: bất bình đẳng thu nhập sẽ có tác động tích cực tới phát triển kinh tế. Nhưng tác động tích cực này chỉ xảy ra khi mỗi cá nhân đều cố gắng một cách trung thực. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chỉ có thể nâng cao hạnh phúc công dân của quốc gia đó nếu nó đi kèm với chính sách xã hội và phúc lợi, nhằm giảm thiểu bất bình đẳng xã hội.
Quá trình “hàn lâm hóa” các vấn đề xã hội và các biến số trong kinh tế phát triển luôn đòi hỏi Kim Cương sự tỉ mỉ, tận tụy và hy sinh. Năm 2001, khi hoàn thành bậc thạc sĩ DEA d’Analyse économique, cô chủ động xin đi theo vị giáo sư nổi tiếng nghiêm khắc Rodolphe Dos Santos Ferreira và bắt đầu đặt những bước chân đầu tiên vào con đường nghiên cứu với đề tài “Tăng trưởng kinh tế theo thuyết tiện ích tương đối”.
Lúc ấy, vị giáo sư hướng dẫn đã nói một câu mà cô luôn ghi nhớ: “Đi theo tôi làm khoa học à, tôi thường không chạy theo sinh viên mà để họ tự bơi nhé”. Vậy là cô nghiên cứu sinh Việt Nam phải tự mình vận động, đi tham gia những hội thảo khoa học, trao đổi với đồng nghiệp nghiên cứu khắp mọi nơi. Đúng lúc ấy, cô nhận được tin cha ốm nặng. Trong một tuần chăm sóc cha, sự sống mong manh và cuộc đời vô thường đã tác động mạnh mẽ đến cô. Để rồi khi quay lại Pháp tiếp tục đề tài nghiên cứu, Kim Cương đã làm khoa học với cái nhìn hoàn toàn mới.
Cô chia sẻ, mọi khó khăn trong quá trình nghiên cứu khoa học đều trở nên nhẹ nhàng hơn trước. Theo cô, bất cứ ai từng trải qua cảnh sinh ly tử biệt người thân đều cảm nhận rõ điều này. Những phát minh, nghiên cứu khoa học chỉ thật sự có giá trị khi xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và theo đó chúng quay trở lại ứng dụng vào cuộc sống để nâng cao giá trị hạnh phúc cho con người.
Hiện tại, khi nắm trong tay hàng chục công trình nghiên cứu (về kinh tế phát triển, kinh tế công, kinh tế hành vi), đề án quốc tế, Kim Cương vẫn luôn hướng đến tính ứng dụng trong thực tế.
Những ngày hè tháng 7, nữ Phó giáo sư Kim Cương, vừa hoàn thành hồ sơ Tiến sĩ khoa học tại Strasbourg, đã trở lại TP.HCM để tham gia khóa giảng dạy ngắn ngày cho Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế, Quản trị và Môi trường Việt Nam (VCREME) cùng với các giáo sư, tiến sĩ kinh tế Việt kiều Pháp. Theo Kim Cương, những năm tháng học tập nghiên cứu tại Pháp đã giúp cô hình thành nên hai đặc tính nổi bật, mà mỗi lần về nước cô luôn muốn chia sẻ cùng các bạn trẻ Việt Nam. Đó là tư duy mở và khả năng chấp nhận những quan điểm sống khác với bản thân.
Những ai muốn bước chân vào con đường nghiên cứu cần rèn luyện tư duy phản biện và sự kiên định trước mọi hoàn cảnh. Việc tạo mối quan hệ và giữ kết nối với cộng đồng khoa học thế giới cũng là một đòi hỏi khác để các nhà nghiên cứu trong nước không đứt quãng thông tin. Câu nói quen thuộc được cô truyền đạt suốt nhiều thế hệ học trò của mình là “mọi chuyện phải thử sức mới có trải nghiệm”.
Nguyệt Nguyễn