Ảnh: Vân Nguyễn
Ngày Quốc Tổ: Kết nối người Việt trong và ngoài nước
Hàng năm, vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày 10.3 Âm lịch, cùng với người dân trong nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thường tổ chức các lễ tôn vinh, hướng về đất tổ, song hoạt động này còn nhỏ lẻ.
Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV) từ năm 2015 đã ủng hộ kiều bào lấy ngày giỗ Tổ Hùng Vương, ngày 10.3 Âm lịch, là ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu, ngày lễ chung cho người Việt Nam trong nước và thế giới.
“Việc thực hiện dự án đồng loạt ở nhiều quốc gia là rất khó. Cho nên, mỗi năm Dự án sẽ triển khai vận động ở một số nước để sau 5-7 năm sẽ tạo thành làn sóng ủng hộ Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu” _Chủ tịch Nguyễn Phú Bình |
Chủ tịch ALOV, ông Nguyễn Phú Bình, tại Hội nghị Tổng kết Dự án ''Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu'' hôm 22.1, cho rằng, Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày lễ quan trọng đối với người dân trong nước, nhưng với kiều bào ngày Quốc tổ mang ý nghĩa đầy đủ và toàn vẹn hơn. Chúng ta có những yếu tố bên trong và bên ngoài, khẳng định đây là di sản văn hóa.
Chủ tịch Bình cho biết Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu'' được phát động ở nhiều nước theo một mẫu kịch bản chung, song có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của cộng đồng người Việt ở từng quốc gia.
Trước đó, nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày 10.3 Âm lịch của năm 2018, các Hội đoàn người Việt ở Czech, Nga, Hungary và Đức, đã tổ chức Giỗ Tổ, đồng thời triển khai vận động Dự án “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu, Chủ tịch Nguyễn Phú Bình cho đây là kinh nghiệm tốt để mở rộng ra các nước.
Năm 2012, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, di sản văn hóa thế giới duy nhất ở loại hình tín ngưỡng.
Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, trên thế giới, rất hiếm việc một tín ngưỡng gắn với dân tộc được Unesco công nhận, với tính toàn cầu là rất rõ, thể hiện sự tôn trọng những khác biệt của mỗi quốc gia.
Thờ Quốc Tổ, một lễ rất trọng đối với người Việt Nam, Nhà sử học Dương Trung Quốc
Ông Dương Trung Quốc cho rằng, thờ Quốc tổ Hùng Vương, một di sản văn hóa phi vật thể. Quan điểm của Việt Nam phù hợp với thế giới, gắn với lịch sử hiện đại. Biểu tượng Vua Hùng là sự gắn kết, kiều bào có thể yên tâm và chia sẻ điều đó trong cộng đồng.
Ông Dương Trung Quốc, chuyên gia tư vấn dự án “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu”, cho rằng: “Dù các hoạt động của dự án mới chỉ mang tính chất thử nghiệm, nhưng với kinh nghiệm của tôi, dự án sẽ thành công”.
Theo ông, cộng đồng người Việt ở nước ngoài rất đông, hơn 4,5 triệu người, sinh sống tại 110 quốc gia trên thế giới. Bên cạnh việc hòa nhập vào nước sở tại về phong tập, tín ngưỡng, tôn giáo, mỗi một kiều bào không thể không nghĩ tới gốc gác của mình.
Nhà sử học này cho rằng, Dự án “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu'' đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu hết sức chính đáng của kiều bào, vấn đề còn lại là bước đi thế nào cho phù hợp. “Tôi cũng rất quan tâm đến trách nhiệm và thái độ của Nhà nước thế nào đối với dự án này”, ông Quốc nói.
Việt Nam đang là một điểm đến nhiều tiềm năng, mở ra thuận lợi cho bản thân kiều bào, cơ hội gắn kết với đất nước, với cội nguồn của mình. Hơn nữa, trong bối cảnh chung của thế giới hiện nay, sự tôn trọng tính đa dạng cũng góp cho cộng đồng người Việt vừa giữ gìn bản sắc riêng, vừa hòa nhập với thế giới.
Năm 2019 việc triển khai vận động Dự án “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu sẽ được tổ chức ở Châu Á, dự kiến tại Lào, Campuchia, Thái Lan và xa hơn là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, cũng như củng cố về mặt tổ chức, thành lập các ban để tiếp tục triển khai giai đoạn mới của dự án. |
“Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu”, cơ hội để người Việt Nam trong và ngoài nước cùng tựu tâm hướng về quê hương. Nhưng kiều bào ở mỗi quốc gia có điều kiện, hoàn cảnh sống khác nhau, cần có hình thức thích hợp để tạo ra những hoạt động cộng đồng”, ông Quốc lưu ý.
Với dự án này, qua thời gian trải nghiệm và ý nghĩa đang dần được đúc kết. Với thời đại công nghệ số… những khó khăn về khoảng cách địa lý do cộng đồng người Việt ở nước ngoài sinh sống không tập trung, hay sinh hoạt ở mỗi cộng đồng có đặc thù riêng, đã không ngăn cản được sức lan tỏa của dự án.
Bà Nguyễn thị Bích Yến, Việt kiều Cộng hòa Áo, một trong những người sáng lập Dự án Quốc tổ Việt Nam toàn cầu, cho biết, Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu có ý nghĩa đặc biệt đối với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài.
Thế nhưng, bà Yến cũng cho biết: “Quá trình thực hiện dự án này có nhiều khó khăn và khó khăn lớn nhất là kinh phí”.
Năm 2018, dự án đã vận động hỗ trợ tài chính cho dự án “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” và thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tập đoàn Mai Linh, một trong những doanh nghiệp ủng hộ mạnh mẽ.
Để tháo gỡ những khó khăn về mặt tài chính, năm 2019 dự án sẽ bắt đầu xây dựng đề tài khoa học cấp quốc gia để xin hỗ trợ kinh phí từ nhà nước, khoản hỗ trợ này có thể không lớn, song sẽ là “vốn mồi” cho dự án phát triển dựa trên phương thức xã hội hóa.